Rắc rối với bình hồ lô 'giá khởi điểm 10 tỉ đồng'

Sở hữu chiếc bình hồ lô kiểu cổ chưa đầy 2 ngày, chủ nhân đã phải bán vội vì thấy quá rắc rối, dù trước đó 'cổ vật' được dự đoán mức giá lên đến 10 tỉ đồng.

Sở hữu chiếc bình hồ lô kiểu cổ chưa đầy 2 ngày, chủ nhân đã phải bán vội vì thấy quá rắc rối, dù trước đó 'cổ vật' được dự đoán mức giá lên đến 10 tỉ đồng.

Bình hồ lô “có giá khởi điểm 10 tỉ đồng” của anh Trần Công Viên
Dự đoán giá 10 tỉ đồng, bán… 12 triệu đồng
Chiều nay 13.3, anh Trần Công Viên (33 tuổi, trú xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) khẳng định đã bán chiếc bình hồ lô nghi là cổ vật với giá... 12 triệu đồng. Chiếc bình chất liệu bằng đồng, cao gần 18cm, rộng 5cm, xung quanh trang trí cầu kỳ… được anh Viên nhờ người bạn mua từ Đắk Lắk mang về hôm 11.3.
Mọi rắc rối nảy sinh kể từ khi anh Viên vào mạng xã hội hỏi về giá trị của “bình hồ lô cổ”, và được gợi ý giá khởi điểm lên đến 10 tỉ đồng nếu đó là đồ cổ thời nhà Minh. Tuy nhiên, đến chiều qua anh quyết định bán “cổ vật” này cho một người ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) bằng đúng giá tiền đã mua là 12 triệu đồng.
“Chẳng qua tôi mua bình này về chưng tại bàn thờ ông địa cho đẹp, cho may mắn, chớ chưa biết thiệt hay giả. Tôi có hồ lô đầy nhà mà. Nhưng may mắn đâu không thấy, thấy toàn rắc rối”, anh Viên nói.
Rắc rối mà anh Viên gặp phải chính là chuyện đồn thổi đang sở hữu đồ cổ tiền tỉ.
“Tôi thấy độ an toàn của gia đình, của con cái có phần không ổn. Lỡ giang hồ tìm tới thì mệt. Nên quyết định bán, bởi tiền tỉ thì mình vẫn có thể làm ra được”, anh nói với PV Thanh Niên.
Tài khoản Facebook cá nhân của anh Viên cũng đã gỡ bỏ những hình ảnh đăng tải trước đó về bình hồ lô này. Thay vào đó là đường link mới được ai đó gắn vào với lời chúc mừng rằng anh đã bán được “đồ cổ” với giá... 12 triệu đồng.
Chiếc bình chất liệu bằng đồng, cao gần 18cm, rộng 5cm, xung quanh trang trí cầu kỳ
Thật giả lẫn lộn
Từ hình ảnh của chiếc hồ lô, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho hay sẽ rất khó đoán định chính xác giá trị chiếc bình. “Nếu là bình có chất liệu bằng đồng thì xin chào thua, vì rất dễ giả. Muốn biết rõ thì phải trực tiếp sờ, quan sát kỹ và biết rõ xuất xứ”, ông Hỷ nói.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam, cũng là một chuyên gia giám định cổ vật, quả quyết nếu không nhìn thấy hiện vật thì không nói gì được về giá trị hay xuất xứ, trong khi chất liệu đồng lại càng khó vì… dễ giả.
Thậm chí, không phải nhà khảo cổ nào cũng đủ khả năng phân tích, vì riêng tượng cổ đã chia ra các loại tượng gỗ, tượng đá, tượng đồng; còn gốm sứ phải tìm hiểu rõ gốm Trung Quốc, Việt Nam hay Thái Lan, ông Tịnh cho biết thêm. “Đồ giả cổ hiện đang thấy bán tràn ngập thị trường. Thật giả lẫn lộn lắm”, ông Tịnh nói.
Nhưng chiếc bình được đoán giá khởi điểm 10 tỉ đồng lại chỉ bán với giá 12 triệu đồng, quả là chuyện khó tin. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, anh Trần Công Viên cho biết bình đó chưa rõ thật giả nên chưa khẳng định rõ giá trị. Ngay như ông Hồ Xuân Tịnh khi hay tin “cổ vật” dự đoán giá 10 tỉ đồng nhưng rốt cuộc chỉ bán 12 triệu đồng đã là chuyện lạ.
Mặt đáy của chiếc bình hồ lô
Theo ông Tịnh ngay cả những người chuyên mua bán cổ vật có rất nhiều kinh nghiệm cũng bị "việt vị". Ông Tịnh dẫn chứng một người sưu tầm đồ cổ ở miền Trung (đã qua đời) từng mua được một bức tượng Chăm. Hiện vật sau đó được nhiều nhà chuyên môn thẩm định và khẳng định là cổ vật, nhưng khi tiếp xúc hiện vật thì ông Tịnh lại không nghĩ vậy. “Tôi đến xem và biết ngay đó là đồ giả. Đã có rất nhiều người mua trúng đồ giả, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay”, ông Tịnh chia sẻ.
Riêng chiếc bình hồ lô bằng đồng “giá khởi điểm 10 tỉ đồng” đã phải bán tháo (theo tiết lộ từ phía anh Trần Công Viên) đã gây chú ý trong dư luận cũng bởi yếu tố mù mờ về giá trị kiểu như thế.
Theo anh Viên thì anh chỉ là người chuộng đồ trang trí kiểu cổ. Anh cho biết vẫn thường đặt mua các vật dụng như độc bình, bình rượu… từ Hà Giang, Đắk Lắk mang về, sau đó ai có nhu cầu thì anh đặt giúp hoặc nhượng lại. Nhưng khi bước vào cuộc chơi đồ cổ, ngoài yếu tố may mắn mà còn phải hội đủ kiến thức chuyên ngành, nếu không muốn bị… lừa.
Xử lý di vật, cổ vật
Theo luật Di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất (Khoản 4, Điều 14). Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 41).
Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam, trường hợp cá nhân đào được cổ vật nhưng lén lút mang bán, khi cơ quan chức năng phát hiện sẽ tịch thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.