Hằng ngày, kiến trúc sư Chu Kim Đức ngồi ở văn phòng với những chú trâu, chú nai nằm đâu đó rải rác. Chúng đều được làm bằng gỗ từ những rừng cây trồng để khai thác công nghiệp. Rất gần văn phòng là một xưởng sản xuất gỗ và cơ khí chuyên làm những đồ chơi như vậy. Ở đó có cả trâu, hươu nai lẫn cầu trượt, mảng ghép ghế ngồi, lốp cao su... Tất cả đều chờ để cô lệnh “lên đường thôi”, tiến tới những khoảng sân trống lắm, gồ ghề lắm. Để rồi sau đó, một sân chơi được đo ni đóng giày cho cộng đồng hiện ra.

Nhóm Thing Playgrounds đã bên nhau nhiều năm

Chị đã học về kiến trúc di sản, rồi lại học kiến trúc cảnh quan. Điều gì đã làm cho chị chuyển sang làm sân chơi cho trẻ em?

Khi học làm phim tài liệu thể nghiệm, tôi có gặp bà Judith Hansen, một người Mỹ. Bà ấy đi khắp thế giới chụp ảnh các sân chơi, nhưng khi tới VN, bà ấy không thấy cái sân chơi nào. Người ta chỉ cho bà ấy toàn là sân trống thôi. Tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Lê Nin ở Hà Nội. Bà ấy đến cả cung thiếu nhi, cung cũng không có sân chơi miễn phí. Nó chỉ có một ít đồ như công viên giải trí là mấy thứ đồ chơi rung lắc và bố mẹ thì phải trả tiền, không gọi là sân chơi. Sân chơi thì phải miễn phí và có không gian, có đồ chơi để trẻ con đùa nghịch, chơi chung với nhau.

Bà ấy bảo thành phố gì mà chẳng có sân chơi, thế là bà ấy thương. Bà ấy muốn tặng trẻ con Hà Nội một sân chơi ở hồ Gươm, vì đi quanh hồ Gươm thấy trẻ con cứ leo lên chỗ tháp Bút lởm chởm đá, nguy hiểm. Họa sĩ Ban Ga đã thiết kế cầu trượt hình con rùa mà về sau làm logo của Thing Playgrounds. Tôi hỗ trợ mọi người quy hoạch không gian ở hồ Gươm, giúp bà Judith đi gặp thuyết phục chính quyền và NGO (tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ. Chúng tôi cũng kiếm một thảm cỏ xinh xắn ở Hàng Khay, chỗ gần quán cà phê và nếu đặt con rùa vào chính giữa luôn thì rất xinh. Nhưng chúng tôi xin đặt thì không được. Nó làm chúng tôi nghĩ nhiều về quyền được chơi của trẻ.

Sau đó, tôi nghĩ đã mất công làm thì có thể làm cho các sân chơi khác. Các khu khác thấy thế cũng xin. Nhưng con rùa thì vẫn chưa được đặt ở hồ Gươm. Tôi cũng hỏi bà ấy để vào chỗ khác được không, nhưng bà ấy bảo đó là câu chuyện của hồ Gươm. Tính đến giờ này, tôi và bạn bè cùng đối tác cũng đã làm hơn 200 sân chơi rồi, riêng Hà Nội là hơn 100 cái.

Sân nhỏ nhất chị từng làm nó thế nào?

Nó là một sân bé xíu chỉ độ 30 m2 trong ngõ trên phố Hoàng Hoa Thám. Ngày xưa nó là nhà vệ sinh công cộng, rồi bị bỏ hoang chả ai muốn sửa vì sửa trong ngõ sâu tốn kém lắm. Thế là người ta cứ để đó cả chục năm rồi vứt đủ thứ rác vào đấy. Khi tôi đề nghị làm sân chơi, phường ủng hộ ngay. Họ chi tiền dọn dẹp, làm nền, mình chỉ lắp thiết bị vào thôi, lại thành cái sân chơi đẹp. Rồi tình nguyện viên đến sơn vẽ. Ở đó đặt được 2 cái cầu trượt, 2 con thú nhún, 1 cái bập bênh.

Những khoảng xen kẹt như vậy ở Hà Nội thực ra là nhiều. Nếu không có ô tô đỗ vào được, thì nó còn đó. Nếu có ô tô hoặc buôn bán được thì sân đó sẽ bị chiếm ngay, ít nhất làm chỗ để xe.

Còn sân làm lâu nhất thì sao, thưa chị?

Đó là một cái sân chơi ý tưởng low carbon, nghĩa là dùng cái gì ít rác thải nhất, cùng với vật liệu địa phương, vật liệu tự nhiên, vật liệu tái chế. Không gian đấy cũng giáo dục về môi trường. Ở đó cũng sẽ có bảng biển tương tác, không gian trồng cây… Nhưng nhiều thủ tục hành chính quá và mãi chưa xong.

Sân chơi ở trường tiểu học Bao La tại Mai Châu (Hòa Bình) với những đồ chơi thân thiện môi trường

Và cũng có những sân làm chị vui, buồn nhớ mãi chứ?

Gần đây nhất ở Phúc Tân, lúc đầu người dân yêu cầu phải có công văn từ phường xuống mới cho làm sân chơi, nhưng sau đó họ lại rất nhiệt tình, vừa làm vừa ăn mừng, cứ xong một hạng mục của sân chơi lại ăn mừng.

Tôi cũng liên hệ với nhà thiết kế Diego Chula. Ở đó có một mảng tường, rồi anh ấy vẽ, đến đấy chơi nhạc; các bác cũng thích, có gì cũng gọi anh ấy. Sau đấy, họ tự làm thêm rất nhiều thứ ở đó: tự làm hàng rào, trồng cây... Tôi chưa từng thấy khu dân cư nào nhiệt tình thế. Họ tự chung tay với nhau, họ cũng rất tự hào về việc đấy. Trước đó, họ cũng có nhiều hoạt động chung rồi, nhưng không gian đó cho họ cớ để gần hơn. Nó cũng thay đổi bộ mặt không gian sống của họ.

Cũng ở Phúc Tân, tôi làm việc với một NGO hỗ trợ nhóm phụ nữ nhập cư. Lúc đầu, chúng tôi cũng không biết làm gì cho họ. Rồi bạn bên NGO bảo chỗ sân nơi các chị ấy nấu nướng đồ đi bán trông xập xệ lắm, khi muốn quảng bá các chị nấu ăn sạch thì mọi người vẫn sợ các chị ấy nấu không sạch, hoặc cho pin vào này nọ. Sau đó, chúng tôi làm ống chốt, mái che di động, làm sạch chỗ các chị nấu nướng.

Các kiến trúc sư vẫn có những thiết kế tùy theo từng căn hộ, theo ý thích và túi tiền của khách hàng. Còn sân chơi, chị có “may đo” sân chơi cộng đồng như vậy không?

Cũng tùy trường hợp. Thông thường để làm một sân chơi lý tưởng, chúng tôi cũng thích được tìm hiểu các câu chuyện lịch sử văn hóa, sinh hoạt của địa điểm, sau đó cùng cộng đồng lên ý tưởng mỗi nơi khác nhau. Khi ấy, sân chơi đó cũng không chỉ là sân chơi thông thường mà còn trở thành biểu tượng của khu vực đó nữa.

Nhưng thường mọi người có ít kinh phí để làm sân chơi công cộng. Nên chúng tôi phải cố gắng giảm thiểu, chỉ làm những thứ cơ bản nhất như xích đu, cầu trượt, bập bênh. Chúng tôi cũng làm những xích đu, cầu trượt hợp lý từ lốp xe. Trông nó cũng đặc biệt, và mọi người có thể quyên góp lốp xe, cùng sơn vẽ, tự làm cầu trượt.

Chị vừa nói đến cầu trượt hợp lý. Thế nào là một cầu trượt hợp lý?

Bình thường người ta có thể mua sẵn một cầu trượt nhựa từ Trung Quốc chẳng hạn, hoặc là copy mẫu đấy. Nhưng những cái đó chúng tôi thấy không hợp lý. Chúng tôi không muốn dùng nhựa và composite vì không thân thiện môi trường. Chưa kể composite còn không bền, nó có thể nứt ngoài trời. Đôi khi những mẫu nhựa hoặc composite như vậy hơi nhỏ. Hoặc chơi không được vui lắm vì độ dốc không hợp lý.

Nên chúng tôi tự làm cầu trượt riêng của mình bằng inox. Mình làm đoạn dốc đầu tiên rất dốc rồi xuống dưới lại thoải ra. Trượt lại vui mà xuống dưới lại an toàn. Mình làm nó tốt nhất có thể trong tầm chi phí.

Có nghĩa là cái sân chơi tưởng vậy nhưng vẫn là hàng đặt. Nó vẫn là hàng “may đo”, là duy nhất đúng không?

Gần như thế. Với những sân chơi rẻ, mình bắt buộc chỉ làm những thứ thông thường thôi thì tới nơi chúng tôi gợi ý cộng đồng cùng tham gia sơn vẽ. Nhờ đó, sân được mặc cái áo của chính khu dân cư đó vẽ. Như thế, sân chơi có tính cộng đồng của khu dân cư đó chung tay.

Chị làm chúng tôi nhớ đến việc vẽ lên tường, lên tủ điện bây giờ ở nhiều nơi. Cũng không mấy đẹp. Thường các chị làm thế nào để việc vẽ đó diễn ra ổn thỏa?

Nếu việc vẽ diễn ra một chiều thì nó dễ bị không phù hợp. Cho nên thường chúng tôi làm cùng khu dân cư ở đó. Họ có ý tưởng từ chính đời sống của mình. Rồi sân chơi nào cũng cần họp, nhất là sân ở Hà Nội vì không gian công cộng đó có nhiều người dùng và họ muốn điều chỉnh không gian theo ý mình.

Nhiều nơi, mọi người vẫn bảo tổ trưởng là thôi tùy ông quyết định. Vậy làm sao mà họp dân phố được?

Mọi người tùy nếu đấy là sân đơn giản chỉ đặt vào mấy cái máy tập thôi. Còn sân chơi nhiều thứ phức tạp hơn. Mọi người sẽ ý kiến là nó có an toàn không, sân cạnh đống rác thì phải dọn đống rác đi. Nó nhiều vấn đề hơn và đa số người ta quan tâm hơn vì có liên quan đến trẻ con.

Chúng tôi áp dụng phương pháp có sự tham gia, tất nhiên chỉ có những người hay tham gia là đến thôi. Nhưng chúng tôi có một bước nữa, lúc đó cần nhiều người chung tay, sẽ nhờ bác tổ trưởng huy động lắp dựng và người ta cùng góp sức vào. Sân trong thành phố thường là không gian nhỏ, chỉ phục vụ cho một khu, nên huy động người cũng dễ.

Nhưng cũng có tổ trưởng biết việc chúng tôi làm sân đã đi “đòi lại” những không gian trông xe. Trước đây, họ trông xe cả sân thì giờ chỉ trông xe 2/3 thôi, chỗ còn lại làm sân chơi.

Nghe chị nói, cảm giác rất rõ mỗi sân chơi là một câu chuyện phát triển, một câu chuyện cộng đồng, một câu chuyện văn hóa?

Chúng tôi có một sân chơi ở Khâu Phạ, Mù Căng Chải (Yên Bái). Chúng tôi đến họp với cộng đồng để tìm ra tất cả các trò chơi dân gian, sau đó lập ra một chương trình tour du lịch mà cộng đồng địa phương có thể tự vận hành được, tập huấn cho người địa phương ở đó tự làm.

Tour đó tập trung vào chơi cho trẻ con, khi người thành phố mang trẻ con lên trên đấy sẽ được chơi với các bạn trẻ con trên đó. Các bạn trẻ sẽ chơi các trò ở suối, ở đồi, các trò chơi dân gian mà người dân tộc tổ chức. Mô hình rất bền vững và tính văn hóa rất cao. Nhưng dự án đấy cũng tốn kém. Chúng tôi đang phát triển với tài trợ của Đại sứ quán Mỹ.

Sau này, có lẽ nó sẽ phải là một mô hình kinh doanh. Mọi người phản hồi rất thích. Địa phương cũng rất thích nhưng có những việc họ chưa làm được ngay. Chẳng hạn, việc marketing họ chưa tự làm được, có một tổ chức khác là Khâu Phạ friends hỗ trợ. Về lâu dài, những kiến thức đó phải chuyển giao được cho cộng đồng địa phương vận hành.

Làm việc với cộng đồng rất hay, vì các cộng đồng rất sống động. Nhìn chung lại, sân chơi là cái mới với họ và cũng là cái làm cho sinh hoạt cộng đồng phong phú hơn trước đây.

Báo Thanh Niên
11.07.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.