Phong vị miền Tây: Đội quả đi ăn giỗ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
28/06/2021 06:10 GMT+7

Sài Gòn là nơi dân tứ xứ về lập nghiệp, trong đó có không ít người miền Tây Nam bộ. Trong nỗi khắc khoải nhớ quê, ắt hẳn là nhớ cả những cảnh vật, món ăn, phong tục, tập quán... có thể gọi chung là phong vị miền Tây.

Nhắc đến phong vị miền Tây cũng là để cho người hoài nhớ ôn lại chuyện xưa, và người chưa biết, chưa quen có dịp tìm hiểu, nâng niu những giá trị văn hóa của một vùng đất.
Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20, lúc văn hóa truyền thống miền Tây vẫn còn rất mạnh mẽ, đậm nét, dù thể chế mới vừa thay đổi sau 1975. Vì vậy, dẫu trong thời bao cấp nhưng những nét cơ bản của phong vị miền Tây vẫn còn giữ nguyên.
Tôi nhớ từ những năm 8, 9 tuổi đã theo chân bà ngoại đi ăn đám giỗ, và đó là điều thích thú nhất của bọn con nít chúng tôi. Lâu lâu được ăn mâm cao cỗ đầy, và ăn với cả một gia tộc rất đông vui, bảo sao không thích. Bà ngoại dẫn tôi ra chợ, trên đầu tôi đội một cái mâm mà người miền Tây gọi là “cái quả”. Nhà nào cũng sắm một hoặc hai cái quả để dành đựng phẩm vật đi đám giỗ. Đó là cái hộp tròn khoảng 40 cm đường kính, chiều sâu khoảng 15 cm, làm bằng thiếc khá dày, bên trong sáng trưng màu kim loại, bên ngoài thường sơn màu đỏ có điểm hình những bông hoa nho nhỏ xinh xinh màu vàng, xanh. Một cái nắp đậy phía trên như cái vung cao lên nhìn rất trang trọng, cũng sơn đỏ, điểm hoa, và nhờ vung cao mà lòng quả có thể chứa nhiều món ăn, có khi là bánh, có khi là trái cây, hoặc xôi, hoặc con gà luộc. Người ta đến dự đám giỗ, trân trọng đưa cái quả cho chủ nhà, thấy rõ nét lịch sự, trang nhã, dù ở một vùng quê nghèo xa tít tắp. So với bây giờ, người đi đám giỗ cứ mua bánh trái bỏ vô bọc ni lông xách tới, thật tình không thể đẹp bằng ngày xưa. Dĩ nhiên cuộc sống thay đổi, tiện lợi hơn, nhưng so với ngày xưa thì kém đẹp hẳn đi.
Ngoại dẫn tôi ra chợ, đi thẳng tới chỗ chị bán bánh ngồi trong nhà lồng. Chị bán những loại bánh chuyên dùng để đi đám giỗ, như bánh bông lan, bánh thuẫn, bánh bò, bánh da lợn… Bánh bông lan đổ thành những ổ tròn to đường kính khoảng 20 - 25 cm, hoặc đổ thành ổ nhỏ bằng cái chén ăn cơm, trên mỗi cái bánh đều có bắt bông đường tạo hình bông hoa xanh, đỏ, tím, vàng. Đặc biệt nhất là màu hường, thường thấy nhiều nhất. Cái màu hường mà bây giờ chúng ta thấy nó “sến sến” nhưng hồi ấy là màu “hot” của làng quê Nam bộ. Và hồi ấy cũng chưa có kỹ thuật bắt bông kem như bây giờ, chỉ là bắt bông đường: nấu và khuấy đường cát với màu thực phẩm, rồi bỏ vô bọc ni lông nặn ra hình bông hoa rất hay. Má và ngoại tôi khi rảnh cũng trổ tài làm được, chị em tôi vây quanh reo lên sung sướng. Nhưng thường thì đi đám giỗ lúc bận bịu, ngoại ra chợ mua bánh cho lẹ.
Ngoại chọn 5 cái bánh bông lan chén, chọn thêm 5 cái bánh thuẫn nữa, thế là đầy mâm, đậy vừa khít khao cái nắp. Có khi ngoại mua thêm ổ bánh da lợn hoặc ổ bánh bò, xách trên tay, bánh cũng tròn to, đường kính 20 - 25 cm, là quy cách phổ biến thời đó. Bánh thuẫn là thứ bánh tương tự bông lan, nhưng bột nở đặc hơn, bung lên phía trên thành 4 cánh như 4 cánh hoa trắng muốt, nhìn rất sang trọng. Tuy nhiên, ăn bánh thuẫn phải ăn từ tốn, chầm chậm thưởng thức từng hạt mịn tan trong miệng, nếu không mắc nghẹn như chơi. Giờ hầu như bánh thuẫn đã “tuyệt chủng”, không thấy bán nữa.
Phong vị miền Tây: Đội quả đi ăn giỗ1

Bánh thuẫn miền Tây

ẢNH: T.L

Tôi đội cái quả trên đầu, nhẹ tênh, vì bánh đâu có nặng. Trên đường tới nhà người bà con cúng giỗ, tôi thấy nhiều người lớn bưng quả trên tay, và trẻ em thì đội quả trên đầu y như tôi, trông rất hay. Chủ nhà nhận mấy chục cái quả từ khách, xếp cả dãy trên bộ ngựa gõ (bộ ván gỗ), xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng thật đẹp. Sau khi cúng kiếng, ăn uống xong, chủ nhà sẽ xếp vào quả một ít thức ăn biếu lại cho khách, bởi vậy mới có từ “lại quả”. Thường là bánh ít, bánh tét, bánh bông lan, bánh bò, thịt gà, thịt vịt gì đó… tùy theo mâm cỗ người ta cúng. Người đi đám giỗ về tới nhà là con cháu reo mừng mở quả ra, vui thích với những món quà nhận được. Tôi chỉ ngạc nhiên ở chỗ, làm sao chủ nhà nhớ nổi cái quả nào là của người khách nào, rồi xếp quà cho phù hợp. Thế mới hay.
Tôi còn nhớ có những người xách con gà, con vịt nuôi trong nhà đem tới cúng giỗ luôn. Hoặc những người đàn ông thì mua chai rượu đế đến chung vui. Nhậu cũng là “đặc sản” miền Tây, giỗ quảy cưới hỏi gì cũng nhậu nhiều lắm, mà đô rượu khá cao chứ không “nhạt” như bia bây giờ. May mắn ở chỗ ngày xưa rượu nấu nguyên chất, không pha thuốc hóa học, nên nhậu say thì ngủ một giấc, dậy khỏe re.
Nói thêm về cái quả, nó còn có mặt trong các đám cưới nữa. Đàng trai sẽ đặt lễ vật vào quả, đậy nắp lại, phủ thêm cái khăn đỏ có viền tua rua chung quanh, và các cậu thanh niên phụ trách bưng mâm quả này qua nhà gái. Có thể là hàng trăm năm kể từ ngày đi mở đất, cái quả đã hiện diện ở miền Tây như một dụng cụ sinh hoạt rất trang trọng. Những ngày cúng đình, tôi còn thấy ngoại nấu một nồi xôi rồi cho vào quả đội đi tới đình, đặt lên cúng thần bên cạnh rất nhiều quả của dân trong làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.