Sách ẩm thực thấm vị yêu thương

Thời gian gần đây, sách về ẩm thực - nhất là sách hướng dẫn nấu ăn - chiếm không gian trưng bày không nhỏ tại các nhà sách với bìa rất bắt mắt và tựa sách cũng thật... lãng mạn.

Không ít tác giả là những đầu bếp nổi tiếng từ các chương trình truyền hình thực tế hay những blogger ẩm thực được cộng đồng mạng yêu thích.
Có thể kể đến những đầu sách được người đọc quan tâm nhiều như: Từ niềm đam mê nấu ăn của Ngô Thanh Hòa (quán quân Vua đầu bếp VN 2013), Ngẫu hứng vào bếpNgẫu hứng nướng của Phan Thắng Thái Hòa (top 3 Vua đầu bếp 2013), Cô Ba và hành trình món Việt của Đoàn Thị Thu Thủy (top 3 Vua đầu bếp 2014), Ngày mai cưng ăn gì, Ăn gì cũng dễ thương, Làm dâu nhà má của Alain Nghĩa (quán quân Siêu đầu bếp 2013), Mật mã yêu thương - Ngọt, Mật mã yêu thương - Vị yêu của blogger ẩm thực Phan Anh (Esheep), Chuyện bếp của food stylist Alex Trần, Bakingfun - Hành trình bếp bánh của Vũ Ánh Nguyệt...
Một số đầu sách ẩm thực bán chạy thời gian qua
Nhìn là... muốn lăn vào bếp
Điều đầu tiên phải công nhận rằng những quyển sách về ẩm thực này đều được trình bày rất đẹp, với hình ảnh - màu sắc sống động, nhìn là muốn “lăn vào bếp” ngay. Một trong những tác giả đã rất chịu khó chăm chút quyển sách của mình là Ngô Thanh Hòa. Anh đã “ăn ngủ” cùng công nhân nhà in để xem lại màu sắc từng trang sách, từng bản in của Từ niềm đam mê nấu ăn. Bên cạnh công thức dễ thực hiện, phù hợp xu hướng thưởng thức hiện đại, được viết từ tình yêu và đam mê của những người nhiều trải nghiệm trong gian bếp, cuốn sách còn có cả những cảm xúc, câu chuyện của chính tác giả về các món ăn thấm đẫm hương vị của ký ức, của thời gian.
Thay cho những mẫu công thức nấu ăn đơn thuần kèm hình ảnh trong sách hướng dẫn nấu ăn truyền thống, những cuốn sách ẩm thực “thế hệ mới” có câu chuyện đằng sau gian bếp, có cả thất bại lẫn thành công đã thực sự thu hút người xem. Ví như trong Hương vị miền yêu thương của họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng (top 10 Vua đầu bếp 2013), có thể cảm nhận được mùi của gia vị tỏa ra từng trang sách, qua những chiếc bánh hương lá dứa cốt dừa hay nồi cá kho của mẹ, của bà... Hoặc khi thưởng thức quyển “du ký” ẩm thực - Chuyện bếp của Alex Trần, những tựa sách nghe qua không nghĩ đó là sách ẩm thực của Alain Nghĩa, người đọc hẳn không thể phủ nhận một điều: đàn ông vào bếp thật thú vị và quyến rũ.
Theo dõi trang cá nhân của Phan Anh (Esheep) và một số blogger ẩm thực khác, sẽ thấy sự hứng thú lẫn quan tâm rất lớn của độc giả dành cho ẩm thực. Phan Anh hào hứng cho biết, giữa tháng 6 này, cô tiếp tục ra quyển thứ 3 mang tên 80 ngày ăn khắp thế giới. Đây là cuốn sách hướng dẫn nấu ăn và tìm hiểu ẩm thực thế giới được viết thành câu chuyện phiêu lưu dành cho trẻ em từ 7 - 14 tuổi. Hai quyển đã phát hành trước đó của cô đều là best-seller.
Vẽ ra chất liệu món ăn
Chàng thanh niên 30 tuổi Đặng Hồng Quân, một họa sĩ trẻ ở Hà Nội, không ngờ những hình vẽ nhỏ xíu mà mình ký họa kèm với các chú thích ghi lại cảm xúc với món ăn trong 8 năm qua đã dày đến mức có thể xuất bản thành 2 cuốn sách với tên Lê la quà vặt Hà NộiĂn quà xuyên Việt (NXB Trẻ ấn hành), mỗi cuốn dày từ 120 - 150 trang.
Những món ăn được Quân vẽ và làm chú thích rất vui mắt. Một món ăn ngoài tên chính còn có cả “nick name” mà mọi người đặt cho. Chẳng hạn, món hủ tiếu còn được gọi đùa là phở Nam bộ, hay bánh tráng nướng có tên là pizza phiên bản Việt, cơm tấm sườn bì chả lại có tên fastfood Sài Gòn, bún đậu mắm tôm là món tủ của dân văn phòng... Từng thành phần món ăn cũng được vẽ và chú thích rõ. Món hủ tiếu với gan, trứng, tôm bóc nõn, thịt xá xíu, hẹ. Món bún đậu vẽ đủ từ bún lá, bún đồng xu đến đậu rán, thịt luộc đi kèm và bát mắm tím dịu.
Món bún chả Hà Nội trong sách Lê la quà vặt Hà Nội
Đặng Hồng Quân cho biết, vẽ ra chất liệu của một món ăn đã khó, có nhiều món còn rất khó để vẽ. Chẳng hạn, cao lầu vốn là món màu sắc không quá đẹp, các chất liệu lại có tông màu gần nhau nên khó thể hiện. “Làm thế nào để phân biệt ram (bì chiên) và thịt xá xíu, làm thế nào để tả vết nhăn trên miếng bì chiên, tôi phải vẽ không biết bao nhiêu lần mới ra được màu ưng ý. Rồi làm sao vẽ được từng hạt vừng trên bánh rán đang óng mỡ...”. Cố nghệ sĩ Phạm Bằng với quán bán bánh trôi tàu, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với set bún chả mà ông từng ăn khi đến Hà Nội gồm bún chả, nem cua bể và bia Hà Nội cũng đi vào câu chuyện trong sách. Kèm theo mỗi món ăn là địa chỉ bỏ túi để khách có thể tìm đến thưởng thức.
Đặng Hồng Quân cũng vẽ một người dẫn đường hình giọt nước, với khuôn mặt ửng hồng hai bên má như trái đào. “Tôi vẽ chính mình hồi bé, đầu cắt cua, hơi ngây ngô vì chỉ mê ăn uống. Quả đào cũng là ẩn ý cho sự trường thọ vì ăn những món ngon có thể giúp con người vui vẻ và sống lâu hơn”, Quân nói.
Sự chuyển mình ngoạn mục
“So với trước đây, sách về ẩm thực thời gian này bán rất tốt”, chị Ngân Hoa, phụ trách truyền thông của Công ty văn hóa Phương Nam (đơn vị phát hành các đầu sách của Ngô Thanh Hòa, Phan Thắng Thái Hòa, Alain Nghĩa...), cho biết. Theo chị, ở loại sách này, việc bán chạy hay không phụ thuộc rất lớn vào thẩm mỹ, thiết kế và tên tuổi tác giả. “Tuy không thể so với số phát hành của sách văn học, nhưng có thể thấy sự chuyển mình ngoạn mục trong những năm gần đây của sách ẩm thực nhờ những nỗ lực làm mới dòng sách này”, chị Hoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.