Quạt nồng đắp lạnh: Đắp hay là ấp?

13/09/2020 06:39 GMT+7

Hiện nay, nếu vào Google và gõ thành ngữ quạt nồng đắp lạnh thì hầu hết các câu trả lời sẽ là quạt nồng ấp lạnh (ấp thay cho đắp ).

Trang Từ điển tiếng Việt (vtudien) giảng quạt nồng ấp lạnh như sau:
“Do chữ Đông ôn hạ sảnh: Quạt khi trời mát, đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh, là nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ.
Lễ ký: Phàm vi nhân tử chi lễ nhân [sic] ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh (Phàm theo lễ của kẻ làm con mùa đông thì lo cho cha mẹ ấm, mùa hè thì lo cho cha mẹ mát, buổi tối thì lo cho cha mẹ yên chỗ nằm, buổi sớm thì hỏi thăm xem cha mẹ ngủ dậy có mạnh khỏe không).
Kiều:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”
Trên internet, nhiều trang theo nhau mà chép cái sai từ chữ đông là mùa rét thành chữ “nhân” vô nghĩa. Đúng ra thì phải là: “Phàm vi nhân tử chi lễ đông ôn nhi hạ sảnh”. Ngoài cái sai này, còn một vấn đề nữa ở cái thí dụ mà vtudien đã cho từ Truyện Kiều:
“Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”
Ấp hay là đắp? Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe chép ấp và giảng: “ấp lạnh là ấp-ủ chiếu chăn cho đỡ lạnh”. Trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh cũng chép ấp lạnh rồi giảng: “Theo Kinh Lễ, con thờ cha mẹ, mùa đông trời lạnh thì ấp cho ấm, mùa hạ trời nóng thì quạt cho mát” (Xin xem mục “quạt nồng ấp lạnh”). Nhưng theo Truyện Kiều tập chú của Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa thì câu 1044 của Truyện Kiều ở các bản Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Anh, Kiều Oánh Mậu, Liễu Văn Đường, Quan Văn Đường đều chép đắp lạnh. Đặc biệt bản Duy Minh Thị 1872, là bản mà Hoàng Xuân Hãn cho là gần với nguyên bản của Nguyễn Du nhất, cũng chép đắp lạnh.
Vậy giữa đắpấp, đâu mới là từ gốc? Chúng tôi cho là đắp, như lời giảng của chính vtudien:đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh”. Quạt nồng đắp lạnh xuất phát từ bốn chữ Hán đông ôn hạ sảnh, mà riêng vế đông ôn thì được Hán Đại thành ngữ đại từ điển giảng là “đông ôn bị sử noãn” [冬温被使暖]. Ôn bị [温被] là một ngữ vị từ của tiếng Hán dùng để chỉ việc người con đắp chăn để tạo hơi ấm trước khi cha mẹ đắp. Đây là một cách phụng dưỡng cha mẹ thời xưa của người Trung Hoa, chứ không phải là “ấp cha mẹ cho ấm”, như một vài nguồn và tác giả đã giảng. Lại còn có kiểu giảng rằng ấp lạnh là “mùa đông, nằm ấp trước cho chăn chiếu ấm”. Chiếu là vật đan bằng tre, cói... để nằm lên thì ấp thế nào được?
Vậy hình thức gốc là quạt nồng đắp lạnh, rồi dần dần thành ngữ này mới bị từ nguyên dân gian biến thành quạt nồng ấp lạnh để được sử dụng cho đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.