Phim 'quốc doanh' xài tiền thế nào?

21/09/2014 09:00 GMT+7

Việc 3 bộ phim do nhà nước tài trợ ra rạp vào dịp đầu tháng 9 vừa qua: Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê chỉ bán được vài vé không khiến người ta ngạc nhiên nữa, mà chỉ thấy ngán ngẩm, bởi đây là thực trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” suốt mười mấy năm nay.

Việc 3 bộ phim do nhà nước tài trợ ra rạp vào dịp đầu tháng 9 vừa qua: Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê chỉ bán được vài vé không khiến người ta ngạc nhiên nữa, mà chỉ thấy ngán ngẩm, bởi đây là thực trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” suốt mười mấy năm nay.

Và anh sẽ trở lại
Và anh sẽ trở lại, một phim nhà nước hỗ trợ kinh phí, cũng đã phải sớm rời rạp chiếu - Ảnh: Tư liệu

Hằng năm nhà nước dành một nguồn ngân sách không nhỏ cho điện ảnh, trong đó phần lớn cho việc làm phim. Hiển nhiên “bầu sữa” này chủ yếu được rót cho các hãng phim nhà nước.

 

Chưa biết làm thế nào để chiếu rạp hiệu quả

“Thực sự nếu bây giờ hỏi giải pháp đưa phim được nhà nước đặt sản xuất ra rạp chiếu một cách hiệu quả, chúng tôi cũng không biết làm thế nào nữa. Thật sự là quá khó. Vấn đề quảng bá cũng đã được nói đến từ lâu, nhưng còn có thể có nhiều lý do khác nữa. Phim nước ngoài tràn ngập rạp chiếu. Bên cạnh đó cũng có thể là do “gu” của khán giả” - đại diện Cục Điện ảnh.

Ngọc An (ghi)

Sau khi xảy ra vụ việc thất thoát 42 tỉ đồng tại Cục Điện ảnh vào năm 2012, nguồn ngân sách bị ngưng trệ, các hãng phim nhà nước gần như không được cấp kinh phí để làm phim. Năm ngoái thông tư liên bộ hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ Tài chính được ban hành, và từ đây, nguồn tiền làm phim tạm được khơi dòng trở lại. Theo báo cáo, dự toán ngân sách dành cho ngành điện ảnh năm 2012 là 48 tỉ đồng, năm 2013 là 45 tỉ đồng, đến năm 2014, tiền được cấp theo dự án phim được Bộ VH-TT-DL thông qua.

Ai cũng có phần

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết hầu hết các bộ phim hiện nay được đặt hàng theo Đề án 844 (đề án khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975). Hiểu theo cách khác, hiện tại nhà nước mới đặt hàng hầu hết các phim có nội dung tuyên truyền. Khi “bầu sữa” tiếp tục được rót, tất nhiên sẽ chia đều cho các “đứa con” là các hãng phim nhà nước, trong đó ba “đứa con” lớn nhất là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN, Công ty cổ phần Hãng phim truyện 1, Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải Phóng. Trung bình hằng năm, mỗi hãng được đặt hàng từ 1 đến 2 phim.

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN, có hai phương thức đấu thầu phim, một là hãng có sẵn kịch bản gửi lên để Cục Điện ảnh xét duyệt, khi kịch bản được duyệt hẳn nhiên hãng sẽ là đơn vị sản xuất; hai là Cục Điện ảnh đặt hàng đưa kịch bản cho hãng phim đã “chọn mặt gửi vàng”. Khi dự án phim được Hội đồng duyệt phim thông qua, Cục Điện ảnh sẽ trình lên Bộ VH-TT-DL, sau đó mới đề xuất lên Bộ Tài chính để rót tiền, tiền làm phim do các đơn vị liên quan định giá, có khi vài tỉ, có khi hàng chục tỉ.

“Thông thường phim chiến tranh sẽ được cấp kinh phí nhiều hơn so với các thể loại khác”, một nhà làm phim cho hay. Tiền được rót xuống, từ đây các hãng phim sẽ giữ một phần, phần còn lại để sản xuất trực tiếp. “Bộ phim Sống cùng lịch sử được cấp kinh phí 21 tỉ, nhưng số tiền sản xuất thực là khoảng 13 - 14 tỉ. Số tiền còn lại là để chi trả cho nhiều hạng mục khác như thiết bị, hòa âm, ánh sáng, dựng phim... nằm trong chi phí sản xuất phim do hãng quản lý và điều hành”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lý giải. Dù vậy, người ta có thể ngầm hiểu, số tiền này dùng để “nuôi” bộ máy vận hành của các hãng phim. Đây là chuyện tồn tại lâu nay. Không riêng gì Sống cùng lịch sử, bộ phim Những người viết huyền thoại cũng được phân chia như vậy, tiền đầu tư là 11 tỉ, nhưng số tiền sản xuất thực chỉ 8,6 tỉ đồng.

Số lượng người xem - điều bí mật

Sau hai năm chờ đợi, các hãng phim nhà nước như cá gặp nước. Hàng loạt kịch bản bị ứ lại đã được đưa vào sản xuất. Những bộ phim đã hoàn thành và ra mắt: Những người viết huyền thoại (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN), Sống cùng lịch sử (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN)... Các bộ phim đã được sản xuất như Thầu Chín ở Xiêm (Hãng phim Hội Điện ảnh VN) vừa được bấm máy vào tháng 8, Nhà tiên tri (Công ty THHH MTV Hãng phim truyện VN) - bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đang hoàn thành phần hậu kỳ, dự kiến ra mắt vào đầu năm sau, ngoài ra còn có các bộ phim Những đứa con của làng (Công ty TNHH MTV Nam Phương) xoay quanh bức thông điệp hóa giải hận thù giữa những con người ở hai chiến tuyến, Mỹ nhân (Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải Phóng) - bộ phim lịch sử về bi kịch cung đình triều Nguyễn...

Sống cùng lịch sử
Sống cùng lịch sử, bộ phim được cấp kinh phí 21 tỉ đồng nhưng không bán được một vé nào - Ảnh: Tư liệu

Số tiền nhà nước đặt hàng làm phim từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng cho mỗi phim, ví dụ như Sống cùng lịch sử là 21 tỉ đồng, Nhà tiên tri 16 tỉ đồng, Mỹ nhân khoảng 16,6 tỉ đồng, Những đứa con của làng khoảng 6,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền dành cho quảng bá chỉ vài chục triệu, chẳng hạn Những người viết huyền thoại là 10 triệu đồng trong khi Sống cùng lịch sử khá hơn cũng chỉ 50 triệu đồng. Đây được coi là việc bất thường. “Thông thường trên thế giới, nếu người ta bỏ ra 10 phần kinh phí để sản xuất phim thì trong đó trích ra 3 phần cho việc quảng bá rồi”, đạo diễn Nguyễn Minh Trí nói.

Mặt khác, trong các báo cáo tổng kết của ngành điện ảnh, con số tuyệt đối về lượng người xem, doanh thu của các bộ phim nhà nước hoàn toàn là điều bí mật. Người ta chỉ có thể phỏng đoán về lượng người xem qua số ngày trụ rạp, hoặc của chính buổi công chiếu vắng tanh mà họ đã đến, đã mua vé xem. Con số bí mật này càng khiến người ta băn khoăn khi lượng người xem chính là một trong những mục tiêu ngành này đặt ra. Theo Chiến lược điện ảnh đã được phê duyệt, mục tiêu của ngành này là 45 triệu lượt người xem phim/năm. Không rõ, mục tiêu này có dành cho phim nhà nước đặt hàng hay không, vì để tuyên truyền có nghĩa là cần đến với càng nhiều người càng tốt.

Mùi cỏ cháy đã thử lửa phòng vé ở 3 điểm rạp trong vài tuần lễ, nhưng khán giả đến xem vô cùng thưa thớt. Đạo diễn của Những người viết huyền thoại đã lặn lội vào tận TP.HCM nhờ tới một nhà phát hành phim chuyên nghiệp. Phim được chiếu bán vé tại cả Hà Nội và TP.HCM. Nó cũng phải nhanh chóng “rút lui” khỏi rạp chiếu vì ít người xem. Nhiều bộ phim được sản xuất từ nhiều năm trước cũng chịu cảnh tương tự, chẳng hạn, Ký ức Điện Biên có kinh phí 13,5 tỉ đồng nhưng chỉ thu được 700.000 đồng tiền vé. Khá hơn là bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm có kinh phí 7 tỉ thu được 4 triệu đồng tiền vé. Một phim khác Và anh sẽ trở lại, tuy không phải là phim đặt hàng toàn bộ, nhưng có hỗ trợ kinh phí, cũng đã sớm phải rời rạp chiếu.

Ngược lại những năm trước, càng khó để tìm thấy số người xem, nhưng vẫn có thể tìm lại được tiền đầu tư cho phim nhà nước đặt hàng. Toàn con số tiền tỉ. Năm 1995, Đất nước đứng lên kinh phí 1,9 tỉ. Năm 1996, Tổ quốc tiếng gà trưa, chi 2,5 tỉ. Năm 1997, Hà Nội mùa đông năm 46, chi 3,4 tỉ. Năm 1998, Bông sen, chi 4 tỉ. Năm 2002, Hà Nội 12 ngày đêm, chi 7 tỉ. Năm 2003, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, chi 15 tỉ. Năm 2004, Ký ức Điện Biên, chi 13 tỉ. Năm 2005, Giải phóng Sài Gòn, chi 12,5 tỉ. Năm 2005, Cầu Ông Tượng, chi 16 tỉ.

Chưa kể, có nhiều bộ phim tuy đã được hoàn thành nhưng thậm chí chưa từng được ra rạp theo đúng nghĩa như Nước mắt người cha, Viết tiếp bản hùng ca, Suốt nguồn, Người tình nguyện...

Họa sĩ Thành Chương, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật quốc gia: Điện ảnh là con tàu Vinashin khác

* Việc làm phim tuyên truyền, kỷ niệm theo ông có cần hướng tới việc phải có nhiều người xem không?

- Đừng nói việc làm phim tuyên truyền, kỷ niệm mà phim gì cũng cần nhiều người xem. Làm phim mà không nghĩ đến người xem thì chắc người làm phim định làm phim cho những ai không phải là người xem à.

* Việc khán giả quay lưng với phim tuyên truyền, phim lịch sử do nhà nước đặt hàng có phải do khán giả thờ ơ với lịch sử không?

- Xin lỗi các nhà bất tài. Đừng ngụy biện. Và nên cấm không được phép coi thường khán giả như thế. Người ta quay lưng đi chỉ đơn giản là phim các anh làm chẳng ra gì, lạc hậu và ngớ ngẩn không thể chịu nổi.

* Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm công dân của nghệ sĩ sáng tạo khi làm ra một bộ phim 21 tỉ đồng mà không người xem?

- Đọc xong tin trên báo phim nhà nước đầu tư hơn 20 tỉ ra rạp công chiếu cả nửa tháng lễ tết mà không có được một người nào mua vé, tôi thấy đau tim. Giống như mình vừa bị cướp mất 21 tỉ trên tay. Vậy mà những người đó vẫn bình thản, coi phim của họ là nghệ thuật đỉnh cao. Phim của họ kén khán giả. Tôi thực sự thấy phẫn nộ. Đó là tư duy của mấy vị không làm ra tiền, mà chuyên tiêu tiền của người khác không cần biết kết quả là cái gì. Nó cho thấy hai điều. Một là trình độ tư duy và hiểu biết của người làm phim đang thấp dưới mức cho phép. Hai là sự bịp bợm có nghề của những người thiếu năng lực thực sự.

Một bộ phim trị giá 21 tỉ mà không phục vụ nổi cho một người, không có ai bỏ một xu ra để xem thì như vậy là không hiệu quả, là thất thoát. Tiền bạc của Chính phủ, của công chúng thành tro bụi, trôi hết xuống cống. Tội đó là tội to, xét theo luật thì truy tố và đi tù chứ.

Con tàu phim ảnh VN cũng là con tàu Vinashin khác. Phải thay đổi toàn diện bằng cơ chế thị trường. Để cho con người thay đổi theo. Người tài năng thực sự thì sống và tạo ra giá trị xã hội. Thực tế tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật đối với xã hội chỉ có thể được tạo ra bởi tác giả có tài có tâm. Và chỉ khi có nghệ thuật thực sự mới phục vụ được con người.

Trinh Nguyễn (thực hiện)

Sự tụt hậu của tư duy

Không thể tìm thấy trailer - một danh thiếp cho phim - của bộ phim 21 tỉ Sống cùng lịch sử.

Xì trum 2

Sống cùng lịch sử
Ảnh trang Facebook của Sống cùng lịch sử Xì trum 2

Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội trong buổi ra mắt phim Xì trum 2 đã tỏa ra một màu xanh của tinh chất hạnh phúc. Một thế giới đặc trưng của Xì trum - những người tí hon tốt bụng. Một tầng bánh cup cake cũng được bày ra, xanh màu Xì trum để các em bé có thể nếm thoải mái. Trên sân khấu, các Xì trum bằng người thật hóa trang cũng nhảy múa tưng bừng, cùng chơi trò chơi với các bé.

Nhưng đó chỉ là một phần của chiến dịch truyền thông cho bộ phim này. Trước đó, một tài khoản trên Facebook cùng tên đã ra mắt. “Nhiệm vụ của tôi là làm thế nào để số người thích trang phim đạt con số mà nhà phát hành yêu cầu”, người phụ trách trang đó chia sẻ. Trên thực tế, trang đã liên tục cập nhật các thông tin về phim, hút khán giả bằng nhiều câu đố, những chuyện vui với phần thưởng là các đồ vật có hình xì trum. Một cách “dụ” khán giả nhí khôn khéo.

Một nguồn tin cho biết, thông thường việc quản trị một tài khoản trên Facebook kéo dài khoảng 2 tháng, đạt yêu cầu về lượt người thích (like) khoảng 20.000 người, quản trị viên sẽ được nhận khoảng 6 triệu đồng cho cả chiến dịch đó.

Tuy nhiên, với điện ảnh nhà nước, một chiến dịch truyền thông có ý tưởng, được thực hiện bài bản ngay từ rất sớm lại là điều xa lạ. Cộng với kinh phí không nhiều, truyền thông càng trở nên sơ sài, nghèo nàn ý tưởng. Bộ phim 21 tỉ Sống cùng lịch sử cũng có một tài khoản Facebook riêng, hiện chưa rõ là có liên quan đến ê kíp làm phim hay không. Tuy nhiên, trên đó chỉ vỏn vẹn chưa đến chục thông tin, mới nhất là vào tháng 11.2013. Thời điểm 20.9, trang này mới chỉ có 116 người thích. Lác đác vài tấm ảnh đoàn phim chọn bối cảnh, la bàn trận địa. Bộ phim này thậm chí còn không thể tìm thấy trailer trên mạng.

Với việc truyền thông sơ sài như vậy, thậm chí người ta còn có thể đặt câu hỏi 50 triệu có là quá nhiều?

“Phải mặc định rằng, chi phí cho truyền thông và chi phí cho phát hành cũng là một phần của kinh phí làm phim. Như vậy mới chuyên nghiệp. Đó là sự thật bao lâu nay ta lảng tránh không dám nhìn vào”, nhà biên kịch Phước Châu, cũng là người có kinh nghiệm truyền thông điện ảnh lâu năm nói.

“Tôi thấy cách nói của đạo diễn Thanh Vân rằng cho áo không cho cúc là không chấp nhận được. Bởi đạo diễn ở VN đâu chỉ cần biết mỗi làm phim, còn phát hành thì kệ người khác. Anh lại là lãnh đạo hãng phim. Việc làm thế nào để phim đến được đông khán giả là trách nhiệm của anh chứ”, ông Châu thẳng thắn.

Rõ ràng, vấn đề của quảng bá không chỉ là tiền. Mấu chốt vẫn là sự tụt hậu của tư duy.

Trinh Nguyễn

Trinh Nguyễn - Ngọc An

 >> Phim “nhà nước” bắt buộc phải đấu thầu
>> Phim nhà nước phải học tư nhân
>> Phim nhà nước yếu khâu quảng bá 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.