'Rưng rưng' trao giải cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/03/2021 06:18 GMT+7

Viết bài thi giữa những đợt truyền hóa chất chống ung thư. Tự hào vì trở thành nhân vật của cuộc thi. Những trầm tích từ quá khứ được khơi lại. Cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu “rưng rưng” như thế.

Câu chuyện của thời gian

Sáng 29.3, ông Trương Bình Nguyên, bố của tác giả Trương Thanh Ngân (kiều bào ở Áo), có mặt ở khách sạn Hilton Opera (Hà Nội) - nơi diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu từ sớm. Ông ngồi phía dưới, ngắm cô cháu gái Tạ Mai Hương lên nhận giải khuyến khích cho bài viết Hà Nội, mùa thu và nỗi nhớ. Đây là bài viết duy nhất của cuộc thi có 2 tác giả.
Nhận giải rồi giao lưu, chị Tạ Mai Hương vừa nói vừa rơm rớm nước mắt: “Tôi và Ngân là hai chị em họ, cùng lớn lên trong một nhà, đi học cùng lớp, có chung nhiều kỷ niệm thời thiếu nữ. Ngân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Vì thế khi Ngân mệt, tôi đã viết tiếp sức cho Ngân. Tôi ước gì Ngân đã có thể có mặt ở đây, để cùng tôi nhận giải thưởng này”.
Nhưng không chỉ có chị Hương rưng rưng, anh Lê Việt Cường (CEO của doanh nghiệp xã hội Vụn Art) cũng không giấu nổi xúc động. Doanh nghiệp nhỏ của anh, với chủ yếu là người khuyết tật, đã trở thành “nhân vật” cho một bài viết dự thi Hà Nội thành phố tôi yêu. Đó là bài Những dáng hình nghiêng thổi hồn vào lụa (tác giả Lê Hà). “Việc làm với những người khuyết tật chúng tôi rất khó khăn. Chúng tôi muốn ra những sản phẩm sáng tạo, không hề khuyết tật. Chúng tôi cũng vui vì trở thành không gian sáng tạo của TP.Hà Nội”, anh Cường nói. Thời khắc đó, anh cảm thấy rõ mình không cô độc.
Tác giả Lê Thị Bính (TP.HCM) lại chuẩn bị sẵn một bài thơ cùng chủ đề với bài viết dự thi Nhớ thời xí nghiệp hai que. Cả hai đều viết về thời kỳ quần áo len, áo mút là cả một tài sản, là món quà cho người lính ở xa. Khi ấy, ngoài đan len cho chính mình, người ta còn đan len bán kiếm sống nữa. “Đoàn tụ Bắc Nam rộn tiếng ca. Nhớ thời bao cấp ngỡ chiều qua. Giang san chia cắt còn gian khổ. Xí nghiệp hai que sống thật thà”, bài thơ có giọng điệu lạc quan trong hồi tưởng.
Những câu chuyện của thời gian là điều được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm. Những người dự lễ tổng kết trao giải cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu cũng như hòa mình vào dòng thời gian đã qua của tác giả. Chị Cao Thị Nga - tác giả bài Hà Nội có một dòng sông không chảy, chia sẻ về giây phút đầu tiên gặp gỡ con sông Tô Lịch. “Nếu có thể dùng một từ để mô tả sông Tô Lịch cách đây 20 năm tôi thấy lần đầu thì là từ khủng khiếp. Sông cạn, bùn và mùi hôi. Nhưng bây giờ sông đã đỡ dần. Con đường đi bộ được làm, cây được trồng thêm và chúng tôi thấy tốt hơn”, tác giả nhận giải nhì cuộc thi chia sẻ.
“Dòng chảy thời gian là tuyến chính trong các bài dự thi. Đó là những kỷ niệm sâu sắc nghe qua lời bố kể. Câu chuyện của Hà Nội hơn 70 năm trước. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên về những thời khắc lịch sử ngày giải phóng thủ đô. Thậm chí, có những việc rất đời thường được gợi lại đơn giản mà sâu sắc như những bữa đặc sản với bạn ở vỉa hè Hà Nội, hay đêm tình cờ nghe hương lá hương cỏ thủ đô”, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đánh giá tổng kết.
'Rưng rưng' trao giải cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu1

Ông Trương Bình Nguyên và chị Tạ Mai Hương bên hình ảnh tác phẩm được giải

Thân thương quá Hà Nội

Cảm xúc chân thực, xúc động là điều ban giám khảo đều nhận ra khi chấm bài của cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu. Tất cả đều bắt nguồn từ những niềm vui nho nhỏ khi đến Hà Nội, rồi theo thời gian niềm vui ấy trở thành gắn bó, thân thương. Tác giả Cao Thành Phát chia sẻ: “Mỗi lần từ TP.HCM ra đây, tôi đều phải làm hai việc. Một là đi dạo quanh hồ Gươm, hai là ăn kem Tràng Tiền. Tôi mê kem cốm, ở TP.HCM chúng tôi không có cốm tươi. Tôi cảm thấy mỗi lần ra Hà Nội, tôi lại có thêm kỷ niệm mới, cảm xúc mới”.
Trong khi đó với tác giả được giải nhất, anh Lê Đình Trung, đời sống ở Hà Nội không còn là kỷ niệm nữa. Có bà là người Hà Nội, anh đã đi về từ Thanh Hóa ra Hà Nội nhiều lần. Từ lạ lẫm, Hà Nội đã thành quá quen thuộc. “Nhiều khi mới đến Hà Nội thì có nhiều trăn trở về đời sống nơi thủ đô với điều kiện sinh hoạt đắt đỏ. Thế nhưng đối với em là người từng đến, từng ở, từng đi rồi trở lại, em thấy Hà Nội cần tấm lòng. Mọi người cứ đối xử tốt với Hà Nội rồi Hà Nội cũng sẽ thương mình. Khi đã thương Hà Nội rồi người xa lạ sẽ thành người Hà Nội thứ thiệt, giống như một tác giả đã viết trong cuộc thi”, anh Trung nói.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu có sự tham dự của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT-TT; ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội; ông Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông đánh giá cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu tạo được nhiều cảm xúc cho người dân, kể cả những người đang sống và đã đến, đã đi sau khi lưu trú ngắn ngày tại thủ đô. Họ có chung tình yêu Hà Nội, nhưng tình yêu đó thể hiện trong các tác phẩm có khác nhau, thậm chí rất khác nhau, thông qua những trải nghiệm cá nhân phong phú và đa dạng. Còn PGS-TS Phạm Xuân Thạch - giám khảo cuộc thi, nhận xét: “Những người đã lớn lên ở Hà Nội họ kể về những rặng ổi, về cha mình, về một lớp người đã sống ở Hà Nội, một lớp công chức đã làm nên thành phố này. Có những người kể về món ăn mà giờ nó đã biến mất trong đời sống của chúng ta - bánh quy xốp chẳng hạn, nhưng nó làm nên một phần Hà Nội. Những điều đó được neo giữ rất ghê gớm trong người đọc. Đó là Hà Nội thân thương”.
Kết quả cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu
Cuộc thi viết Hà Nội thành phố tôi yêu diễn ra từ 10.10.2020 đến 31.1.2021. Số bài thi nhận được là 1.080 bài, trong đó có 85% là bài gửi từ TP.HCM và Hà Nội. Các bài thi còn lại từ CH Áo, Đức, Mỹ, Nhật Bản và 25 tỉnh, thành khác trong cả nước. Kết quả cuộc thi như sau:
- 1 giải nhất (trị giá 20 triệu đồng): Hà Nội chẳng tốn một xu - Lê Đình Trung
- 2 giải nhì (15 triệu đồng): Hà Nội có một dòng sông không chảy - Cao Thị Nga; Mơ người Hà Nội - Phạm Thanh Thúy
- 3 giải ba (10 triệu đồng): Đập cánh - Dương Thành Phát; Nhớ thời xí nghiệp hai que - Lê Thị Bình; Hà Nội thu trong chén chè bưởi cốm của ngoại - Linh Chi
- 6 giải khuyến khích (3 triệu đồng): Mùi Hà Nội - Lê Thu Thảo; Sớm hôm chợ hoa Quảng Bá - Nguyễn Văn Công; Hà Nội - Những người và những mùa - Chân Kiến; Bố tôi và rặng ổi Nghi Tàm - Nguyễn Hiếu; Chạm vào Hà Nội - Khuê Việt Trường; Hà Nội mùa thu và nỗi nhớ - Trương Thanh Ngân, Tạ Mai Hương
- Giải bài viết được bạn đọc yêu thích (5 triệu đồng), với 40.000 lượt like và 7.340 view: Người Hà Nội thứ thiệt - Nguyễn Thanh Nam
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng cuộc thi Hà Nội thành phố tôi yêu: Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty cổ phần địa ốc Phú Long; Công ty cổ phần xây dựng Hoàng Mai; Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine; Công ty cổ phần dịch vụ và truyền thông Smedia.
Xin cảm ơn Tập đoàn BRG, khách sạn Hilton Opera Hanoi đã tạo điều kiện địa điểm tổ chức lễ trao giải; Tập đoàn VNPT đã hỗ trợ đường truyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.