Phim chiếu mạng tràn ngập giang hồ, hotgirl

Ngọc An
Ngọc An
17/05/2019 09:00 GMT+7

Bắt đầu bùng nổ từ năm ngoái, đến giờ, trào lưu web drama (phim chiếu mạng) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau đề tài về cổ trang, tâm linh, web drama Việt tràn ngập những bộ phim về giang hồ, hotgirl, những cô gái làng chơi...

Lượt xem “khủng”

Web drama Thập Tứ cô nương vừa ra mắt vào tháng 2, xoay quanh câu chuyện về Thập Tứ, một cô gái quê bị hoàn cảnh đưa đẩy, mẹ nợ nần chồng chất, cố chấp nhận đi làm gái, rồi dấn thân vào chốn giang hồ. Đây được coi là phần ngoại truyện của web drama Giang hồ chợ mới ra mắt trước đó. Chỉ trong 3 tháng, tập 1 của Thập Tứ cô nương đã hút tới 21 triệu lượt xem.
Trong khoảng 2 năm, hàng loạt web drama (trong đó có cả phim ca nhạc) khai thác đề tài giang hồ, xã hội đen, trong đó có thể kể đến Thập Tam Muội, Tay buôn, buông tay?, Vi Cá tiền truyện, Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ, Chết thì chịu, Người trong giang hồ… Hầu hết những web drama này đều hút từ vài triệu cho đến vài chục triệu lượt xem. Chẳng hạn như Thập Tam Muội có tập phim hút tới hơn 49 triệu lượt xem. Còn web drama Người trong giang hồ phần 6 hút tới 75 triệu lượt xem, thậm chí lọt vào top 10 video nổi bật của thế giới.
Mặc dù lượt xem cao, nhưng nhiều web drama Việt đang “câu khách” với nội dung nhảm nhí, tục tĩu, bạo lực, đầy rẫy những hình ảnh “anh hai”, “chị hai” dạy dỗ đàn em, hay hình ảnh mát mẻ, dung tục…
Ghiền Mì Gõ là kênh chuyên sản xuất các loạt web drama ngắn phát trên YouTube có trên 4 triệu tài khoản theo dõi. Nhiều web drama của kênh này gây “nhức mắt” với hình ảnh các hotgirl khoe thân phản cảm, những hình ảnh va chạm, cùng những nội dung nhảm nhí, tục tĩu. Thậm chí, Ghiền Mì Gõ còn có hẳn loạt web drama Lan Quế Phường khai thác những câu chuyện xung quanh các cô gái làng chơi, từ các chiêu trò chơi xấu nhau cho đến tuyệt kỹ chiều khách. Bên cạnh đó, không ít web drama trên kênh này cũng khiến nhiều người “phát khiếp” ngay từ cái tên: Chê vợ xuống sắc, chồng theo bồ nhí bốc lửa và cái kết; Đưa bạn gái lên giường và cái kết cực gắt; Khinh thường chồng “yếu”, vợ bỏ theo trai “khỏe” và cái kết…

Kiểm soát web drama?

Mặc dù lượt xem cao, nhưng nhiều web drama Việt đang “câu khách” với nội dung nhảm nhí, tục tĩu, bạo lực, đầy rẫy những hình ảnh “anh hai”, “chị hai” dạy dỗ đàn em, hay hình ảnh mát mẻ, dung tục...

Đại diện của một đơn vị sản xuất web drama cho biết hiện tại Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) mới chỉ kiểm duyệt nội dung phim chiếu rạp, và đơn vị này không chịu sự kiểm duyệt của Cục với nội dung phim đưa trên mạng. Trong khi, đại diện Bộ TT-TT cho rằng có thể “chặn”, “hạ” nội dung, thông tin không tốt trên mạng, tuy nhiên quan trọng là việc nhận định, đánh giá nội dung sản phẩm thế nào, trong đó cần có sự thẩm định từ Cục Điện ảnh.
Đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định trông chờ vào ý thức của những đơn vị sản xuất web drama cho những nội dung, đề tài tích cực là rất khó. “Bảo họ chủ động cắt giảm hoặc tự biết, tự giới hạn thì rất khó, khó bởi không biết thế nào là đủ, là đúng”, anh nói. Bởi vậy, anh cho rằng cơ quan quản lý nên có những quy định, càng cụ thể càng tốt. “Quy định này cần tạo điều kiện cho các nhà làm phim sáng tạo, nhưng cũng có những nội dung cần hạn chế, song hành với việc khuyến khích đề tài mang tính tích cực”, đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ.
Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước cho rằng muốn phát triển một cách “trường lực” với web dama hoặc parody (thể loại nhại, nhái tác phẩm gốc) thì hẳn nhiên những người sản xuất phải liên tục cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tương tự các loại hình làm phim truyền thống. “Do tính chất mở của định dạng này (cả về phương diện kiểm duyệt phim cho đến tâm thế và thị hiếu của người dùng trên mạng), việc mở rộng thể loại phim và nhất là với đề tài phim sẽ gần như không có điểm dừng, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn biến đổi của người dùng/người xem của dòng phim này, liên quan đến sự tùy biến của nền tảng YouTube và các vấn đề cập nhật trong cộng đồng, xã hội”, anh Phước nói.
Theo chuyên gia Châu Quang Phước, chuyện kiểm duyệt cũng hầu như sẽ không thuộc diện quản lý của cơ quan chức năng như thông thường có lẽ chỉ có cộng đồng người dùng YouTube mới thực sự là những người quyết định về việc “sống - chết” của các tác phẩm ở đấy. “Đó chính là cơ chế mở của thị trường, với người dùng (sản phẩm) luôn có quyền quyết định, từ “ném đá” cho đến “thả tim, tung hoa”, như một dạng thuộc tính cơ bản của loại hình và định dạng làm phim này. Ngoài ra, cũng không thể không ghi nhận quyền lực của chỉ số view (lượt xem) từ cộng đồng người dùng, liên quan đến việc kênh phát sản phẩm sẽ được nhận “nút vàng - nút bạc” từ nền tảng YouTube, cũng đồng thời là một bảo chứng về tài chính cho mỗi sản phẩm phim kể từ khi chính thức “lên sóng” phát hành trên mạng”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.