PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ: 'Hà Nội cần phát triển bền vững và nhân bản'

Ngọc An
Ngọc An
10/11/2019 15:25 GMT+7

Năm 2019, PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ được trao tặng Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, được vinh danh là công dân thủ đô ưu tú.

Trong hơn 2 thập niên qua, công trình nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX của ông được nhìn nhận là một chuyên khảo mẫu mực về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Những cuốn sách khác của PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ về Hà Nội cùng thể hiện tình yêu tha thiết của ông đối với thành phố này.

Nhìn lại những nguyên nhân của tình trạng trì trệ, lạc hậu

Công trình nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX cũng là luận án tiến sĩ được ông thực hiện vào năm 1984. Trong đó, ông tập trung vào nghiên cứu kết cấu kinh tế - xã hội Thăng Long Hà Nội. Vì sao ông có sự lựa chọn này vào thời điểm đó?
Sự lựa chọn của tôi có mấy lý do. Trước hết, tôi là một người Hà Nội. Bởi vậy, đây là nơi tôi đã quen thân, được chứng kiến sự đổi thay, cùng những mặt tốt, mặt xấu. Những hiểu biết nhiêu đó giúp tôi chắc tay hơn. Trước đó, đã có nhiều nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội nhưng chủ yếu tiếp cận theo kiểu hồi cố (nhớ lại) hoặc tập trung vào văn hóa dân gian. Còn tôi chọn nghiên cứu về kinh tế - xã hội vốn là nền tảng của sự phát triển đô thị, qua đó bên cạnh mặt phát triển, nhìn lại những nguyên nhân của tình trạng trì trệ, lạc hậu của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong giai đoạn từ cuối thời trung đại, khắc phục những di lụy còn tồn tại, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên.
Hai cuốn sách Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng và Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945 (do ông làm chủ biên) vừa ra mắt Ảnh: Ngọc An

Hai cuốn sách Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung HưngTư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945 (do ông làm chủ biên) vừa ra mắt

Ảnh: Ngọc An

Trong công trình nghiên cứu mà ông chia sẻ là bước khởi đầu để phát triển, mở rộng và đào sâu, ông chỉ ra những trì trệ, lạc hậu của một đô thị là trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Đến giờ, ông nhận thấy những điều đó đã được loại bỏ, thay đổi hay vẫn tồn tại theo cách nào đó?
Tôi cho rằng người Việt Nan nói chung, người Hà Nội nói riêng đều có một tình yêu xuất phát từ tình yêu quê hương, Tổ quốc, đô thị, mở rộng ra đến tình yêu con người nói chung. Nhưng tình yêu đó không phải là tô vẽ, mà khi đã yêu thì phải nhìn cả mặt được - mặt chưa được, mặt mạnh - mặt yếu, với mong muốn làm cho đối tượng mình yêu hoàn thiện hơn.
Bìa cuốn sách Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX Ảnh: TL

Bìa cuốn sách Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX

Ảnh: TL

Hà Nội là nơi hội tụ và lan tỏa, nhưng thường bị đứng trước 2 thái cực ứng xử đối lập: một là khen hết lời, hai là chê hết lời. Những lời khen, lời chê đó đưa ra không toàn diện. Chúng ta phải thấy cả mặt tốt, mặt xấu đan xen trong đô thị này, cũng như trong mọi xã hội. Việc tuyệt đối hóa lời khen hay lời chê sẽ dẫn đến sự một chiều hóa, làm tư duy què quặt, sai sự thật. Con người ở Hà Nội nói riêng, Việt Nan nói chung về cơ bản có bản sắc tốt, con người tốt, thân thiện, có tình người, tính cộng đồng cao; nhưng cũng có mặt khác là sĩ diện, thụ động, cam chịu, chưa tích cực, thiếu trách nhiệm…
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung (phải) trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ ảnh: TL

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung (phải) trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ

Ảnh: TL

Từ thời kỳ đổi mới, về mặt vật chất, kỹ thuật, kinh tế, Hà Nội phát triển một cách chóng mặt. Tuy nhiên, Hà Nội hình như còn chưa cân xứng ở mặt phát triển bền vững và nhân bản. Phát triển bền vững phải đồng thời bao gồm những yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa. Còn phát triển nhân bản là phải lấy con người làm trung tâm chứ không phải con số, cụ thể ở đây là phải làm cho con người sống tốt hơn, có nhiều tình yêu, tình thương hơn. Chúng ta có thể dễ dàng lấy ví dụ về những sự thay đổi trong cuộc sống của người dân như nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp… Nhưng, như một câu danh ngôn “con người đâu chỉ sống bằng bánh mì”. Có những sự việc tiêu cực có nguyên nhân từ sự phát triển không bền vững, không nhân bản. Ở ngoài, người ta khen là thành phố đáng sống nhất cũng đúng thôi, nhưng “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Vậy nên, phải trung thực với mình, với người. Đừng tự dối mình, tự lừa mình dối người.
Hà Nội hình như còn chưa cân xứng ở mặt phát triển bền vững và nhân bản.
Phát triển bền vững phải đồng thời bao gồm những yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa. Còn phát triển nhân bản là phải lấy con người làm trung tâm chứ không phải con số, cụ thể ở đây là phải là làm cho con người sống tốt hơn, có nhiều tình yêu, tình thương hơn
 
Người Hà Nội hiện đang phải chịu rất nhiều sự ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí đến nguồn nước. Ông có thấy thương người Hà Nội bây giờ không?
Phát triển bền vững phải chú ý đến môi trường, không chỉ môi trường tự nhiên, mà cả môi trường xã hội. Thế giới đã nhìn thấy trước điều đó. Bởi sự phát triển bao giờ cũng đi kèm với rủi ro.
Nhưng điều tôi muốn nói là khi đã xảy vụ việc thì phải trung thực đối diện chứ không giả dối. Chẳng hạn như việc nguồn nước bị bẩn vừa qua, vì sự ham lợi mà người ta đã bỏ thêm hóa chất vào để đánh lừa người dân. Sự giả dối chính là ngọn nguồn của cái xấu, cái ác; ngược lại, chân - thiện - mỹ chỉ có khi nào con người chân thực. Một xã hội bền vững trước hết phải là một xã hội chân thực, không được tự lừa mình dối người.
Nhưng phát triển bền vững là tự thân phát triển chứ không thể can thiệp một cách thô bạo. Bởi vậy, mới nói người lãnh đạo giỏi là người có “bàn tay vô hình”, để mọi người phát triển theo như ý muốn của bản thân họ nhưng cuối cùng đi theo hướng đồng quy cho sự phát triển tiến bộ chung, chứ không thể kêu gọi con người bỏ quên mình vì cái chung, cái tập thể.

Sự vô cảm ngăn sự phát triển nhân bản

Ông vẫn đều đặn có những nghiên cứu, cuốn sách mới về Hà Nội. Hẳn ông còn những đau đáu với nơi mình sinh ra và lớn lên?
Trăn trở là biểu hiện của tình yêu thực sự. Con người sống phải đồng cảm chứ đừng vô cảm. Nhưng tôi thấy buồn vì sự vô cảm đây đó vẫn còn đang phổ biến, ngự trị con người và ngăn sự phát triển nhân bản.
Ông đã hơn 80 tuổi, mắc bệnh viêm đa khớp không đi lại được và luôn phải chịu đựng sự đau đớn của bệnh tật. Điều gì thôi thúc ông nghiên cứu không ngừng nghỉ?
Đó là một nhu cầu nội tại, là lý do để tôi tồn tại. 20 năm, tôi rất ít khi ra khỏi nhà. Lúc ban đầu không đi lại được tôi bị hẫng, chính “cái anh” internet đã cứu tôi. Tôi làm việc để luyện tập tinh thần. Tôi không thể làm việc liên tục 8 tiếng, mệt thì nghỉ hoặc ngủ thôi, nhưng luôn cảm thấy sảng khoái.
Mặc dù bệnh tật nhưng mình quên đi. Còn khi không vượt được ngưỡng thì mình sẽ yên tâm ra đi. Vì ra đi cũng là trở về thôi. Tôi thấy bình thản. Mình hãy sống cho đến khi mình chết.
Là một nhà nghiên cứu cũng là một người thầy, ông có triết lý cuộc sống nào không?
Công việc của một nhà giáo và một nhà nghiên cứu có sự gắn bó với nhau, một người đi truyền lửa, một người đi tìm sự thật và bảo vệ sự thật. Tôi coi đó là lẽ sống của mình. Nói lý tưởng thì hơi cao xa, không thực lòng và theo sách vở, giáo trình, nhưng mỗi người chúng ta cần có lý do và mục đích sống.
Nhà sử học Harari (Israel) có nói ai cũng muốn mình sống tốt đẹp hơn, nên tương lai nhân loại sẽ tốt đẹp hơn. Điều đó cho dù là khó, nhưng tôi tin rằng nó cũng sẽ phải đến. Nhìn trước mắt, cái thật xen lẫn với giả, cái tốt đan xen cái xấu. Về tình cảm có thể mình hơi buồn, nhưng nhìn bằng lý trí, mình phải tin vào tương lai con người.
Nói như Marx thì nhân loại sẽ giải quyết được vấn đề mà lịch sử đặt ra, có thể là lâu dài, đời mình chưa được thì tới đời con, đời cháu mình. Là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì mình phải tin, hy vọng vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn, mặc dù tương lai đó có thể ngoằn ngoèo xa xôi, nhưng trước hết, như Camus nói “hướng tới những đỉnh cao đã đủ để tràn đầy một trái tim con người”. Còn có đến hay không, sớm hay muộn, là chuyện khác. Nhưng niềm vui khi đi có khi còn hơn là niềm vui khi ta đến.
 
PGS-TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm nay ông đã ở tuổi 82.
Năm 2012, công trình Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX của ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nhiều công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội khác của ông có thể kể đến: Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX (2010); Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội; Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011); Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018)… Năm ngoái, ông ra mắt cuốn sách Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018), và gần đây nhất là 2 cuốn sách Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945 (do ông làm chủ biên).
Ông cũng là dịch giả nhiều cuốn sách như: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (J.Barrow), Những người châu Âu ở nước An Nam (Ch.Maybon), Tiểu sử một đô thị (W.Logan)…
Ông đang tham gia nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử VN nằm trong đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia. Hiện ông đang hoàn thành bản thảo cuốn Lịch sử Việt Nam tập 10 - Đàng Ngoài 1593 - 1771 nằm trong công trình đồ sộ này.
 

Sự uyên bác của tri thức, sự lịch lãm trong văn chương

ẢNH: TL

Trong số những chuyên khảo về Thăng Long - Hà Nội, công trình nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX của Nguyễn Thừa Hỷ có thể coi là một trong các nghiên cứu xuất sắc nhất, đánh dấu một bước tiến lớn của ngành Hà Nội học. Đọc Nguyễn Thừa Hỷ, người ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức và sự lịch lãm trong văn chương, nhất là những công trình về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Có lẽ, đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một văn hóa Thăng Long nghìn xưa với một văn hóa thị dân Hà Nội khá thuần thục thời cận đại.
PGS-TS Vũ Văn Quân (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đi vào hồn cốt của Hà Nội

Ảnh: Ngọc Thắng

Về tính cách, nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ là người rất Hà Nội, trong lối sống, công việc, trong đối nhân xử thế... Tình yêu với mảnh đất này là động lực chính để ông đạt được những thành tựu. Ông là người Hà Nội lâu năm, rất hiểu Hà Nội và quan trọng nhất, luôn thể hiện sự hiểu biết Hà Nội trên ngòi bút của một nhà khoa học.
Đặc biệt, trong công trình nghiên cứu, ông đi vào lĩnh vực không phổ biến lắm là kinh tế. Điều đó hết sức cần thiết, bởi kinh tế cũng làm nên nền tảng của văn hiến. Giống như Hà Nội trong quá khứ có cái tên nôm là Kẻ Chợ. Ở vùng "đất chợ" ấy, hồn cốt là kinh tế, còn văn hóa là cái thượng tầng, được bồi đắp và phát triển theo thời gian.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.