Quá ít phim - kịch cho thiếu nhi

Dù có nhiều chương trình game show dành cho thiếu nhi trên đài truyền hình, nhưng đa số khán giả, đặc biệt là khán giả nhí vẫn phàn nàn còn quá ít vở kịch, phim dành cho trẻ con vào dịp hè.

Chỉ xem phim thiếu nhi ngoại
Chị Ngọc Trang (ở Q.6, TP.HCM) nhận định: “Có thể nhận thấy những năm gần đây rất khan hiếm phim Việt dành cho thiếu nhi, cả phim hoạt hình lẫn phim truyện. Các em nhỏ có nhu cầu đến rạp xem phim vào dịp hè là rất lớn, nhưng chỉ có thể chọn xem phim hoạt hình nước ngoài”.
Hè này đạo diễn làm phim chiếu rạp cho thiếu nhi chỉ có mỗi Lê Bảo Trung với bộ phim Anh em siêu quậy. Phim ra rạp từ ngày 31.5, nội dung là câu chuyện về hai anh em Ku Tin và Ku Ton không muốn cha mẹ san sẻ tình thương cho bé khác. Trước đó anh đã làm các phim thiếu nhi Bảo mẫu siêu quậy (2015) và Bảo mẫu siêu quậy 2 (2016). Nhìn vào thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tác phẩm điện ảnh dành cho cả người lớn và thiếu nhi, từng trở thành “hiện tượng” với doanh thu 78 tỉ đồng, có thể thấy rằng phim dành cho thiếu nhi vẫn có thể đạt doanh thu cao. Một khán giả nhận xét: “Cái lợi ai cũng nhìn thấy là phim dành cho thiếu nhi nhưng lượng khán giả luôn gấp đôi, gấp ba bởi mỗi lần xem, các em luôn có cha, mẹ hay người lớn đi kèm”.
Tuy nhiên nhiều nhà làm phim cho rằng làm phim thiếu nhi khó. Họ chưa mạnh dạn đầu tư cho phim thiếu nhi bởi nhiều nguyên nhân: thiếu kịch bản, thiếu cả diễn viên, lợi nhuận thấp, nếu không nói là dễ lỗ! Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Các đạo diễn ngại đề tài phim thiếu nhi do việc quay rất khó khi diễn viên là trẻ con, kịch bản lại ít, nên phim thiếu nhi Việt “mất hút” là chuyện dễ hiểu”.
Chia sẻ với Thanh Niên về việc làm phim cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, đạo diễn Đức Florian Gaag cho biết: “Tại Đức các bộ phim dành cho đối tượng khán giả nhí này hầu hết đều được chính phủ hay các tổ chức nghệ thuật hỗ trợ kinh phí. Nếu không có các nguồn hỗ trợ này, các nhà làm phim sẽ rất khó khăn và khó có thể thực hiện được bộ phim”. Cách đây 2 năm, nhà nước đặt hàng Trung tâm sản xuất phim dân tộc, miền núi và biển đảo sản xuất bộ phim Siêu quậy lên chùa (đạo diễn Trần Trung Dũng). Đây là bộ phim thiếu nhi hiếm hoi chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội). Nhưng với việc nhà nước không rót vốn, mà dành cho xã hội hóa, tư nhân thì phim thiếu nhi Việt sẽ còn vắng bóng hơn nữa.
Sân khấu kịch tp.hcm quá ít vở mới
Tại TP.HCM, hè năm nay chỉ có một vở kịch mới dành cho thiếu nhi là Ngày xửa ngày xưa 30 - Hoàng tử công chúa và 9 vị thần... bị bắt (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh) của Sân khấu kịch IDECAF, diễn từ 20.5 - 25.6 tại Nhà hát Bến Thành. Vở kịch có sự tham gia diễn xuất của các tên tuổi gạo cội được thiếu nhi nhiều thế hệ mến mộ, say mê: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Bạch Long, NSƯT Mỹ Duyên, Đức Thịnh, Đình Toàn, Lê Khánh...
Diễn viên Ku Tin và Duy Anh trong phim Anh em siêu quậy
Bên cạnh đó, Sân khấu Trịnh Kim Chi làm mới vở Lọ Lem truyền kỳ, với phiên bản dành cho thiếu nhi, ra mắt từ 1.6. “Làm kịch cho thiếu nhi phải đầu tư rất nhiều, nhất là phục trang và đạo cụ, mà lâu nay ai “dấn thân” cũng biết chắc là rất khó thu hồi vốn”, Trịnh Kim Chi cho biết. Còn theo nghệ sĩ Ái Như, bà bầu Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, TP.HCM (từng có những vở cho thiếu nhi: Lọ Lem và hoàng tử, Ngàn lẻ hai đêm...): “Dù muốn làm nhiều vở cho thiếu nhi, nhưng kết quả đã được biết trước là khả năng lỗ rất cao, nên chúng tôi buộc phải tỉnh táo”. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho rằng: “Với kịch dành cho thiếu nhi, việc xem hay không còn phụ thuộc vào quyết định của phụ huynh nữa”.
Vì thế, khi thương hiệu chưa được “bảo chứng” như Ngày xửa ngày xưa, với hơn 17 năm và 30 chương trình, và nhất là khi không có lực lượng diễn viên kỳ cựu, lại được các bạn nhỏ yêu thích như đội ngũ diễn viên của IDECAF, thì rất khó có sân khấu nào dám mạnh dạn đầu tư loại hình này. Thực tế, kịch thiếu nhi tại TP.HCM không chỉ thiếu vở hay mà còn thiếu đề tài. Đến mùa hè một số ít đoàn kịch làm mới vở cũ, hoặc cách tân các câu chuyện cổ tích. Còn những đề tài thời sự gần gũi, sát đời sống của trẻ em hiện đại lại rất thiếu. Anh Khánh Nhân (ở Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng: “Xem kịch cũng là một cách giáo dục trẻ hữu hiệu thông qua những câu chuyện nhẹ nhàng về sự nhân ái, lòng dũng cảm, sự trung thực, tình yêu thương... Tiếc rằng kịch cho các bé còn quá ít”.
Trong dịp hè, Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) ra mắt 4 chương trình mới: kịch thiếu nhi kinh điển Con chim xanh của tác giả Maurice Maeterlinck, kịch thần thoại Mảnh lego màu đỏ, chương trình ca nhạc tạp kỹ Cuộc phiêu lưu của gà trống choai, Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến. Ông Trương Nhuận, Giám đốc nhà hát, cho biết hằng năm nhà nước đặt hàng nhà hát dàn dựng chương trình dành cho thiếu nhi, năm nay là chương trình Cuộc phiêu lưu của gà trống choai. Còn lại, 3 chương trình khác của nhà hát được dàn dựng từ nhiều nguồn kinh phí: xã hội hóa, hợp tác với nước ngoài, sử dụng nguồn thu từ chính các đoàn trong nhà hát... Có chương trình được hỗ trợ đầu ra từ các tập đoàn, công ty.
Tuy nhiên, năm nay sân khấu miền Bắc lại thiếu vắng các chương trình do các cá nhân, đơn vị tư nhân thực hiện. Thám hiểm Vương quốc Xì Trum là chương trình hiếm hoi dành cho thiếu nhi do đơn vị tư nhân thực hiện. Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, đại diện đơn vị tổ chức, chia sẻ: “Chương trình bán 120.000 đồng/vé, trong khi tiền thuê rạp chia ra đã là 100.000 đồng. Chúng tôi chỉ mong hòa vốn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.