Quang Thảo - Khóc với người lớn, cười cùng trẻ con

11/05/2014 03:00 GMT+7

4 năm nay, diễn viên Quang Thảo bật sáng trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) với hàng loạt vai nặng ký. Nhưng ít ai biết gần 10 năm trước, Quang Thảo đã bắt tay viết kịch bản cho thiếu nhi, và đến bây giờ đã có 10 kịch bản tưng bừng tại Sân khấu IDECAF. Một vở mới của anh cũng vừa lên sàn tập để ra mắt vào dịp hè này.

4 năm nay, diễn viên Quang Thảo bật sáng trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) với hàng loạt vai nặng ký. Nhưng ít ai biết gần 10 năm trước, Quang Thảo đã bắt tay viết kịch bản cho thiếu nhi, và đến bây giờ đã có 10 kịch bản tưng bừng tại Sân khấu IDECAF. Một vở mới của anh cũng vừa lên sàn tập để ra mắt vào dịp hè này.

Quang Thảo - Khóc với người lớn, cười cùng trẻ con
Quang Thảo và Hồng Ánh trong vở Chuyện bây giờ mới kể - Ảnh: H.T.T

Không ai nghĩ rằng Quang Thảo sẽ trở thành diễn viên hoặc làm nghề cầm bút. Bản thân anh cũng không tưởng tượng được. Tốt nghiệp lớp 12, Quang Thảo đi học trung cấp nghề, ngành họa viên vẽ bản thiết kế cho kiến trúc sư. Làm một thời gian, thấy không ổn, chuyển sang học nhiếp ảnh, mở tiệm chụp hình, lỗ vốn. Xoay qua chụp hình cho các tờ báo, sống bằng nhuận ảnh. Nhờ vậy mà quen biết Thành Lộc, Hồng Ánh, Đình Toàn, Lê Khánh… Mọi người rủ rê Quang Thảo đi đóng phim, đóng kịch. Làm thử, thấy vui, thế là theo luôn. Và khi về với Hoàng Thái Thanh thì Quang Thảo được Thành Hội - Ái Như chăm chút tay nghề giao cho những vai “nặng” dần lên. Ấn tượng về một cậu Út Hơn khờ khờ trong Tục lụy bị người ta đổ tội oan nhưng lại trở thành người chở che cho cô gái nhỏ với một tình yêu chân thành. Hoặc vai cán bộ Trần Thuyên biến chất, phụ tình, ham mê danh vọng trong Chuyện bây giờ mới kể. Đặc biệt, vở Hãy khóc đi em, Quang Thảo thay cho cái bóng của Thành Lộc vai người chồng giả dối, khoác áo đạo đức. Quang Thảo hóa thân vào những bi kịch, vở nào cũng làm khán giả khóc vì cái vẻ khờ khạo hoặc gian trá của anh.

Nhưng cái thuở ban đầu bước chân vô đóng phim, vai nhỏ xíu, Quang Thảo đã gặp đạo diễn Kim Loan và chị đặt hàng anh viết kịch bản phim cổ tích. Vậy là ra đời Phạm Công Cúc Hoa, Sự tích cây vú sữa, Cây tre trăm đốt… Phim vừa quay xong thì đúng lúc Đình Toàn tốt nghiệp khoa đạo diễn, thấy Quang Thảo viết vở Tôi thích làm quan diễn rất vui tại IDECAF bèn đặt hàng anh viết Chuyện thần tiên xứ Phù Tang cho mình dựng. Thế là từ đó hàng loạt vở Ngày xửa ngày xưa ra đời, nào Con gái nàng tiên cá, Tề Thiên đại chiến Hồng Hài Nhi, Tề Thiên đại náo thiên cung, Chúa tể muôn loài, Ali và thần băng giá, Hoàng tử gấu và hạt đậu thần... Mới nhất là vở Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ đang trên sàn tập để tháng 6 ra mắt cho trẻ em đón hè. 

 

Tôi thích cả viết và diễn. Viết là tôi sống được với nhiều nhân vật, nhiều cảm xúc. Còn diễn thì chỉ sống với một nhân vật thôi, nhưng lại được thể hiện ra trên sân khấu. Nhưng tôi ý thức rằng viết khó hơn, vì nếu kịch bản không hay thì diễn viên không phấn khởi

Anh có khả năng viết kịch bản cho người lớn nhưng sao anh lại rẽ sang viết cho thiếu nhi một cách say mê như thế?

Thực ra viết cho người lớn khó hơn vì thường bị xét nét đúng sai, hợp lý, chuẩn xác. Còn viết cho các em thì mình tha hồ tưởng tượng, bay bổng. Chỉ cần đặt ra chủ đề là năm nay mình muốn giáo dục các em chuyện gì, rồi từ đó phăng thành kịch bản. Ví dụ năm nay tôi muốn đề cập vấn đề nguồn cội, nhắn rằng gia đình cha mẹ ông bà rất quan trọng, để lớn lên các em có một ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Nội dung là vậy, sau đó sẽ là những chi tiết vui nhộn vây quanh, có khi phép thuật, hài hước, tha hồ hư cấu.

Hình như kịch bản của anh thấy câu chuyện nước ngoài nhiều hơn câu chuyện của Việt Nam? Anh có hay tham khảo cổ tích Việt Nam không?

Tôi tham khảo cổ tích trong và ngoài nước hết. Nhưng nói thật, truyện Việt Nam khó làm hơn, vì sợ bị “dập” nếu mình hư cấu và tưởng tượng quá nhiều. Làm truyện nước ngoài cho khỏe. Nhưng cũng có những kịch bản tôi viết không dựa theo truyện nào hết. Chẳng hạn năm ngoái tôi viết Hoàng tử gấu và hạt đậu thần nhắc các em tình huynh đệ, là do cô bé hàng xóm của tôi qua chơi, than thở là ba mẹ thương em trai của mình hơn, tôi mới nói “Thôi chú sẽ nuôi em, con đem em cho chú đi!”. Cô bé xách đồ của em qua nhà tôi, nhưng chợt lắc đầu: “Con không cho em đâu”. Tôi viết trong kịch bản y như vậy, nàng công chúa ghét em vì ba mẹ cưng em, nhưng khi em bị hóa thành gấu thì công chúa đau khổ suốt 10 năm và xả thân cứu em. Tôi cho bối cảnh là cổ tích ở một nước nào đó không cần chính xác, miễn đẹp đẽ, vui nhộn, ý nghĩa là được.

Anh thích diễn hay viết hơn? Diễn thì mau nổi tiếng, chứ viết thì thầm lặng sau cánh gà.

Tôi thích cả hai. Viết là tôi sống được với nhiều nhân vật, nhiều cảm xúc. Còn diễn thì chỉ sống với một nhân vật thôi, nhưng lại được thể hiện ra trên sân khấu. Nhưng tôi ý thức rằng viết khó hơn, vì nếu kịch bản không hay thì diễn viên không phấn khởi. Tôi có làm diễn viên nên tôi mới hiểu, kịch bản không hay thì mình chỉ làm vì bổn phận, vì kế hoạch của đơn vị, nhưng nếu kịch bản hay thì mình sẽ có lửa nghề. Vì vậy, ngòi bút của mình phải cố gắng giữ lửa cho diễn viên. Và đừng có nghĩ tới “động cơ” nổi tiếng. Cứ viết hoặc diễn hết lòng, thì tự nhiên người ta biết đến.

Ngoài kịch bản sân khấu, hình như anh còn ấp ủ dự án gì nữa cho thiếu nhi?

Thật sự tôi đang ấp ủ viết truyện, vì thấy thị trường đang thiếu sách văn học cho thiếu nhi. Tôi định viết lại những kịch bản của tôi thành truyện dài nhiều tập. Các em sẽ có một cảm thụ khác với khi xem kịch. Và tôi mong sách sẽ được ra mắt tại các trường học, trong đó có phần tặng sách cho học sinh giỏi. Nói thật ngày xưa tôi học giỏi văn nên tôi mong các em cũng được đầu tư về văn hóa đọc, và tôi sẽ là người cầm bút làm cho các em nở nụ cười hạnh phúc.

 Hoàng Kim

>> Quang Thảo cám ơn con nít hàng xóm
>> “Tay ngang” Quang Thảo
>> Quang Thảo không cố thoát khỏi cái bóng Thành Lộc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.