Phim truyền hình có còn 'hữu xạ tự nhiên hương'?

Nguyên Vân
Nguyên Vân
31/08/2019 06:10 GMT+7

Ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình giải trí trên màn ảnh nhỏ, để một bộ phim truyền hình phủ sóng đến đông đảo khán giả, cần thỏa mãn nhiều điều kiện.

Để có một bộ phim truyền hình thu hút khán giả, ngoài điều kiện cần: kịch bản hấp dẫn, đạo diễn giỏi nghề, diễn viên nhập vai tốt, không thể không tính đến điều kiện đủ: chiêu thức tiếp cận, quảng bá nhằm kích thích sự tò mò, để mắt của người xem. Thực tế đã cho thấy, sự thành công, lan tỏa mạnh mẽ của các phim truyền hình VN thời gian gần đây như Về nhà đi con, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ... chính là hiệu quả được cộng hưởng từ cả những điều kiện cần và đủ trên.

Nỗ lực tiếp cận và chiều khán giả

Bây giờ không còn chuyện có phim hay rồi cứ lặng lẽ phát, mà phải làm sao cho khán giả biết phim mình hay như thế nào

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Theo ông Ngô Phạm Thế Hiển, đại diện truyền thông DID TV (đơn vị sản xuất Gạo nếp gạo tẻ): “Dù yếu tố quyết định then chốt vẫn nằm ở sự ổn định về chất lượng nội dung của phim, song quảng bá là khâu quan trọng với phim truyền hình thời điểm này. Quảng bá tốt sẽ giúp tăng nhận biết khán giả, tăng lượng người xem phim trên nhiều nền tảng. Thông thường, quảng bá tốt góp 20 - 30% cho sự thành công của phim”.
Quả thực, Hành trình Gạo nếp gạo tẻ đến mọi nhà mà đơn vị sản xuất thực hiện để góp phần tiếp thị phim đến bà con tiểu thương mọi miền đã chứng minh điều đó. Lúc bấy giờ, bên cạnh việc phát sóng, đoàn phim được tổ chức giao lưu từ các chợ tại TP.HCM đến gần 30 chợ ở các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ, miền Trung - Tây nguyên và các tỉnh thành khu vực phía bắc. Phía sản xuất cũng cho biết việc giao lưu với khán giả suốt hành trình này còn giúp họ ghi nhận những ý kiến phản hồi và hiểu thêm tâm lý của người xem để tiếp tục xây dựng tốt hơn cho những phim sau. Cũng ngay sau đó đoàn phim đã quay lại phần kết phim này với mong muốn khán giả hài lòng hơn so với cái kết đã quay trước đó (dù việc quay lại - quay thêm này cũng gây phản ứng trái chiều).
Cũng là cách làm tăng sự lan tỏa của phim, chiều lòng khán giả, đơn vị sản xuất Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử đã thực hiện những sản phẩm thú vị như clip ngắn cross-over giữa 2 phim này, hay video parody (hình thức “nhái” nhằm mục đích vui là chính) ca khúc Happy New Year do dàn diễn viên của cả 2 phim trình bày vào dịp năm mới. Hoặc đáp lại nhu cầu được gặp gỡ, trò chuyện với diễn viên Về nhà đi con, đoàn phim đã tổ chức giao lưu với với khán giả ngay khi phim đang phát sóng. Theo NSƯT - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC - đơn vị sản xuất phim này: “Đó cũng là cách nhằm tăng tính tương tác của phim với công chúng”. Nói như không ít khán giả trên diễn đàn phim Việt: đã đến lúc khán giả được tôn trọng và chiều chuộng hơn, chứ không phải nhà sản xuất/nhà đài phát gì xem nấy.
Đáng nói, cùng với việc phát trên màn ảnh nhỏ, các nhà sản xuất đều chú trọng mở rộng nền tảng khác cho phim, như phát song song trên nền tảng số để khán giả dễ dàng tiếp cận hơn, không lệ thuộc khung giờ truyền hình.
Phim truyền hình có còn “hữu xạ tự nhiên hương” ?

Đoàn phim Về nhà đi con trong buổi giao lưu với khán giả

Không còn chuyện phim hay thì cứ lặng lẽ phát

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định: “Dù không phải hoàn toàn nhờ những cách thức quảng bá mà mọi người xem nhiều hơn, vì nội dung vẫn là yếu tố quyết định thành bại của phim; nhưng quảng bá là khâu mà nhà sản xuất nào cũng chú trọng. Vì bây giờ không còn chuyện có phim hay rồi cứ lặng lẽ phát, mà phải làm sao cho khán giả biết phim mình hay như thế nào”.
Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông giải trí Mega GS (đơn vị sản xuất các phim phát khung giờ Rubic 8 của VTV: Đánh cắp giấc mơ, Tiếng sét trong mưa...) chia sẻ thêm: “Rõ ràng những phim hay sẵn, nếu được quảng bá tốt thì mức độ lan tỏa, phủ sóng cũng sâu rộng, dễ tạo cơn sốt hơn. Dù nhà sản xuất nào cũng biết thế, nhưng không phải ai cũng biết cách hoặc có khả năng, điều kiện làm tốt. Mà ngay cả khi biết cách tiếp cận nhu cầu khán giả - làm cuốn chiếu cập nhật và đo lường phản ứng của người xem - thì điều kiện làm phim của VN cũng rất khó để thực hiện (phim trường, năng lực của diễn viên…)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.