Phanh phui hiện tượng ‘nhạc sĩ ma’ trong K-pop

Huệ Bình
Huệ Bình
16/05/2021 10:00 GMT+7

Gần đây, truyền thông Hàn Quốc hé lộ sự việc nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ “vơ” tác phẩm người khác thành của mình, tạo ra nhiều “nhạc sĩ ma” (những người viết lời nhưng không được ghi tên trong phần credit - đóng góp sáng tạo).

Sự tồn tại của những “nhạc sĩ ma” gây chú ý trên mạng xã hội từ tháng 3, nhất là sau màn phanh phui của nhạc sĩ Lee Ha Neul (nhóm nhạc DJ DOC). Lee Ha Neul tức giận nói rằng người em trai đã mất là rapper Lee Hyun Bae viết lời cho tất cả ca khúc của nhóm 45RPM, nhưng trên giấy tờ những bài hát lại đề tên Kim Chang Ryul và Jung Jae Yong (thành viên nhóm nhạc DJ DOC).

Mặt trái của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc

Sau vụ lùm xùm này, đầu tháng 5, chương trình phóng sự Unanswered Questions (tạm dịch: Những câu hỏi chưa được giải đáp) của Đài SBS điều tra nhiều vấn đề xung quanh hiện tượng “nhạc sĩ ma” trong K-pop. Một nguồn tin của SBS kể về “Kim” (tên do chương trình đặt) – người điều hành một học viện tư nhân dành cho những đối tượng viết lời nhạc mới vào nghề, thường lấy lời bài hát mà học viên của mình sáng tác và ghi tên mình vào phần tác giả để hưởng trọn số tiền bản quyền.
Người này kể rằng “Kim” tự đăng ký tên mình cho hơn 400 ca khúc với vai trò viết lời bài hát, có cả những ca khúc thuộc về nhiều nhóm nổi tiếng như EXO, Red Velvet, TWICE hay của nam ca sĩ Kang Daniel. Người viết lời thật sự cho ca khúc Dancing King (một sản phẩm hợp tác giữa nhóm nhạc EXO và người dẫn chương trình nổi tiếng Yoo Jae Suk) tiết lộ chỉ nhận được 2,5% số tiền bản quyền. Trong khi đó, “Kim” lại nhận được đến 8% dù chỉ chỉnh sửa khoảng 5% lời bài hát.
Nguồn tin của SBS còn tố giác “S” - người viết lời cho nhiều ca khúc của các nghệ sĩ của công ty SM Entertainment - luôn xuất hiện trong phần credit cùng với “Kim”, đặc biệt là trong các bài hát của nhóm EXO. Đài SBS có được nội dung cuộc gọi giữa “Kim” và “Choi” - người từng là quản lý cấp cao trong bộ phận A&R (tìm kiếm và quản lý nghệ sĩ) của SM Entertainment, cho thấy “S” là vợ của “Choi”, quen biết “Kim” trong nhiều năm. Khi ê-kíp chương trình liên hệ với SM Entertainment, công ty khẳng định không biết đến mối quan hệ giữa “S” và “Choi”. Hơn nữa, “Choi” bị sa thải khi công ty phát hiện người này lạm quyền.
Trang topstarnews ngày 15.5 cho biết ở mảng phim truyền hình, một sinh viên âm nhạc kể về lần đầu viết nhạc phim gần đây. “Đó là bài tập của tôi và tôi vui vì sáng tác được chọn làm ca khúc chủ đề. Tuy nhiên, một nửa bản quyền lại nằm trong tay giám đốc âm nhạc của bộ phim. Trên thực tế, cả giám đốc âm nhạc lẫn giáo sư không tham gia viết ca khúc. Tôi viết trong 5-6 tháng và được trả 700.000 won (hơn 14,3 triệu đồng)”.

Nếu muốn trở thành người viết lời cho các sản phẩm âm nhạc, thường nhiều người ở Hàn Quốc ghi danh vào một học viện - đơn vị trung gian giữa công ty giải trí và tác giả 

Ảnh: Koreaboo

Lợi nhuận từ ca khúc cao nhưng thù lao ‘bèo bọt’

Tờ South China Morning Post cho rằng hiện tượng “nhạc sĩ ma” xuất hiện do các bài hát (ca khúc cho các nhóm nhạc K-pop hoặc các bản ballad trong phim truyền hình Hàn Quốc) mang lại lợi nhuận lớn. Phần lời của các ca khúc K-pop thường do một nhóm nhiều người thực hiện, được mô tả như cách làm việc kiểu công xưởng. Một học viên tiết lộ: “Học viện sẽ nhận lời bài hát từ tất cả học viên, chọn ra bản nhạc ưng ý nhất. Sau đó, các thành viên của học viện sẽ cùng nhau chỉnh sửa lại chúng. Cuối cùng, những người viết lời từ ban đầu không biết cụ thể ai là người thực hiện phần nào trong bài hát cũng như những sáng tạo của họ liệu có được sử dụng hay không”.
Giờ đây, người viết lời phần đông là học viên tại các học viện sáng tác nhạc, thậm chí cả sinh viên khoa âm nhạc ở các trường đại học. Sáng tác chất lượng của học viên sẽ về tay các công ty giải trí nhưng tiền công thấp hơn nhiều so với những gì mà đáng được hưởng. Học viện là trung gian giữa người viết bài hát và các công ty giải trí, sẽ thu từ 60-80% phí bản quyền, trong khi người viết lời nhận được 20-40%.
Điều này phổ biến trong ngành đến mức một số người viết lời thậm chí không còn quan tâm đến tiền lương. “Họ chỉ muốn có được sự công nhận”, theo lời một người viết lời giấu tên nói với trang Koreaboo. Về “nhạc sĩ ma”, Park Sung Il - đạo diễn âm nhạc của phim Itaewon Class (Tầng Lớp Itaewon), bình luận: “Họ có sinh kế trước mắt song thiếu sức mạnh”.
Câu chuyện trong chương trình Unanswered Questions không mới. Năm ngoái, nữ nhạc sĩ Tiffany Red, sáng tác nhạc cho nhóm NCT Dream và NCT U của nhà SM, tố công ty này trả lương thấp và đối xử tệ bạc với nhạc sĩ da màu. Theo lời Tiffany Red, hồi tháng 6.2020, SM Entertainment nhắc nhở cô ký một thỏa thuận cho phép đồng bộ hoá ca khúc Go của NCT Dream nhưng số tiền được đề nghị rất ít. Phí đồng bộ hóa mà SM Entertainment yêu cầu Tiffany Red ký hợp đồng là 500 USD. Do Tiffany Red sở hữu 13,33% ca khúc Go, phần mà cô nhận được sẽ là 66,65 USD. Phí đồng bộ hoá tiêu chuẩn có thể thấp ở mức vài trăm USD đối với những người chưa có tên tuổi, đối với nhạc sĩ nổi tiếng thường sẽ ở mức hàng trăm ngàn USD.
Với MV ca khúc Boss của nhóm NCT U (hiện nhận được hơn 153 triệu lượt người xem trên YouTube), Tiffany Red sở hữu 30% bài hát. Thế nhưng từ tháng 2.2018 đến nay, cô chỉ nhận được 9.000 USD. Chung cảnh ngộ, nhạc sĩ da màu Rodnae “Chikk” Bell từng nhiều lần hợp tác với SM Entertainment có bức xúc giống Tiffany Red. Tuy nhiên, sau khi gửi rất nhiều email, Tiffany Red chỉ nhận được lời xin lỗi từ đại diện A&R của SM Entertainment.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.