NXB Đại học Quốc gia TP.HCM chi trả tác quyền cho nhà thơ Văn Công Hùng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
19/07/2021 13:12 GMT+7

Sau khi bức xúc gởi tới NXB Đại học Quốc gia TP.HCM và nhóm tác giả biên soạn phán ánh cuốn 150 bài văn hay lớp 9 (tái bản tới lần thứ 4) vi phạm bản quyền, nhà thơ Văn Công Hùng nhận được phản hồi tích cực.

Về diễn biến vụ việc đang gây bức xúc dư luận, nhà thơ Văn Công Hùng cho biết: “Sáng qua 18.7, vừa có một bạn đại diện cho NXB Đại học Quốc gia TP.HCM gọi điện thoại trực tiếp cho tôi giải thích một số điều. Vì cũng từng làm quản lý xuất bản, từng trực tiếp xuất bản và cũng từng là tác giả có tác phẩm xuất bản nên tôi hiểu hết các công đoạn, chia sẻ với bạn ấy rằng, tôi sẽ thông cảm. Bạn ấy bảo đang yêu cầu đối tác giải trình”.
Cũng theo nhà thơ Văn Công Hùng: “Tới chiều, một bạn của phía đối tác NXB Đại học Quốc gia TP.HCM lại gọi điện. Tôi cũng vui vẻ thôi, dặn: 'Các em xử lý cho khéo'. Bạn ấy xin lỗi rất chân thành và nói sẽ làm đúng như những gì tôi yêu cầu. Còn vượt thêm yêu cầu của tôi là: một, sẽ chung tay bổ sung sách cho các thư viện trường học, tức gửi sách cho các trường. Và hai, xin tiếp tục dùng cái bài Thông ấy của tôi với điều kiện là sẽ in đúng tít ban đầu Thành phố một thời thông và làm nghĩa vụ bản quyền đầy đủ. Tôi đã vui vẻ nhận lời".

Bìa cuốn “150 bài văn hay lớp 9” có tác phẩm vi phạm bản quyền nhà thơ Văn Công Hùng

Ảnh: NVCC

Trong cái rủi lại có cái may. Từ vụ việc “cầm nhầm” không xin phép này thì lại xuất hiện một đơn vị đang làm sách gọi điện báo với nhà thơ Văn công Hùng, xin phép in cuốn sách Hướng dẫn gợi ý học văn 6, có trích của nhà thơ... 1 câu trong cái bút ký Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, tất nhiên là ghi tên tác giả và tên tác phẩm đúng theo quy định”.
Đối tác mới này cũng xin nhà thơ Văn Công Hùng cho chuyển nhuận bút và góp thêm vào chương trình tặng sách cho các trường vùng xa của Gia Lai của ông thêm ít sách. Vậy là được thành công kép nên nhà thơ phấn khởi ngay. Ông viết trên trang cá nhân về tin vui này và thòng thêm câu dặn dò cẩn thận: “Các em cứ thoải mái dùng tác phẩm của tôi, miễn là sao mươi năm nữa nó không lộn tùng phèo ông tác giả này sang bà tác giả kia, tác phẩm này sang tác phẩm kia là được. Nhuận bút chắc chả bao nhiêu nhưng phải có 1 dòng mà tên tuổi rõ ràng. Tôi viết báo cũng vẫn phải nhắc người này người kia mà. Nó là điều tất nhiên và góp cho thư viện thì tôi nhận”.
 

Chân dung nhà thơ Văn Công Hùng qua nét vẽ họa sĩ Lê Sa Long

Ảnh: Lê Sa Long

Nhà thơ Văn Công Hùng còn hóm hỉnh: “Ôi giời. Có chi mô nơ. Thế là kỷ lục thế giới đây rồi, một dòng văn thôi mà nhuận bút tới... 1 triệu đồng. Bạn này còn xin tôi số điện thoại thêm mấy nhà văn nữa cũng được trích dẫn mà tôi quen để gọi liên hệ vào hôm nay. Tất nhiên, nhuận bút tôi cũng sẽ gom lại mua sách cho thư viện vài trường khó khăn, không 'ong đơ' gì, cà phê uống hằng ngày lương hưu nhà tôi xài nhòe khói”.
Được biết, không chỉ là cây bút viết rất duyên dáng, nhà thơ Văn Công Hùng còn là nhà từ thiện rất mát tay. Hiện ông đang vận động quyên góp nhiều chương trình hỗ trợ cho trường học tại Gia Lai và việc lên tiếng đòi hỏi bản quyền lần này cũng chi phục vụ cho công việc đam mê này. Mừng là cái kết thúc rất có hậu để ông thực hiện các công việc thiện nguyện vẫn đang phát sinh của nhà thơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.