Sách chuyên khảo Việt gây chú ý

13/03/2020 08:00 GMT+7

Gần đây, xu hướng phát hành sách chuyên khảo đang tăng lên sau nhiều nỗ lực của các nhà xuất bản và đơn vị liên kết.

“Đáng đồng tiền” mua sách

Một thời gian dài, việc làm sách được đẩy mạnh trên diện rộng và sách phổ thông được chú trọng. Gần đây những đầu sách hàn lâm, chuyên môn sâu đã có sức thu hút, được bạn đọc quan tâm. Có thể kể tên hai cuốn sách đầu tiên được thực hiện trong dự án Vietnamica do Viện Khảo cứu cao cấp Cộng hòa Pháp chủ trì đã chính thức phát hành là Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt NamThánh Mẫu linh tiêm. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở TP.HCM liên kết ấn hành.
Đầu năm 2020, Công ty Omega Plus liên kết xuất bản cuốn Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862 - 1867) (Phan Thanh Giản - Patriote et Précurseur du Vietnam moderne: ses dernières années 1862 - 1867) của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph.Chanfreau. Phan Thanh Giản, vị đại thần triều Nguyễn đã làm tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu sử học Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay. Qua tác phẩm này, hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph.Chanfreau muốn góp thêm nhiều tài liệu để hậu thế có thêm dữ liệu và căn cứ xem xét về Phan Thanh Giản, và cuốn sách lập tức nổi sóng dư luận.
Khảo sát trên thị trường sách có thể thấy rằng nhiều đầu sách khảo cứu được bạn đọc sẵn sàng “móc ví” vì “đáng đồng tiền” bỏ ra. Đó là các cuốn: Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Việt Nam của Edward Miller được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành; De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969) của Pierre Journoud do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thực hiện; Phán xét - Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào (tác giả Nguyễn Văn Hưởng) do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành.
Sách chuyên khảo Việt gây chú ý1

Bộ sách Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam và Thánh Mẫu linh tiêm

Mới đây tại TP.HCM, dịch giả Nguyễn Duy Chính đã có cuộc trò chuyện với đông đảo bạn đọc quan tâm về đề tài lịch sử: “Triều đại Tây Sơn và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII”. Cuộc trò chuyện này cũng chính là dịp ra mắt hai ấn phẩm mới: Đi tìm chân dung vua Quang Trung Nguyễn Thị Tây Sơn ký do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành. Đi tìm chân dung vua Quang Trung tập hợp các bài viết của Nguyễn Duy Chính. Đó là quá trình đi tìm nguồn gốc bức tranh vẽ chân dung vua Quang Trung từng được bán ra tại một sàn đấu giá ở Anh năm 1981, chứng thực về sự tồn tại một bức chân dung vẽ vua Quang Trung trong lần sang Trung Quốc năm 1790. Còn Nguyễn Thị Tây Sơn ký, tác giả khuyết danh, được Nguyễn Duy Chính dịch nhằm bổ sung thêm nguồn sử liệu liên quan đến VN chưa được khai thác.
Trước đó, cuốn sách được nhiều người quan tâm là Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế (L’Art à Hué) do linh mục Léopold Cadière (1869 - 1955) chủ trương, tiến sĩ Lê Đức Quang dịch và chú giải, Nhà xuất bản Hà Nội liên kết cùng Thaihabooks ấn hành. Hai ấn bản siêu đặc biệt (ấn bản Phượng và Long Mã) của Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế đã được mang ra đấu giá vào đầu tháng 10.2019 và thu về 54 triệu đồng.

Để không chỉ “bán hoài niệm về quá khứ”

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Omega Plus, cho rằng về nhu cầu độc giả thì sách khảo cứu vẫn có thị trường, kể cả sách tác giả Việt và sách dịch. “Chỉ có điều, có thể trước đây các đơn vị xuất bản cung cấp một thứ khẩu vị nhàm chán, lặp đi lặp lại, khiến người đọc không còn hứng thú nữa”, ông Đại nói.
Sách chuyên khảo Việt gây chú ý

Hai ấn bản siêu đặc biệt của Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế đấu giá 54 triệu đồng

Theo ông Đại, có hai lý do gây ra tình trạng trên. Thứ nhất là đơn vị xuất bản thích và quen làm những thứ dễ dàng, tức là tái bản các công trình quen thuộc đã hàng chục năm, nếu có thay đổi thì cũng chỉ xới xáo lại trong hàng sách cũ trước 1945 hay trước 1975 mà không có những tìm tòi, khai thác mới. “Tôi gọi đây là kiểu “bán hoài niệm về quá khứ” chứ không phải bán giá trị của cuốn sách vì có thể nó đã lạc hậu rồi”. Còn nếu có tác giả mới hoặc công trình mới thì cũng lặp lại hướng tiếp cận cũ, tư duy cũ, cách viết cũ... Thứ hai là tính thời điểm. Có nhiều bản thảo vấn đề hay nhưng những năm trước không thể tiếp cận hoặc bị giới hạn, khó xuất bản. Việc làm sách khảo cứu không hề dễ, vì thế nếu có những ấn phẩm nào ra đời đáp ứng được những điều kiện trên thì tạo được sự quan tâm của độc giả.
Chia sẻ ý kiến của mình, bạn đọc Trần Thanh Nhựt (TP.HCM) cho biết dòng khảo cứu hiện nay được độc giả quan tâm nhờ khai thác và cung cấp nguồn tư liệu mới mẻ, hấp dẫn độc giả quan tâm, tìm hiểu lịch sử; từ đó đưa ra những nhận định khách quan, căn cứ trên tài liệu mà tác giả thu thập, lý giải nhiều vấn đề trước nay vẫn còn khuất tất. Tuy nhiên, theo anh Trần Thanh Nhựt, việc khảo cứu tư liệu cần có sự cẩn trọng nhất định, cần có đối chiếu, so sánh giữa các nguồn tư liệu, tránh nhìn nhận, kết luận nóng vội, chủ quan...
Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Thừa Thiên-Huế, nhận định hiện nay độc giả ngày càng khắt khe, bắt đầu có sự tập trung vào một số lĩnh vực, khía cạnh chuyên sâu và giai đoạn cụ thể, nhất là trong việc phác thảo nên lịch sử, nghiên cứu vấn đề để thấy tiền nhân trước đây đã làm được gì, cả trong tư liệu lẫn cách tiếp cận, rồi từ đó hậu thế bổ sung, hoàn chỉnh. Cho nên dù sách khó đọc, “đau đầu” nhưng vẫn trở nên hấp dẫn và trong những năm tới, theo ông Hằng, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.