‘Nữ sĩ thời gió bụi’ - Rực rỡ trong gió bụi

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
29/05/2021 14:00 GMT+7

Cầm cuốn sách Nữ sĩ thời gió bụi của tác giả Lê Phương Liên (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021) trên tay, tôi thầm khâm phục chị đã dành cả một thập kỷ để nghiên cứu và sáng tác nên tiểu thuyết dã sử đầy ý nghĩa này.

Nữ sĩ thời gió bụi hữu ích không chỉ cho văn học Việt Nam, mà còn là niềm động viên lớn lao đối với quyết tâm sống bản lĩnh của mỗi phụ nữ Việt.
Quả vậy, sinh ra trong “thời gió bụi” loạn lạc, ly tao, nhưng Hồng Hà - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã can đảm sống căng đầy số phận mình, tạo nên một cuộc đời rực rỡ bậc nhất, đáng để chúng ta ngưỡng vọng. Trong thời mà bà sống, số phận phụ nữ dường như nằm trong tay đàn ông và để mặc sóng gió cuộc đời đưa đẩy, dập vùi. Nếu có chút tài sắc, thì những phụ nữ ấy cũng chỉ trở thành búp bê đồ chơi trong tay những kẻ quyền thế, là món trang sức trong vương gia mà thôi. Riêng Hồng Hà nữ sĩ không để những tục lụy ấy vướng trói chân mình. Bà can đảm sống là mình, tự định đoạt số phận của mình và tỏa sáng bất chấp những định kiến, nài ép hoặc quyền lực áp đặt của thời thế và gia cảnh.
Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng về lịch sử, văn hóa, tính cách, cũng như tài năng lạ lùng của Hồng Hà nữ sĩ, nhà văn Lê Phương Liên đã vừa nhẩn nha trong câu chữ óng chuốt như người phụ nữ đẹp trang điểm, đồng thời vũ bão như võ sư lâm trận trong từng áng văn dập dồn, để dựng lên chân dung nữ sĩ vừa quyến rũ, vừa mạnh mẽ, lại tài hoạt rất mực. Bà chủ động trong mọi tình huống, tự quyết định để giành lấy điều mình cần, biết hưởng thụ thanh tao những thú vui văn chương cũng như phong cảnh và vẻ đẹp trí tuệ con người. Khi chấp nhận làm con nuôi của quan thượng thư Lê Anh Tuấn, nữ sĩ đã dành phần lớn thời gian ở tư dinh của quan để lĩnh trọn những tinh hoa trong thư viện nơi đây, và rời đi để không bị quan dẫn dụ vào vòng vinh hoa phú quý của một tài nhân hoặc vương phi, nhưng thực ra chỉ là con bài trong tay những kẻ chơi trò chơi quyền lực. Dựng lên cảnh huống tưởng như ngược đời này, nhà văn Lê Phương Liên đã cho thấy rõ sự thông thái và khéo léo tuyệt vời trong ứng xử cũng như bản lĩnh của Hồng Hà nữ sĩ khi còn là một cô gái quá trẻ. Cô gái trẻ này đã thầm thốt lên: “Ông ấy bảo mình làm thơ chẳng qua để thử tài, để “chấm” một vương phi! Nhưng ta không muốn làm một vương phi dù đã được “chấm”. Ta chẳng ảo tưởng về tài sắc của mình, phận nữ nhi một khi đã trao cái của báu duy nhất của mình là tuổi xuân và sắc đẹp vào tay một kẻ đầy uy quyền thì đời tự do của mình coi như hết rồi! Mỹ nhân ấy sẽ sống giữa uy quyền của phủ chúa Trịnh và tham vọng của quan thượng thư! Mỹ nhân ấy sẽ suốt ngày bị xô đẩy trong ý chúa ý quan. Ôi, tội gì mà để mình thành con rối cho người khác giật dây! Chạy đi thôi!”. Và bà đã không chỉ chạy khỏi cuộc hôn nhân bị sắp đặt ấy một lần. Lần nữa khi bị ép duyên với Bỉnh trung công, bà cũng đã khéo léo cao chạy xa bay, không để tự do quý giá của mình bị cướp mất, không để trí tuệ sáng láng của mình phải bị vấy bẩn và bức tử trước thói đời và cường quyền.
Trong thời gió bụi, kể cả khi người cha, trụ cột gia đình và người anh trai can đảm đã chịu ngã xuống, thì chỉ còn cây mai thanh mảnh mềm mại, mà dẻo dai giàu sức sống hơn cả - ấy là Hồng Hà nữ sĩ - đã đứng lên vững vàng, vực cả gia đình đi trong gió bụi, và vẫn tỏa sáng khiến bao kẻ khát thèm. Bà đã thay anh và cha, đứng lớp dạy học, đường hoàng là một cô đồ Thị Điểm nức tiếng hay chữ trong vùng, thu hút bao học trò đến học, được bà truyền dạy chữ, dạy đạo, dạy làm người. Tiếng vang và ánh sáng của Hồng Hà nữ sĩ đã lan xa, cũng là cái duyên hút đến bà những tài năng khác, như ngài hương cống Đặng Trần Côn, mà với thi phẩm Chinh phụ ngâm, được nữ sĩ diễn nôm thành công, đã làm nên tên tuổi vang danh ngàn đời cho cả hai người; hoặc dẫn tiến sĩ Nguyễn Kiều đến với bà, để nên duyên chồng vợ.
Không chấp nhận phận nữ nhi không thể đến với khoa bảng ứng thí, bà tự hào với kiến thức tự học, phát triển trí tuệ vượt bậc và đường hoàng tự đặt danh xưng của mình là Hồng Hà nữ sĩ, ngang bằng với các nam nhân tài danh khoa bảng xướng tên. Bà chủ động lựa chọn cuộc hôn nhân phù hợp với mình, để được thăng hoa trong cuộc sống lứa đôi. Và không chỉ có vậy, Hồng Hà nữ sĩ khiến bất cứ ai sống bên bà, được bà lựa chọn, đều phát triển vượt bậc về trí tuệ, biết cách sống thông thái, an nhiên và cống hiến trí tuệ của mình phục vụ cộng đồng, ngay cả trong những khi thời thế rối ren tao loạn. Bản lĩnh ấy ở một người nữ, ít nam nhân nào đã sánh kịp.
Không bao giờ mình có thể bằng lòng với cuộc đời như vậy” - Ý nghĩ mãnh liệt này của Hồng Hà nữ sĩ đã thúc giục bà đứng lên sống theo cách của mình, trở thành người dẫn dắt mọi người đi theo con đường ánh sáng. Cuốn sách Nữ sĩ thời gió bụi của Lê Phương Liên còn hơn là một tiểu thuyết dã sử, bởi người đọc không chỉ thưởng thức văn chương, mà còn được truyền nguồn động lực lớn lao để vững vàng tiến bước theo những gì trái tim mách bảo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.