Phòng tư vấn số 18: Câu chuyện thứ 11 - Truyện ngắn của Nguyên Hương

Chuông reo lúc chín giờ tối. Tôi đang đứng ở ban công nhìn xuống. Chiều nay hoa viên bên kia đường có văn nghệ khu phố, bóng đèn đường chiếu ngay xuống chỗ dựng sân khấu, cái bục và phông màn đã dọn đi rồi, còn lại những khúc dây kim tuyến và xác bong bóng nhiều màu vương vãi.

Tôi đi vào trong và cầm ống nghe. Có quá nhiều lạo xạo, âm thanh thưa dần rồi lại bật lên: “Hãng hàng không... xin thông báo...”.
- Tôi đang ở sân bay. Bị hoãn chuyến. Không biết làm gì nên chuyện phiếm cho vui.
Có vẻ như người gọi đã đi tới một nơi ít ồn ào hơn nên giọng nói dễ nghe hơn. Nhiều tạp âm nên tôi chưa kịp nhận xét gì, chỉ cảm thấy được cách xưng hô.
- Dạ, chị - Tôi cười và để cho tiếng cười của mình truyền qua đường dây - Chắc chị đã biết gọi tới đây tốn năm ngàn một phút.
Cứ như tôi tin ngay chỉ là chuyện phiếm.
- Không sao. Tôi mà rủ bạn đi uống nước để nghe tôi tâm sự thì còn tốn hơn nhiều, mà đâu dễ có người chịu nghe - Tiếng cười vui vẻ - Câu trước qua câu sau chê mình ngu là cái chắc.
Khẩu khí chừng như là sếp. Có những người thích hạ mình một cách kiêu hãnh.
Tay tôi vẽ bâng quơ một dáng người và lần này tôi vẽ cái áo trước, áo vest cổ chữ B, và cái ghim cài hình lượn sóng trên ve áo. Vệt sóng lượn khiến tôi nảy ý vẽ thêm cái mỏ neo, hơi nghịch so với cổ chữ B nhưng tôi mặc kệ.
- Tôi vừa mới gặp lại người yêu cũ cô à. Mười bốn năm. Đúng mười bốn năm mới gặp lại. Thật tình là có chút bâng khuâng. Không phải tôi xao lòng đâu cô. Nếu có cảm giác nào đó thì tôi hận anh ấy dễ dàng quay lưng với tôi. Mà tôi hết hận ghét yêu thương rồi. Chỉ là khiến tôi nhớ cái thời khờ khạo của chính mình.
- Mối tình đầu - Tôi hỏi mà như nói.
- Mối tình đầu. Yêu nhau suốt bốn năm sinh viên. Người ta nói tình đầu hiếm khi là tình cuối. Nhưng hai đứa tôi chia tay rất vô duyên.
- Chuyến bay của anh ấy có bị hoãn không? - Tôi hỏi.
- Không. Bay rồi.
Vậy là người đàn ông không coi đây là cơ hội với cố nhân. Đã qua. Nhưng người phụ nữ thì xao xuyến. Muôn đời là phụ nữ.
“Anh chị có trò chuyện với nhau không hay chỉ là chị thoáng thấy lướt qua trong đám đông?” - Tôi ngậm câu hỏi lại trong cổ. Một câu hỏi ngu xuẩn.
Tay tôi tô đậm đường viền cổ áo. Vẫn chưa hình dung được khuôn mặt. Người đàn ông vẫn tiếp tục hành trình của mình. Chắc là người phụ nữ này không còn xinh như xưa? Có người tới tuổi trung niên bị xổ ra, mập phì, bất kể mọi bài tập thể dục và mọi lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng. Hay vì phong thái sếp quá mà người ta không thành đạt, không bằng vai phải lứa? Cảm giác tôi nghiêng về lý do này.
Tôi vẽ cái miệng hơi rộng và đôi mắt nhìn thẳng cả quyết.
- Hồi đó hai đứa tôi mới ra trường, long đong xin việc. Bà chị họ làm ở công ty quảng cáo tư vấn là thời buổi này cứ phải sô hết ra, có được tấm chứng chỉ nào cũng kẹp vô, có tí chút khả năng nào cũng cứ ghi bừa vô cho hồ sơ được đẹp để lọt qua vòng gửi xe cái đã. Cứ phải lọt qua vòng gửi xe để được có mặt ở vòng phỏng vấn trực tiếp. Căn cứ theo thứ tự thì phỏng vấn trực tiếp là quan trọng nhất nhưng thật ra khâu này chỉ là hên xui. Đụng sếp thích đặt ra tình huống lắt léo liên quan tới đạo đức kinh doanh kiểu như công ty đang có lô hàng cần gấp mà nhân viên hải quan đòi chung chi, bạn sẽ giải quyết cách nào? Hoặc oái oăm hơn là nếu công ty bên bờ vực phá sản thì bạn sẽ ra đi hay ở lại? Những câu hỏi kiểu đó rõ ràng là hên xui còn gì. Cho nên kinh nghiệm xương máu là đừng có đặt nặng ở vòng phỏng vấn...
Giọng nói to dần và đầy tính thuyết phục như là đang đóng vai bà chị họ. Có vẻ như cuộc gặp đã xới tung tới đáy ký ức và kỷ niệm về bà chị họ khá sâu đậm.
- Cái chính là mục viết luận. Công ty tây có chi nhánh ở ta thì ăn thua là ở bài luận. Dám cá là chủ nhân của bài luận phải viết đi viết lại hàng chục lần tốn bao cú điện thoại hỏi đông hỏi tây phải viết ra làm sao cho đúng, trong khi vấn đề không phải là viết cho đúng ý người khác mà viết sao cho người ta thấy được mình. Chữ “thấy” trong ngoặc kép. Tóm lại là nên chịu khó tốn tí tiền tí thời gian đi học một khóa viết luận. Bà chị họ nói vậy, còn tôi thì nghi ngờ bà chị vừa ký hợp đồng quảng cáo cho lớp học viết luận ở trung tâm nào đó - tiếng cười vang lên - Hồi đó tôi chỉ là tép riu so với bà chị thôi, nhưng mà tôi đã đoán đúng. Lúc nộp tiền khóa luận, cả tôi và Dũng được giảm hai mươi phần trăm học phí. Sau này mới biết hai mươi phần trăm đó là hoa hồng bà chị được nhận trên mỗi đầu học viên.
- Bà chị xử sự vậy là có tình mà - Tôi nói, phụ họa là chính.
- Ừ, ai cũng nghĩ có tình. Tôi cảm ơn bà chị bằng câu nói trịnh trọng “sau này đám cưới tụi em mời chị ngồi bàn hai họ”, ý tôi là sự giúp đỡ của chị không chỉ hai đứa tôi ghi nhận mà cả gia đình hai bên đều biết. Bà chị quạt luôn: “Ngồi bàn hai họ làm chi, dự tiệc búp phê và tiễn cô dâu chú rể ra phi trường bay chuyến trăng mật trời tây thích hơn”. Tôi đã không hiểu đúng ý câu nói đó cũng như không hiểu đúng cái liếc nhìn thách thức về phía Dũng. Tôi cứ tưởng đó là lời chúc hai đứa mau được lương cao đủ đi trăng mật nước ngoài.
Hơi thở mạnh. Bà chị họ biến mất. Tôi hình dung cô gái trẻ đầy háo hức.
- Ngày phỏng vấn, tôi không bị đụng câu hỏi hên xui. Tôi thật tình tưởng mình may mắn và thông minh. Tôi trúng vé làm thư ký cho sếp nhờ bài luận viết lưu loát và sâu sắc. Bà chị nói trong hàng chục hồ sơ đó là bài luận duy nhất lọt vô mắt xanh của sếp. Tôi cảm ơn bà chị không biết để đâu cho hết. Sếp tuyên bố cần một thư ký đúng nghĩa, tôi sẽ thay mặt sếp trả lời thư tín, xếp lịch hẹn làm việc, soạn thảo hợp đồng và đủ thứ dính dáng tới giấy tờ. Thử việc ba tháng, nếu làm tốt được ký hợp đồng dài hạn.
Dũng xui xẻo dính ngay câu hỏi oái oăm “Nếu công ty bên bờ vực phá sản...”. Biết trước câu hỏi này rồi và hai đứa tôi đã cùng soạn câu trả lời cho cả hai phương án “ra đi” và “ở lại” nhưng thật tình là phương án nào cũng mông lung.
Có lẽ nhìn lưng áo Dũng khi đi ra cửa ướt mồ hôi tội nghiệp quá, sếp hỏi thêm một câu: “Hồ sơ cho biết bạn có bốn năm làm trợ lý huấn luyện viên một câu lạc bộ võ thuật, bạn có muốn làm bảo vệ công ty không?”.
Dũng đỏ bừng mặt mũi đi thẳng ra cửa và đi luôn ra khỏi cuộc tình tôi. Cứ như việc làm thư ký sếp là tôi đồng lòng xúc phạm Dũng. Trong khi trước cuộc phỏng vấn chính Dũng nói: “Nếu chỉ được một đứa thì coi như tụi mình thành công năm mươi phần trăm”. Có lẽ khi nói câu đó Dũng nghĩ mình là người chia sẻ tiền lương cho tôi trong cảnh thất nghiệp.
Tôi gọi điện thoại, Dũng không nghe. Tôi nhắn tin điện thoại, Dũng không trả lời. Tôi nhắn tin Facebook, Dũng im lặng. Tôi tới phòng trọ, bà chủ nói Dũng không ở đây nữa. Tôi nghĩ mình đang tìm kiếm một cái bóng.
Mà sếp thì rất thật, gần gũi, ân cần, thông minh, dí dỏm... “Anh vừa đọc Facebook của em, hóa ra cách đây ba năm em là người tổ chức quyên góp những kỷ vật trong sinh viên để bán gây quỹ. Em viết là có những kỷ vật quý giá nhưng đến lúc nào đó nó trở thành vướng víu mà bỏ thì thương, vương thì tội, vứt thì phí, chi bằng hãy để nó trở lại là một món hàng trên kệ. Có đúng là em nghĩ vậy không?”.
Là người xếp lịch làm việc cho sếp nên tôi biết sếp bận kinh khủng, sếp lấy đâu ra thời gian đọc ngược Facebook của tôi từ cách đây ba năm? Mà đọc cả những thứ nhảm nhí của một thời.
Khi người ta thật lòng yêu...
Nhắm mắt đón đợi nụ hôn, thoáng qua đầu tôi ý nghĩ “Có nhanh quá không?”. Chưa hết thời gian thực tập. Tôi lùi lại. Tôi không muốn mình là một cô gái nhẹ dạ.
“Anh đợi giây phút này từ lâu lắm rồi. Anh yêu em từ lần đầu tiên gặp em. Anh vẫn nhớ hôm đó em mặc áo ca rô nhìn rất nghịch, như một cô bé”.
Bình tĩnh lại sau nụ hôn say đắm, tôi nhớ lại khi mình đi phỏng vấn. Tôi nhớ rõ mình rất phân vân, muốn mặc một bộ thật nổi để gây ấn tượng đầu tiên nhưng vì không muốn tôi và Dũng khác nhau quá, cuối cùng thì tôi chọn sơ mi trắng.
Sếp nhớ nhầm cô gái nào rồi. Tôi chỉ thêm một mẩu chuyện trong vô số mẩu về sếp và thư ký thôi. Tôi chảy nước mắt cho sự cả tin của mình.
Sếp cười bí ẩn, tay này lau nước mắt cho tôi tay kia nhấp chuột. Hiện ra tấm hình mừng tân gia bà chị họ, tôi mặc áo ca rô xanh đỏ tay giơ cao ly rượu tham gia màn hò hét trăm phần trăm, Dũng ngồi bên cạnh tôi, miệng cười rất ngoan đúng kiểu lần đầu ra mắt nhà bạn gái...
***
Giọng nói bị chìm trong chùm âm thanh náo động: “Xin mời những người khách cuối cùng của chuyến bay...”.
- Tôi chợt hiểu ra, cô à - Giọng nói cố lấn át sự ồn ào.
Tôi ngừng tay vì không biết nên vẽ mái tóc ra sao. Tém, khỏe khoắn trẻ trung? Hay là hơi dài, hơi quăn, vén cao hai bên vành tai rồi buông thả sau gáy?
Đường dây bỗng im ắng đáng ngạc nhiên. Rồi tôi nhận ra người phụ nữ đã tìm được một nơi yên tĩnh. Có lẽ là phòng vệ sinh. Có tiếng nước xối mạnh rồi yên lặng.
- Hả? Cô đoán được không? - Giọng nói đòi hỏi phải có trả lời.
Nãy giờ người phụ nữ tuôn một mạch và đóng tất cả các vai, không để tôi chen vào dù chỉ một tắc lưỡi tỏ vẻ đồng cảm. Rồi bây giờ thì muốn kéo tôi vào câu chuyện. Có nên chia sẻ bằng cách tham gia không? Hay chỉ lắng nghe thôi? Tôi lưỡng lự tự hỏi. Đã là quá khứ rồi. Ý kiến của tôi không làm đổ vỡ thêm gì cả.
- Bà chị họ sắp xếp để chị và Dũng cùng nộp hồ sơ vào công ty và mục viết luận chỉ là chiêu trò thôi phải không? - Tôi nói khẽ.
- Đúng vậy đó. Tôi ngu quá đi. Hồi đó tôi cứ tưởng mình viết luận hay lắm, tưởng mình thông minh lắm. Bà chị kể sếp bị tiếng sét ngay tiệc tân gia, biết tôi đang học năm cuối mà có người yêu rồi... Còn phân bua là sếp hoàn toàn nghiêm túc muốn tiến tới hôn nhân.
- Chắc là bà chị quen thân với sếp lắm? - Tôi hỏi.
- Sau này tôi biết sếp
giúp bà chị mua được lô đất giá phải chăng, có được căn nhà ngon mặt tiền là nhờ sếp. Khi tôi hiểu ra sự việc và nổi giận, bà chị họ nói là tôi đừng khờ nữa. Tôi bèn khôn ra bằng cách lặng lẽ đợi hết thời gian thử việc, khi sếp cầm bút ký hợp đồng dài hạn và tự tin đã làm chủ linh hồn tôi. Lúc mở túi xách lấy mấy món quà sếp tặng trả lên bàn của sếp, tôi nói thầm trong lòng: “Dũng à, em trả thù cho anh đây”. Mà sao tôi không khóc cô à. Có lẽ tôi phải cảm ơn bà chị và sếp đã luyện cho tôi một bài học khiến tôi bớt ngu và cứng cỏi hơn. Tôi hài lòng thấy sếp đỏ mặt ngạc nhiên hỏi vì sao. Tôi đáp lại bằng câu status mà sếp đã đọc trên Facebook: “Vì những kỷ vật đến lúc trở thành vướng víu...”. A lô, cô còn nghe không?
- Dạ, chị.
- Cô à - Giọng nói thì thầm - Lúc nãy, khi gặp lại, tôi tự hỏi Dũng có biết rõ những gì xảy ra sau khi anh ấy bỏ đi không hay chỉ biết cái đoạn tôi và sếp bồ nhau thôi? Cô nghĩ Dũng biết không? Hay trong lòng anh ấy tôi vẫn chỉ là kẻ phản bội?
Tôi im lặng. Phụ nữ muôn đời bận lòng không đâu. Suốt mười bốn năm người ta không tìm gặp, chỉ là tình cờ đụng nhau ở phòng chờ, và sau đó người ta vẫn bay đúng chuyến.
Mà còn phải hỏi sao?
Tôi chuyển qua đề tài khác:
- Bây giờ chị còn làm thư ký không?
- Bây giờ tôi làm thư ký cho chồng tôi - Giọng nói ngập ngừng một chút rồi cười xòa - Nhớ lần tôi đọc trong sổ tay của chồng thấy có câu được gạch chân “làm sao cho đối thủ tự rút lui”, tôi giật mình tưởng bà chị họ lẻo mép cho chồng tôi biết. Cuộc đời nghĩ cũng luẩn quẩn hả cô?
Tiếng nước róc rách nhẹ. Có lẽ có người đi vào phòng vệ sinh và họ đang rửa tay, rồi âm thanh máy sấy rù rù...
Và sự ồn ào tăng dần, chắc là người phụ nữ đã ra ngoài và đi gần tới phòng chờ.
Bỗng vang tiếng reo: “A, chào người đẹp. Ra đây công tác mà sao không a lô cho em út biết mà đón tiếp”.
- Thôi chào cô - Giọng nói vội vàng - Cảm ơn cô đã lắng nghe.
Vang ba tiếng tút tút tút. Tôi đặt ống nghe xuống và nhìn bức vẽ còn dang dở. Không có tóc, mà lại là áo vest gài ghim hình mỏ neo, nhìn người phụ nữ này như muốn gây gổ.
Chị có tiếc không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.