Phan Đăng Di: Đạo diễn không phải là nhà đạo đức

10/04/2014 13:29 GMT+7

(TNTS) Nếu có ai biết trước được 5 năm sau cuộc sống họ thay đổi thế nào thì đó hẳn là Phan Đăng Di. Bởi đơn giản, thường xuyên gặp Di sẽ thấy, anh không thay đổi gì nhiều, kể cả cái trạng thái chưa đủ tiền làm phim. Nhưng bỗng một ngày, Di thông báo Saigon sunny days chính thức bấm máy...

Trong điện ảnh, không có gì là cố được

5 năm trước và bây giờ, hứng khởi điện ảnh của anh có còn nguyên vẹn không?

 

Bi, đừng sợ! có sự háo hức của phim đầu tay, lại không quá bận tâm về tiền bạc, còn Saigon sunny days rơi vào lo lắng thực tế vì tiền làm phim không hoàn toàn từ nước ngoài mà phần lớn của các nhà đầu tư trong nước. Việc các nhà đầu tư cũng trông chờ phim bán được để thu hồi tiền vô hình chung tạo nên trạng thái căng thẳng hơn so với phim cũ.

Về con người của điện ảnh, hẳn 5 năm cũng đã làm anh khác đi nhiều?

Năm năm đối với mình là khoảng thời gian dài để làm một dự án, nhưng trong 5 năm đó thế giới đã thay đổi, biết bao đạo diễn mới, biết bao khát khao mới xuất hiện. Cả thế giới cùng làm phim nên 5 năm mà tôi không ra sản phẩm nào có nghĩa là tôi không tham gia vào guồng chạy điện ảnh, đánh mất nhiều cơ hội và sẽ mờ dần đi, chuyện rất hiển nhiên.

Tinh thần của anh có bị ì ạch đi trong 5 năm đó?

Không hẳn, bởi tôi chỉ xuống tinh thần khi tôi không tìm thấy cái gì để làm nữa, hoặc câu chuyện tôi đang muốn theo đuổi không khiến tôi thích thú nữa. Nếu không rơi vào hai trường hợp trên thì tôi sẵn sàng chờ đợi. Mà thực ra theo đuổi dạng dự án này khó ì lắm vì trong suốt 5 năm tôi có được ngồi chơi đâu. Tôi vẫn phải đi tới đi lui, làm việc với diễn viên và nhất là việc kiếm tiền đầu tư không bao giờ là đủ trong 5 năm.

Có bao giờ anh rơi vào trạng thái nóng vội hay hoang mang vì chờ đợi lâu quá?

Chúng ta nên nghĩ nhẹ nhàng hơn. Tôi không cần làm mọi thứ bằng mọi giá. Giả sử một ngày tôi không làm phim nữa thì đấy chắc chắn không phải ngày tận thế của tôi. Người trưởng thành phải biết rõ cuộc sống họ đang theo đuổi cái gì. Người ta luôn đặt câu hỏi với nhà làm phim nghệ thuật là làm sao để sống? Thật ra tôi sống được, mà lại sống vui bằng nhiều công việc khác nhau, đi dạy chẳng hạn. Tôi ý thức được dòng phim mình đang làm không dễ dàng thu lại tiền nên tôi luôn sắp xếp cuộc sống sao cho phù hợp. Khát khao lớn nhất là được làm thể loại phim mình thích thì tôi đã làm được rồi. Một người không nên muốn nhiều thứ quá từ cuộc sống.

Thực tế là, càng làm phim tác giả thì đạo diễn càng phải có khả năng ứng phó nhanh với hoàn cảnh. Khu vực Đông Nam Á đang nổi lên một số đạo diễn, bên cạnh tài năng để làm ra những phim độc đáo, dĩ nhiên hơi kén người xem thì họ còn rất thông minh khi biết cách làm phim với hình thức và kinh phí đơn giản.

 

Nghệ thuật là thứ khó đánh lừa được ai. Còn đóng góp thực tế, phải có những cái tôi trong điện ảnh thì cuối cùng điện ảnh Việt Nam mới có tiếng nói nào đó để giao lưu và đối thoại với điện ảnh thế giới

Vậy tại sao anh không đơn giản hơn để rút ngắn khoảng cách thời gian 5 năm kia?

Muốn đơn giản thì tôi phải có một ê kíp đủ sự đơn giản. Tập hợp ê kíp không phải là chuyện dễ, cũng có thể do khả năng thuyết phục của tôi chưa đủ mạnh để mọi người tin vào điều đơn giản, hoặc chính tôi chưa nghĩ ra được câu chuyện đơn giản mà vẫn có thể làm nó hay được.

Tôi từng quan sát có những người làm phim với kinh phí tối thiểu nhưng câu chuyện họ kể rất mạnh, và tôi tự hỏi, chỉ vài máy quay và một vài người bạn sống chết với mình, liệu rằng mình có làm được vậy không? Vì tôi già rồi nên tôi có những thói quen không tốt lắm. Tôi vẫn giữ thói quen làm việc cổ điển như: diễn viên thế, phục trang thế, âm nhạc thế, ánh sáng thế, vân vân. Tôi biết chắc phim sắp tới của mình sẽ có nhiều nhạc, mà ghi âm đường phố rất phức tạp, tôi thì không thể làm với chất lượng thấp để tạo ra cái cảm giác chung chung. Cộng thêm các ca khúc mình dùng đều phải mua bản quyền, khúc nhạc cho đoạn múa ba lê phải thuê dàn nhạc chơi lại, tất cả những kinh phí ấy cộng lại rất tốn.

Rõ ràng là Bi, đừng sợ! từng cho khán giả thấy sự đơn giản cần có của nghệ thuật?

Nhưng làm ra được cái đơn giản ấy cũng phải mất thời gian và tốn tiền.Vẫn là câu chuyện tốn tiền không thể tránh được. Để đạt được một số hiệu quả trong Bi, đừng sợ!, ngân sách dành cho phần hậu kỳ đã ngốn hến 2/3 trong tổng số ngân sách. Đến Saigon sunny days thì chúng tôi cố gắng một nửa cho hậu kỳ, một nửa cho phần quay. Tôi nghiệm thấy rằng, nếu sau này mình muốn làm 2 năm một phim thì kinh phí không nên quá 200 nghìn đô la. Thời tôi kiếm được 600 nghìn để làm phim có lẽ đã qua rồi. Ngoài ra, mình phải cố gắng tìm được một ê kíp chịu làm với giá rẻ, tức là họ có niềm tin vào những thiết bị đơn giản và gọn gàng mà vẫn làm được một phim hay.

Giả sử thị trường muốn thỏa hiệp với anh thì sao?

Cũng thú vị thôi, quan trọng là tôi có đủ cảm hứng lớn để làm hay không. Trong điện ảnh không có gì là cố tỏ ra được, thông minh, nghệ thuật hay thương mại..., tất cả đều không thể.

Không nên tin vào đạo diễn

Để có một Phan Đăng Di trong nghệ thuật, anh đã chịu sự ảnh hưởng từ đâu?

 Từ số phận của tôi, đời sống của tôi, những cuốn sách tôi đọc... Nhưng có lẽ người đặc biệt nhất giúp tôi nhìn nhận thế giới sáng rõ hơn chính là đạo diễn Satyajit Ray. Ray có  sự giản dị của thiên tài, mà cái đó rất hiếm, mình không thể đạt được. Muốn đạt được trạng thái giản dị như Ray khó lắm, người nghệ sĩ phải sinh trưởng trong một nền văn hóa đặc trưng hoặc đầu họ rất nhẹ, ví dụ như Ozu Yasujiro.

Vậy còn tính tàn bạo bên trong con người anh?

Tôi là người quá nhẹ nhàng.

Nhẹ nhàng thế nào được khi đã làm ra được những thước phim như trong Bi,đừng sợ!, đặc biệt là những cảnh nóng?

Hai cái đó khác nhau. Không nhất thiết phải trải qua hết mọi trạng thái. Cái khó nhất trong làm phim là quá trình tưởng tượng đạt đến hiện thực, việc này đòi hỏi một cái đầu tỉnh táo.

Nếu tàn bạo không tồn tại trong con người mình mà chỉ ở góc độ sáng tạo thì làm sao mình thấu hiểu hết để đưa nó lên màn ảnh?

Không nhất thiết phải trả qua hết mọi trạng thái, song một nghệ sĩ nên có tất cả mọi trạng thái trong họ, từ mềm yếu cho tới tàn bạo, dữ dội, hay kinh tởm nhất, điển hình là anh Trần Anh Hùng, người vừa có thể làm Mùi đu đủ xanh vừa có thể làm Xích Lô. Người ta nói Stanley Kubrick là người không bao giờ căng thẳng với diễn viên nhưng phim của ông thì lấy đi năng lượng của diễn viên rất nhiều, và phim ông cực kỳ bạo liệt, ví dụ A Clockwork Orange. Điều này cho thấy những người sáng tạo thật sự biên độ cảm xúc của họ rất rộng.

 
Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: Tang Tang

Trong biên độ sáng tạo, người đạo diễn phải hình dung ra mọi thứ, kể cả sự tàn bạo cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu nhìn rộng hơn, tận cùng của tàn bạo và tận cùng của cái đẹp thực chất giống nhau. Thế giới chúng ta đang sống, để có thể tái sinh thì phải có hủy diệt. Ở vùng châu Phi hay Úc, các khu rừng bị cháy liên tục. Sau đám cháy bao giờ lớp thực vật cũ cũng bị thiêu hủy đi, các hạt dày vỡ ra và nảy mầm. Bản chất và cái khó của sáng tạo là luôn luôn mưu cầu cái mới, hoài thai rồi tái sinh. Vì vậy nếu một lúc nào đấy, nghệ thuật không còn lực đủ mạnh của nội tâm và những thúc ép xã hội thì bản thân nó không đủ sức tái tạo được. Nó sẽ chết hoặc đông cứng trong cái vỏ hình thức của mình. Trạng thái này rất dễ xảy ra đối với những người sáng tạo không tới, tài năng bình thường hoặc ở một nền nghệ thuật chưa đủ mạnh.

Anh có ý thức được con người sáng tạo của anh, những điểm mạnh yếu và những cái đáng sợ?

Người làm nghệ thuật phải có tính ích kỷ. Và đạo diễn thì hầu như đều có chất điêu bên trong họ.

Thế thì mọi người chẳng nên tin đạo diễn rồi...

Đúng là không nên tin vào đạo diễn, vì họ có phải thần thánh hay nhà đạo đức đâu, cho nên trong chừng mực nào đấy luôn có chất đánh lừa khi đạo diễn làm việc với người khác, và nó chỉ dừng lại ở mức đó thôi. Cuộc sống không thể lừa nhau mãi được, và lừa như vậy thì mất vui, vì đi đến đích mà không ai có cảm giác bị lừa hay bị phụ thì mới thú vị.

Ô, cứ tưởng con người ai cũng thích được đối phương đặt niềm tin tuyệt đối, và đạo diễn thì càng mong muốn hơn, để phục vụ cho tác phẩm của anh ta chẳng hạn?

Ai nói gì mình cũng tin là không được, và ngược lại, cuộc sống mà ai tin tưởng mình quá thì mình cũng nên sợ. Đặt mình vào vị trí mà người người tin mình thì lại càng đáng sợ hơn, vì lúc đó mình không còn nghi ngờ bản thân nữa. Chẳng hề ổn tí nào. Người sáng tạo không phải người đi rao giảng đạo, và chúng ta bắt buộc phải khám phá cả những điều chưa biết lẫn những điều đang bán tín bán nghi.

Vậy chúng tôi, những khán giả Việt Nam phải cảm thông cho các nhà làm phim nghệ thuật thế nào đây khi mà trong khi các anh chỉ chuyên tâm đi khám phá tìm tiếng nói cá nhân thì các đạo diễn phim thương mại lại cần mẫn làm phim cho khán giả giải trí?

Sự cảm thông sẽ đến. Bất kỳ đạo diễn nào làm ra một tác phẩm nghệ thuật cho thấy sự thật thì sẽ nhận được sự cảm thông. Nghệ thuật là thứ khó đánh lừa được ai. Còn đóng góp thực tế, phải có những cái tôi trong điện ảnh thì cuối cùng điện ảnh Việt Nam mới có tiếng nói nào đó để giao lưu và đối thoại với điện ảnh thế giới.

Tàn nhẫn nhất là cứ nương nhẹ cho nhau

Biên độ cảm xúc rộng mà anh nhắc tới có chi phối cuộc sống của anh không?

Mình phải tách biệt chứ, sáng tạo là sáng tạo, đời thực là đời thực. Trong sáng tạo tôi đang xây dựng một thế giới khác, còn đời thực có những ràng buộc mà tôi phải tuân theo, không để lẫn lộn được.

Nói riêng Phan Đăng Di trong nghệ thuật, việc ở mọi trạng thái phức tạp hơn bình thường có làm anh ngột ngạt và mệt mỏi?

Làm nghệ thuật sẽ giúp mình đạt được thăng bằng nội tâm, nhất là làm phim. Tôi không được phép bốc đồng vì công việc của tôi phải đối mặt với tài chính, quan hệ con người... Sáng tạo là chuyện cá nhân, nhưng nhìn chung làm phim lại là câu chuyện của nhiều người nên tôi không thể quá khắc kỷ, hung dữ hay cứ theo ý mình.

Anh tự nhận mình nhẹ nhàng. Làm sao một người nhẹ nhàng có đủ dũng cảm đẩy diễn viên vào những cảnh quay mang tính chất tàn bạo đối với họ, một cảnh quay rút cạn năng lượng của họ hay một cảnh nóng khiến họ tổn thương?

Tổn thương đôi khi không phải chuyện dở. Diễn viên cần những xúc tác mạnh để tưởng tượng và để diễn. Với các diễn viên chuyên nghiệp, nhân vật càng thử thách thì họ càng thích. Diễn viên sẽ rất dễ chán nếu họ diễn hoài một mô tuýp hoặc diễn không tới, giống như việc không có khả năng tái sinh và luẩn quẩn mãi trong lớp vỏ cũ kỹ.

Không ai thoải mái trong những cảnh đó, nhưng nếu không có cảnh đó hoặc cảnh đó không tới, không đủ dã man hay không đủ bẩn thỉu thì phim hỏng. Đạo diễn là người nhìn một cách tổng thế và biết rằng phải làm tới đâu thì những cảnh quay khác mới có ý nghĩa. Đứng trước trách nhiệm to lớn này, sẽ có một lực đẩy rất tự nhiên phát sinh trong tôi. Tác phẩm nên là đích đến của mọi người. Tàn nhẫn nhất chính là mình cứ nương nhẹ cho nhau để cuối cùng làm ra một bộ phim dở. Nói thế không có nghĩa là khi mình tàn nhẫn nghĩa thì mình làm phim hay. (cười)

Nhưng nhìn một người mong manh như Đỗ Hải Yến, hẳn ít nhiều anh cũng có chút e ngại chứ?

Không ngại, cái chính là mình phải nắm bắt được sự mong manh đó. Vai diễn này gần như đo ni đóng giày cho Yến. Tôi đặt luôn tên nhân vật của Yến là Vân, nghĩa là mây, một hình ảnh thanh thoát nhẹ nhàng. Yến đem lại đúng cảm giác phiêu diêu mà tôi cần.

Yến có phải là một thử thách với anh?

Có, để phá đi chất cũ của cô ấy. Về mặt diễn xuất Yến đã khẳng định mình trong một số phim rồi. Một diễn viên sẵn thành tích khi diễn họ có độ tự tin nhất định của họ. Thử thách đặt ra cho tôi là, làm sao để trong tác phẩm mới này người ta không còn thấy những nét cũ của Yến nữa.

Và bỏ qua những cái đẹp từng được công nhận à?

Yến vẫn đẹp như vậy thôi, thậm chí rất đẹp. Nhưng thú vị thì nằm ngoài hình thức, nhiều khi chính những thứ trông rất buồn cười, ngớ ngẩn mới làm nên cái đẹp. Phải cần có những ngẫu nhiên để tránh bị rơi vào khoảng đèm đẹp đáng sợ.

Đèm đẹp, mà tại sao anh lại sợ đèm đẹp nhỉ?

Trong cuộc sống, có những thứ thoạt nhìn tưởng đẹp song ngắm kỹ sẽ thấy đó là cái đẹp rất sáo rỗng, rất dễ chán, kiểu đèm đẹp không thú vị. Bản thân tôi khi làm phim với cái đẹp như vậy cũng rất dễ bị chán.Vì thế mình phải phá nó ra, thay đổi nó đi, phải làm thế nào để nó đừng tròn trĩnh nữa, khuyết một chút thì tốt hơn nhiều. Cái đẹp chỉ rực rỡ khi nó đi vào ranh giới mà chúng ta không bao giờ chạm được. Tình yêu cũng vậy, hễ mình sở hữu được rồi thì nó sẽ mất đi một phần ý nghĩa. Đừng theo đuổi cái đẹp dễ bề ngoài.

Từ Bi, đừng sợ! bước qua Saigon sunny days, điều gì khiến anh muốn phá vỡ và thay đổi nhất?

Câu hỏi này chạm vào vấn đề quan trọng là phong cách. Giữa phong cách và lặp lại có một ranh giới rất mơ hồ. Nhiều nghệ sĩ làm phim theo hướng tác giả thích thú ở một số hình thức và cứ lặp đi lặp lại hoài. Người ta bắt đầu chán, chán từ phim đến cách làm phim, và diễn viên chắc chắn cũng sớm nhận ra vấn đề. Khó lắm, cái khó chung của sáng tạo. Thay đổi hoài sẽ không có phong cách, điểm nhấn, tuy nhiên chính những thứ tạo nên phong cách ấy lại là một cái bẫy mà nếu không cẩn thận, người đạo diễn sẽ bị nhốt trong đấy hoài.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Khắc Ngân Vi

>> Có những đạo diễn trẻ "dám liều, dám chơi
>> Đạo diễn trẻ nhất Việt Nam
>> Đạo diễn trẻ - cái nhìn gần
>> Gian nan đạo diễn trẻ phía Bắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.