Phiên bản 'thể nghiệm' 'Chuyện người lính'

Ngọc An
Ngọc An
17/04/2021 06:24 GMT+7

Chuyện người lính (L'Histoire du soldat) - tác phẩm kết hợp giữa âm nhạc và văn chương của nhà soạn nhạc gốc Nga Igor Fyodorovich Stravinsky và nhà văn Thụy Sĩ Charles - Ferdinand Ramuz, đã có một phiên bản “thể nghiệm” thú vị trên sân khấu Viện Pháp ở Hà Nội.

Sau buổi tổng duyệt tối 15.4, vở diễn chính thức ra mắt công chúng vào tối 16 và 17.4.
Ra đời vào năm 1918, Chuyện người lính giữ một vị trí quan trọng trong nền âm nhạc thế giới. Trong kiệt tác nghệ thuật này, nhà soạn nhạc Stravinsky đã kết hợp nhiều phong cách âm nhạc khác nhau (tango, valse, ragtime…) để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc của riêng ông. Âm nhạc cùng câu chuyện trong Chuyện người lính đã trở thành cảm hứng sáng tạo ở nhiều loại hình nghệ thuật từ sân khấu đến điện ảnh. Khó có thể kể hết những phiên bản Chuyện người lính ở nhiều hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau được thực hiện tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. “Đó là tác phẩm lớn có sức hấp dẫn lớn với tôi ngay từ khi tôi còn là chàng sinh viên tại Tokyo (Nhật Bản). Tôi luôn mong ước một ngày được thực hiện tác phẩm này”, ông Honna Tetsuji, nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN, đồng thời là người khởi xướng dự án, chia sẻ.
Trên sân khấu, nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy 7 nhạc công đến từ Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam: Nguyễn Thiện Minh (violin), Nguyễn Quang Trung (contrabass), Phạm Văn Hiếu (trumpet), Trần Hiền (trombone), Tạ Trung Đức (clarinet), Bùi Anh Dũng (bộ gõ), Văn Thanh Hà (bassoon). Đứng hai bên là 2 diễn viên của Xưởng kịch và nghệ thuật ATH là Hứa Thanh Tú và Quentin Delorme, họ diễn thoại vai người kể chuyện và người lính. Lời thoại của nhân vật con quỷ do chính giám đốc nghệ thuật người Pháp của vở diễn là Marcelino Martin Valiente (hiện đang ở Na Uy) thể hiện khi giọng đã được thu âm trước và được DJ “bóp méo”. Không giống như nhiều phiên bản khác, các diễn viên tham gia vở diễn chỉ đọc lời thoại (ngôn ngữ bằng tiếng Pháp) và không diễn xuất. Nhưng, khán giả hoàn toàn có thể mường tượng câu chuyện qua những hình ảnh minh họa do họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh thực hiện với sự cố vấn của họa sĩ Nguyễn Thành Phong, được chiếu trên màn hình lớn đặt ở chính giữa sân khấu cùng phụ đề tiếng Việt.
Phiên bản 'thể nghiệm' 'Chuyện người lính'1
Phiên bản 'thể nghiệm' 'Chuyện người lính'2

Phiên bản “thể nghiệm” Chuyện người lính trên sân khấu Viện Pháp ở Hà Nội

ẢNH: HỒNG NGUYỄN

Câu chuyện bắt đầu khi anh lính thất trận trở về nhà. Trên đường, anh gặp một con quỷ. Nó muốn anh đổi cây đàn violin lấy cuốn sách làm giàu. Người lính đồng ý và sau đó bị con quỷ kiểm soát. Một cuộc đấu tranh giành lại linh hồn, sự tự do giữa anh lính và con quỷ diễn ra. Cuộc sống này do mình định đoạt hay để vào tay kẻ khác? Câu hỏi và việc tìm câu trả lời cho câu hỏi đó không bao giờ là cũ với nhân loại trong lịch sử, hiện tại hay tương lai.
Một câu chuyện mang thông điệp phổ quát đã được chuyển tải với phiên bản “thể nghiệm” độc đáo khi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác. Thú vị hơn, một tác phẩm được viết ra từ cách đây hơn 100 năm lại có thể tương tác với khán giả đương thời qua sự sáng tạo tươi tắn của những họa sĩ trẻ.
Bên cạnh đó, một vở diễn “đa quốc tịch” (nhạc trưởng người Nhật Bản, giám đốc nghệ thuật người Pháp, nghệ sĩ Việt Nam và Pháp) nhưng lại được “chế biến” khá vừa vặn với khẩu vị người Việt. Vở diễn giúp một tác phẩm kinh điển trở nên không quá khó xem, thậm chí, còn phù hợp với trẻ con khi dễ bị thu hút, dẫn dắt vào câu chuyện với những hình vẽ sinh động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.