Phim Việt lại cầu cứu khán giả!

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
03/12/2019 06:25 GMT+7

Mấy ngày qua, làng phim Việt ồn ào khi bộ phim Ngốc ơi tuổi 17 do hai đạo diễn Chu Thiện (tiền kỳ) - Đinh Tuấn Vũ (hậu kỳ) dàn dựng, bà Dung Bình Dương làm giám đốc sản xuất, chiếu rạp từ ngày 22.11, đã kêu cứu với lý do bị xếp vào khung giờ xấu, ít suất chiếu, có nguy cơ thua lỗ.

Nhà sản xuất Dung Bình Dương viết trên trang Facebook của mình một cách thống thiết: “Tôi thành tâm kêu gọi cộng đồng mạng cứu lấy phim Ngốc ơi tuổi 17. Mỗi người hãy ủng hộ cho Dung Bình Dương xin 1 vé xem phim để cứu lấy tinh thần và sự sống của Dung Bình Dương...”.
Có thể thấy, việc số nhà sản xuất phim Việt lên tiếng kêu cứu thực chất là mong muốn lôi kéo khán giả mua vé xem phim của mình. Diễn viên Hồng Ánh nhận xét: “Thôi cứ xem như là tiền họ bỏ ra làm phim, thấy phim mình sắp chết thì họ phải kêu cứu, đó là tâm lý thông thường”. Song điều đó dần tạo ra hiệu ứng ngược khiến công chúng ngày càng thờ ơ và có cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện cảm về phim Việt.
Trước đó, ê kíp đạo diễn - nhà sản xuất bộ phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (chiếu rạp từ 27.9) cũng kêu gọi “cứu” bộ phim: “Trời ơi phim chưa muốn chết. Chưa bao giờ chúng mình cần những bạn khán giả trẻ như lúc này. Chúng mình cần 150.000 bạn trẻ tiếp sức...”. Đạo diễn Thưa mẹ con đi Trịnh Đình Lê Minh cũng nhờ khán giả mua vé xem phim khi bị xếp chiếu vào khung giờ xấu (2 - 5 suất/ngày, không ở khung “giờ vàng”, rạp ở xa trung tâm). Cùng với anh còn có nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp kêu gọi “giải cứu phim”. Vào tháng 1 năm nay, nhà sản xuất phim Yolo - Bạn chỉ sống một lần cũng nhờ khán giả cứu.
Hiện tại, mỗi năm có khoảng 45 - 50 phim Việt ra rạp. Trong đó chỉ khoảng 7 - 8 phim có doanh thu từ 50 - 100 tỉ đồng, còn lại đa số vắng khán giả, trụ không nổi một tuần tại rạp và lỗ nặng. Lý do thất bại khá nhiều: kịch bản đầu voi đuôi chuột, diễn viên lẫn đạo diễn non nghề, kỹ xảo kém hấp dẫn, công tác quảng bá phim yếu đến mức phim ra rạp không kèn không trống... Quá nhiều phim dở ra rạp đã khiến khán giả e ngại, đến mức có người nói với 75.000 - 100.000 đồng/vé, họ có thể xem phim “bom tấn” ngoại có chất lượng hơn thì tại sao họ phải ủng hộ phim Việt không hay?
Rạp chiếu vận hành theo quy luật thị trường. Khán giả có quyền chọn lựa món giải trí cho mình, chứ không có trách nhiệm “giải cứu” ai cả. Nhà sản xuất Việt phải biết tự cứu mình bằng cách chăm chút hơn cho bộ phim, phải chấp nhận cuộc chơi có thắng - thua, và phải lường trước cả rủi ro. Không nắm được thị hiếu khán giả, không làm ra được phim hay thì việc không có khách hàng và lỗ vốn là chuyện đương nhiên, chứ kêu cứu mãi sao được!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.