Phong vị miền Tây: Cả làng cùng vui cưới

Hoàng Kim
Hoàng Kim
01/07/2021 06:28 GMT+7

Cưới hỏi ở miền Tây còn là dịp để nhiều người rèn luyện kỹ năng sống, để làm quen với nhau, hẹn hò... Một nhà có đám cưới thì cả làng chung sức chung tay, thắt chặt thêm tình nghĩa.

Sau khi đã nhất trí với nhau về ngày cưới và sính lễ, hai họ tiến hành lễ hỏi rất sớm. Lễ hỏi, đàng trai mang qua vài mâm trà rượu, bánh trái và một phần hoặc toàn bộ sính lễ. Người miền Tây không có tục thách cưới như ở miền Bắc, đàng trai muốn trao bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, cơ bản thì sính lễ gồm nữ trang và tiền đồng, cũng phải coi cho được. Tiền đồng là một số tiền mặt gọi là phụ giúp đàng gái tổ chức đám, mà coi như đền ơn cha mẹ đã nuôi dạy cô gái trưởng thành cũng được. Thông thường món tiền này tương đương trên dưới 4 chỉ vàng, còn ai khá nữa thì tăng lên. Nữ trang cũng tùy gia cảnh nhà trai mà trao tặng nhiều hay ít, nhưng tối thiểu cũng phải có cặp nhẫn, đôi bông tai, sợi dây chuyền, chiếc lắc tay nho nhỏ. Nhà giàu thì làm nữ trang nặng hơn, còn nhà nào quá nghèo thì chỉ cần cặp nhẫn và đôi bông tai làm duyên con gái đã đủ rồi. Người miền Tây rất sợ mang tiếng là “ra giá” hoặc “bán con”, nên nói chung xuề xòa. Có lẽ phong tục tốt này bắt nguồn từ thời đi mở hoang vùng đất mới, ai cũng trắng tay nên thật sự thông cảm cho nhau. Trong đám hỏi, đàng gái làm vài mâm tiệc đãi đàng trai, cũng nấu ngon và khéo y như một đám cưới thực thụ.
Lễ cưới thường tổ chức sau lễ hỏi vài tháng. Vui nhất là ngày “nhóm họ”, là hai ngày trước lễ cưới. Cả dòng tộc và hàng xóm cùng đến phụ giúp. Nhóm thanh niên thì đi đốn tàu cau, đủng đỉnh về che rạp cưới. Hồi ấy không có rạp làm sẵn như bây giờ mà phải tự làm rạp bằng cây lá trong vườn. Đủng đỉnh là cây thuộc họ cau, có buồng trái tạo thành những cọng dài, dùng để trang trí cho rạp cưới rất đẹp. Lá cau và lá đủng đỉnh được cắt thành những hình dáng mỹ thuật, kết hợp với thân cây chuối, cây tre cũng cắt ráp điêu luyện, làm thành cổng có cái bảng khắc chữ Tân hôn hoặc Vu quy bằng bông hoa xinh xắn. Có người khéo tay còn kết hình rồng phượng từ chính những nguyên liệu tự nhiên ấy. Thanh niên trong làng rất mê môn thủ công này, từ 15 - 16 tuổi đã theo đàn anh học nghề, sau đó đi làm miễn phí cho các đám cưới.
Còn đám đàn bà con gái thì lo nấu nướng. Heo, bò, gà, vịt được làm tại chỗ chứ không mua ngoài chợ, bởi đãi tới 2 - 3 ngày. Những bà dì, bà thím xúm nhau lại nấu, ướp, con gái trẻ hơn thì ngồi tỉa hoa những củ cà rốt, cải trắng, ớt sừng trâu để điểm lên dĩa thức ăn cho đẹp. Đây cũng là cơ hội cho các cô học nấu nướng sau này về nhà chồng. Ngày “nhóm họ” cũng đã đông mấy chục người phụ việc, cho nên buổi tối phải có nồi cháo khuya cho mọi người dằn bụng. Ăn xong, mọi người gần như thức chơi với nhau cả đêm, nào uống trà rượu, ca hát… Nhiều cô gái, chàng trai có cảm tình với nhau, bắt đầu làm quen, hò hẹn. Đi đám cưới cũng là dịp tìm bạn trăm năm mà không cần ai mối mai, giới thiệu. Trong đám cưới, ai giỏi dở ra sao biết liền, ai xăng xái, đảm đang thì được người khác chú ý. Mấy bà, mấy ông cũng dòm ngó kỹ lắm để chọn dâu, chọn rể luôn cho mình. Có khi một cái đám cưới này sẽ dẫn theo vài cái đám cưới khác.
Và trong đêm “nhóm họ” trước ngày tiễn cô dâu về nhà chồng thì đàng gái còn có lễ lạy xuất giá. Cô dâu mặc áo dài, ông bà cha mẹ chú bác cô dì anh chị cũng mặc áo dài trang trọng, ngồi quanh cái bàn giữa nhà, có đặt một mâm trà rượu. Cô dâu rót rượu kính mời từng vị trưởng bối, còn các vị trưởng bối thì dặn dò cô dâu những điều nhân nghĩa, nết ăn nết ở khi về bên chồng và tặng nữ trang hoặc tiền riêng cho cô dâu. Thường trong đêm lạy xuất giá mọi người khóc rất nhiều, nhất là cha mẹ và cô dâu. Cha mẹ cô dâu khóc khi nghĩ tới cảnh con mình đi xa, thân gái mười hai bến nước trong đục không lường. Cô dâu thì nghĩ cảnh cha mẹ ở nhà không ai phụng dưỡng, như câu ca dao “Chồng gần không lấy, mà lấy chồng xa. Rủi mai cha yếu mẹ già, chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng”, thế là khóc như mưa.
Đến sáng ngày chính lễ, gia đình hai họ đều mời một người đàn ông uy tín trong dòng tộc đứng ra làm trưởng họ, để đại diện ăn nói, trình thưa. Vị này thường là người có đạo đức, ăn nói chững chạc, khôn khéo, đặc biệt phải thuận vợ thuận chồng để lấy vía tốt cho cô dâu chú rể. Đàng trai còn nhờ 6 cậu thanh niên khỏe mạnh bưng 6 mâm quả đi vào cổng rước dâu, coi như sính lễ bên cạnh tiền đồng và nữ trang. Mấy mâm quả này phía trên phủ tấm khăn hồng hoặc đỏ, bên trong đựng trà rượu, trầu cau, trái cây, bánh, xôi... 6 mâm là mức trung bình, nhà nghèo hơn thì 4 mâm, giàu hơn thì 8 - 10 mâm.
Chuyến về, ngoài mấy chiếc ghe của đàng trai thì lại thêm mấy chiếc ghe của đàng gái đi đưa dâu, tạo thành một đoàn rất đẹp. Đàng gái được đàng trai đãi ăn rồi mới về, và tất nhiên không thiếu nước mắt chia ly của gia đình cô dâu. Nhưng niềm vui thì rạng ngời trong mắt mỗi người, vì dựng vợ gả chồng cho con xong là mẹ cha thở phào hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.