Phá cách hay phá hỏng bài hát ?

03/09/2014 03:00 GMT+7

Sau khi biểu diễn ca khúc Bài ca hy vọng (ngày 1.9) để ghi hình cho Giai điệu tự hào - chương trình ca nhạc làm mới các bài hát từng được yêu thích trong những thập niên trước, ca sĩ Trần Thu Hà ghi trên trang cá nhân: “Bà con chuẩn bị giấy mực, nhà em chuẩn bị sọt đựng đá”.

Sau khi biểu diễn ca khúc Bài ca hy vọng (ngày 1.9) để ghi hình cho Giai điệu tự hào - chương trình ca nhạc làm mới các bài hát từng được yêu thích trong những thập niên trước, ca sĩ Trần Thu Hà ghi trên trang cá nhân: “Bà con chuẩn bị giấy mực, nhà em chuẩn bị sọt đựng đá”.

 Phá cách hay phá hỏng bài hát ?
Dương Trần Nghĩa band làm mới Thành phố tình yêu và nỗi nhớ khiến tác giả bài hát chỉ thấy “một nửa là của mình” - Ảnh: B.H.D

Với sự thổ lộ này, có thể hiểu Bài ca hy vọng được Hà Trần (Trần Thu Hà) thể hiện lại theo phong cách mới (do nhạc sĩ Quốc Trung phối khí) được ca sĩ dự đoán sẽ nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người nghe, nhất là khách mời bình luận của chương trình Giai điệu tự hào (là những nhạc sĩ, nhà chuyên môn thuộc nhiều thế hệ).

Sáng tạo “vớ vẩn” ?

Sau chương trình, Hà Trần cho biết: “Tôi rất thích bản phối này của anh Quốc Trung. Dù mới nhưng vẫn trong khuôn khổ bài hát cũ. Phong cách hòa âm vẫn tôn trọng tính chất bán cổ điển của tác phẩm, chỉ có phần hòa thanh là mới thôi”. Tuy nhiên, những ai có mặt tại trường quay (ở TP.HCM) hôm đó đều nghe được sự phản ứng gay gắt - chủ yếu là chê của hầu hết các khách mời bình luận. Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng: Sáng tạo như thế nào cũng được nhưng trường hợp này thì tôi cho là vớ vẩn, không hợp lý. Khi tiết mục lên sóng khán giả sẽ tự cảm nhận và “hạ hồi phân giải”.

 

Sở dĩ nhạc Trịnh đến nay vẫn được đông đảo người nghe yêu thích là do từng thế hệ cảm nhận theo cách riêng của họ. Nếu cứ thể hiện nhạc Trịnh theo cách của ngày xưa thì nó chỉ là ký ức, kỷ niệm

Ca sĩ Hồng Nhung

Cũng làm mới ca khúc xưa, mới đây trong chương trình truyền hình thực tế Những bài hát còn xanh (sân chơi cho các ca sĩ trẻ tìm hiểu những ca khúc nổi tiếng một thời thông qua việc thể hiện và làm mới, nếu có thể), sau khi nghe Dương Trần Nghĩa band hát Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - tác giả bài hát - dẫu hoan nghênh việc làm mới bài hát thông qua hình thức acoustic nhưng ông cho biết “chỉ thấy có một nửa là bài của tôi”. Hay trước đó, việc Hồng Nhung hát lại Ngẫu hứng sông Hồng của Trần Tiến ở chương trình Bài hát yêu thích (với bản phối mới của nhạc sĩ Hoài Sa) đã tạo những ý kiến trái chiều. Nếu các nhạc sĩ khách mời của chương trình này khen “màn biểu diễn đầu tư công phu, nhiều tính nghệ thuật, đẹp cả phần nhìn và phần nghe" thì nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ trên trang cá nhân của anh: “Trưa nay vừa ngồi với Trần Tiến, hai chú cháu suýt khóc với hình ảnh chú bé theo cha dọc bờ sông trắng xóa trong bài Ngẫu hứng sông Hồng. Tối xem Hồng Nhung gào thét, gõ mõ, dàn dựng như kinh kịch, đeo mặt nạ, cả dàn nhạc ầm ĩ. Từ lối hát đến sân khấu đều hoàn toàn xa lạ với nội dung giản dị và mênh mang của ca khúc”. 

Ranh giới mong manh

Trong sáng tạo, ranh giới giữa phá cách và phá hỏng rất… vô chừng. Đặc biệt với những tác phẩm đã có đời sống riêng và được gìn giữ lẫn yêu thích qua nhiều thế hệ, việc làm mới sẽ chỉ được chấp nhận nếu nó phát huy, mở rộng không gian sống cho tác phẩm, nếu không, những phá cách ấy chỉ gây “bất ngờ” vì lạ lẫm, nghe vui tai và quên nhanh. Điều này được minh chứng qua 2 album hát nhạc Trịnh (Ru mãi ngàn năm, Này em có nhớ) của ca sĩ Thanh Lam. Dù người trong cuộc cho rằng đó là cách thể hiện nhạc Trịnh theo cách riêng, bằng chính cảm nhận lẫn trải nghiệm của bản thân, nhưng sự phá cách… dữ dội của nữ ca sĩ đã không nhận được đồng cảm từ người nghe. Đó là lý do vì sao về sau, trong những chương trình hát nhạc Trịnh, chị đã chọn thể hiện theo kiểu “truyền thống” chứ không như những gì thể hiện trong album.

Ngược lại, cũng hát nhạc Trịnh theo phong cách riêng, ca sĩ Hồng Nhung từng chia sẻ (trong buổi họp báo chương trình Gọi tên bốn mùa), khi mới vào Sài Gòn, cách hát của chị bị không ít người (trong đó có em gái Trịnh Công Sơn) cho rằng phá nát nhạc Trịnh. Nhưng thời gian đã cho thấy Hồng Nhung, một trong những ca sĩ sau Khánh Ly, thành công và gắn liền với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Theo chị, “sở dĩ nhạc Trịnh đến nay vẫn được đông đảo người nghe yêu thích là do từng thế hệ cảm nhận theo cách riêng của họ. Nếu cứ thể hiện nhạc Trịnh theo cách của ngày xưa thì nó chỉ là ký ức, kỷ niệm".

Thổi sức sống mới cho ca khúc

Lâu nay xu hướng làm mới, mang đến cho những giai điệu xưa màu sắc trẻ trung, hiện đại, phù hợp với tai nghe, nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện tại, nhất là giới trẻ, luôn được ủng hộ, nếu “chiếc bình” ấy vừa vặn và toát lên vẻ đẹp mới cho “rượu cũ”. Nói như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Làm mới là rất cần, nhưng những cái mới của hôm nay phải xuất phát trên cái nền cơ bản của tác phẩm mà tác giả đã đầu tư và đã tồn tại nhiều năm trong cuộc sống”. Từng có những bài hát được làm mới và đoạt giải Bài hát yêu thích của năm như Chiếc khăn Piêu (Tùng Dương hát), Chiếc vòng cầu hôn (Đàm Vĩnh Hưng thể hiện); hay PAK Band mang đến không khí hừng hực, cuốn hút cho Dậy mà đi theo phong cách rock, nhóm Unlimited tạo nên  bản phối đầy sáng tạo và công phu trong Hòn vọng phu... khiến giám khảo Những bài hát còn xanh phải thán phục.

Nguyên Vân

>> Trần Thu Hà dời lại live show một tuần vì bị cảm nặng
>> Trần Thu Hà hát ca khúc của 2 nhạc sĩ cùng tên "Tiến
>> Ca sĩ Trần Thu Hà ăn tết... kỹ ở quê nhà!  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.