Phố đi bộ cần sáng tạo để hút khách

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/06/2019 06:03 GMT+7

Sau 1 năm thử nghiệm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) thưa thớt khách, trong khi phố đi bộ hồ Gươm vẫn là điểm đến của nhiều người.

Nơi đông, nơi vắng

Sáng kiến phố đi bộ nghe thì dễ, nhưng nó phải đặt trên nền tảng sáng tạo... Ở hồ Gươm các sự kiện thay đổi liên tục, có không gian quảng trường để có thể tổ chức các hoạt động từ quảng cáo bán hàng đến ngoại giao, văn hóa... Điều này ở phố
Trịnh Công Sơn chưa có
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Việc thiết kế, vận hành ở phố đi bộ thứ hai - phố Trịnh Công Sơn được Hà Nội giao “trọn gói” cho Q.Tây Hồ. Tuy nhiên sau 1 năm chạy thử, kết quả không mấy khả quan. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết: “Thành phố giao hết cho quận. Khu này doanh nghiệp họ không thích đầu tư lắm, toàn nhà dân. Mùa hè có sen thì khách đông hơn mùa đông, khoảng 4.000 - 5.000 khách/tháng, cũng chưa quá ngưỡng đông nhất từ hồi mới mở là 6.000 khách”. Trong khi đó vào những ngày cuối tuần, phố đi bộ đầu tiên hồ Gươm có lượng khách ban ngày trung bình 3.000 - 5.000 người, buổi tối lên đến 1 vạn người. Trong những ngày lễ hội, con số này còn tăng gấp bội.
Ông Khuyến cho biết thêm, quận cũng mới gửi báo cáo cho thành phố để sau đó có quyết định sẽ tiếp tục vận hành phố đi bộ Trịnh Công Sơn như thế nào. Thành phố cũng đã giao Sở VH-TT Hà Nội cho ý kiến thêm về việc này. Về phía quận, ông Khuyến hy vọng nếu sang năm có thể có thêm kinh phí cho lĩnh vực văn hóa - văn nghệ tại đây thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Còn 5 - 7 hộ chưa giải tỏa được thì năm nay sẽ giải tỏa xong để có vỉa hè rộng hơn cho con phố. Trong tuần tới, quận sẽ tích cực khảo sát kỹ để xem đặt phiên chợ cũ ra sao.
Trong khi đó, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho hay hiện Sở chưa chính thức nhận được văn bản từ Q.Tây Hồ. Ông cho rằng để đánh giá và đưa ra quyết định về việc này sẽ cần phải có báo cáo cũng như trực tiếp xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên theo ông Động, để duy trì một phố đi bộ tốt cần có nỗ lực đổi mới liên tục. Vì thế, thành phố cùng Q.Tây Hồ sẽ tiếp tục duy trì phố này nếu có đủ yếu tố đó.

Phố xe đạp, phố sáng tạo?

Kiến trúc sư (KTS) Lê Việt Hà, sáng lập viên mạng lưới quy hoạch đô thị Ashui, cho rằng là phố đi bộ thứ hai của Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn cần chứng minh những ưu thế riêng mà phố đi bộ hồ Gươm không có. Lợi thế rõ nhất theo ông Hà chính là có thể tạo ra không gian đi xe đạp. “Hiện tại khu vực hồ Tây là nơi thu hút người đi xe đạp. Nếu so sánh với hồ Gươm sẽ thấy lợi thế này. Hồ Gươm chủ trương là phố đi bộ hoàn toàn, không có xe đạp. Đoạn phố Trịnh Công Sơn này dài 900 m, không phải quá dài để đi xe đạp. Tuy nhiên, ở đây nếu thông với cả vòng hồ sẽ tạo thành một tuyến đường đi xe đạp đẹp”, ông phân tích. Chính vì thế theo ông Hà, ở đoạn phố này có thể quy hoạch thành nơi tổ chức tập trung các hoạt động liên quan đến xe đạp. “Chẳng hạn, ở đây có những đường đi xe đạp như leo dốc nhẹ. Cũng có thể có quán cà phê xe đạp. Làm sao hễ nghĩ đến xe đạp thì có thể nghĩ ngay đến đoạn phố này. Cuối tuần có thể có những địa điểm cho nhóm đi xe đạp hội tụ ở đây sinh hoạt nhóm. Để thúc đẩy, nên có điểm chia sẻ xe đạp để người chưa có xe đạp có thể mượn để đi. Cũng nên có tuyến giao thông công cộng ở đó để người ta có thể di chuyển đến rồi mượn xe để đạp. Góc hồ này ít ô tô, xe máy nên có thể tạo được không gian xe đạp dễ hơn”, ông Hà gợi ý.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cũng ghi nhận Q.Tây Hồ đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Khó khăn đầu tiên là cự ly quá xa so với trung tâm. “Hồ Gươm đã ở trung tâm, còn là một biểu tượng hàng trăm năm. Phố đi bộ đầu tiên ở hồ Gươm là điểm check-in mà kiểu như chưa đến hồ Gươm thì chưa đến Hà Nội. Khu hồ Tây thiếu hẳn điều đó. Hoặc nếu cũng là một biểu tượng nhưng là đoạn khác, như đoạn đường Thanh Niên chẳng hạn. Hồ Tây cũng có khung cảnh thiên nhiên nhưng lại xa”, ông nói.
Tuy nhiên, điều cốt lõi theo ông Ánh là phố đi bộ Trịnh Công Sơn thiếu đi sự sáng tạo. “Sáng kiến phố đi bộ nghe thì dễ, nhưng nó phải đặt trên nền tảng sáng tạo. Trong công nghiệp giải trí thì sáng tạo là không ngừng nghỉ. Ở hồ Gươm các sự kiện thay đổi liên tục, có không gian quảng trường để có thể tổ chức các hoạt động từ quảng cáo bán hàng đến ngoại giao, văn hóa… Điều này ở phố Trịnh Công Sơn chưa có”, ông Ánh nhận xét.
KTS Trần Huy Ánh cũng gợi ý hướng tương tác với nước tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn để thu hút khách: “Ở hồ Gươm người ta chỉ ngắm hồ chứ không tương tác, các hoạt động đều diễn ra trên phố quanh hồ. Còn ở phố Trịnh Công Sơn, cần nghĩ đến chuyện tương tác với nước. Có thể có những trò chơi nước miễn phí ở đây. Đầm sen, nhạc nước, thác nước...”. Bên cạnh tương tác với nước, ông Ánh cho rằng phố đi bộ Trịnh Công Sơn cần có thêm những sân chơi cho người trẻ, cũng như các trò thách thức như zipline chẳng hạn. Cũng theo ông, phố Trịnh Công Sơn đìu hiu là bài học về việc một phố đi bộ cần phải có được giá trị sáng tạo riêng biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.