NSƯT Văn Thành - Tú Lệ chuẩn bị làm đám cưới vàng

15/06/2005 22:15 GMT+7

Đi ra đi vô văn phòng của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần là một người đàn ông có mái tóc quăn tít và miệng lúc nào cũng như chực cười, thường bị đám diễn viên trẻ vây lấy gọi "Bố ơi! Bố à!". Đó là ông Phó giám đốc nhà hát - NSƯT Văn Thành. Tính hiền lành, nhẫn nhịn, ông làm người ta thương mà cộng tác. Và cũng với bản tính đó, ông sống trong gia đình hòa thuận, thủy chung. Ông cười khà khà: "Tớ chuẩn bị làm đám cưới vàng đấy nhá! Chao ôi, cưới nhau 42 năm, gần 70 tuổi rồi kia à?...".

Quả tình trông ông trẻ hơn tuổi thật, có lẽ nhờ cái tính hồn nhiên. Vợ ông bảo ông "sống trên mây", còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng trìu mến gọi ông là "trong sáng ấm ớ". Cháu ngoại thì nhìn ông như Đông Ki-sốt. Ông không suy tư gì ngoài chuyện làm nghề, đến nỗi lương hằng tháng nhà hát trả bao nhiêu cũng không nhớ, chỉ dặn cô thủ quỹ đếm cho đúng rồi ông đem về "nộp vợ", thế là xong. NSƯT Tú Lệ lắc đầu: "Có ông chồng như thế "khổ" lắm, mình gồng gánh hết gia đình". Ông âu yếm phản đối: "Bả nói vậy thôi, chứ bả cũng chỉ lo làm nghệ thuật. Nếu gặp nhằm bà vợ đua đòi, chắc tôi không theo nghề nổi". Tú Lệ cười: "Vậy mới sống được với ông tới giờ này!".

Tình yêu của hai ông bà cũng bắt đầu bằng nghệ thuật, cho nên đi suốt chặng đường đời gian khổ cũng chỉ có nghệ thuật làm chứng nhân và khích lệ. Năm 1954, Tú Lệ mới 13 tuổi đã được tập kết ra Bắc dự Đại hội Văn công toàn quốc rồi ở lại học luôn. Bà chuyển từ đội ca múa sang cải lương rồi cuối cùng thấy thích hợp nhất với ngành kịch nói. Một thời gian, Đoàn kịch Nam Bộ của bà sáp nhập vào Nhà hát Kịch trung ương, trong đó Văn Thành đang là "ngôi sao" trẻ của đoàn kịch Bắc. Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nghệ sĩ thường xuyên đi phục vụ các công trường, nhà máy. Trên một chuyến xe lửa, thấy cô gái Nam Bộ ngồi ngó ra cửa sổ buồn buồn, anh con trai Hà Nội bèn ghé đến làm quen. Mà cách làm quen cũng "trên mây" lắm. Thay vì hỏi han, lại bắt cô nàng học ngâm thơ. Lúc ấy anh đang nổi tiếng cả trên đài phát thanh trung ương vì giọng ngâm rất tuyệt. Mê thơ, mê kịch, anh khoái chí vì tìm được một "khán giả trung thành". Thế là từ đó, cứ hay lân la sang tìm cô nói chuyện. Rồi yêu luôn tự lúc nào!

Đám cưới năm 1963, thì 1965 Mỹ đánh phá miền Bắc. Hai vợ chồng nghệ sĩ liên tiếp đi phục vụ chiến trường. Người ở đoàn kịch Nam, người ở đoàn kịch Bắc, nên cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ, xa nhau là thường. Có khi hai đoàn kịch gặp nhau ở sông Gianh, Ngưu Lang chỉ kịp nhìn thấy Chức Nữ trong đoàn quân xanh lá ngụy trang. Và họ tự hứa với nhau là chỉ sinh một đứa con, dù trai hay gái, để dồn sức làm nghề, dồn sức cho chiến trường ác liệt. Đứa con gái sinh ra, được gửi cho nội nuôi dưỡng, Văn Thành - Tú Lệ lại vội vã vào Trường Sơn phục vụ. Thường hễ đi chiến trường thì chỉ đi một người, hoặc vợ hoặc chồng, để rủi có bề gì thì con cái ở nhà cũng không mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng Văn Thành - Tú Lệ thì cứ xung phong đi cả đôi. Cả hai ông bà đều cười: "Hồi ấy mình sống lý tưởng lắm, chẳng tính toán gì cho bản thân. Tới Trường Sơn, chiều chiều ngồi nhìn núi non xa thẳm, mở máy thu băng nghe tiếng con mình bi bô cũng đủ ấm lòng. Ai đi chiến trường cũng thu băng tiếng con đem theo, nên chiều Trường Sơn là trong trẻo tiếng trẻ con, như chim hót giữa rừng". Thật không ngờ, Trường Sơn còn có một nét đẹp mà hình như chưa ai nói tới!

Vợ chồng Văn Thành - Tú Lệ đi cả đôi, về đủ cả đôi. Rồi giải phóng miền Nam, lại bế con vào Sài Gòn, tiếp tục cuộc sống giữa phồn hoa đô hội. Bữa cơm thì rau nhiều hơn thịt, nghệ sĩ đi vay tiền mỗi tháng mà ăn, nhưng hễ lên sân khấu toàn là vào vai chính, hừng hực ngọn lửa đam mê. Đâu chỉ đóng kịch, Văn Thành còn đi ngâm thơ khắp các trường đại học, đến nỗi sinh viên Vạn Hạnh mê quá kéo về khu nhà tập thể của ông "quậy" tưng bừng. Đã nghèo, còn nấu cơm đãi bọn trẻ, chả sao, cứ vui tới bến! Có lần, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng ghé thăm đúng ngay bữa cơm, đã tròn mắt kinh ngạc: "Anh chị sống như vầy hả? Trời ơi, sao mà chịu nổi!". Nhưng rõ ràng họ đã hạnh phúc với một thứ duy nhất: nghệ thuật. Tú Lệ kể: "Nghèo mà chẳng bao giờ cãi nhau vì tiền bạc, chỉ cãi vì chuyện sân khấu. Mỗi lần có vở mới, vai mới, là đem ra mổ xẻ. Ổng giỏi lý luận, nên thường thắng tôi. Nhưng nhiều khi tôi lại thắng ổng về tâm lý nhân vật, mình là phụ nữ nên nhạy cảm hơn, xử lý nội tâm nhân vật phù hợp hơn. Cãi một hồi, vai diễn sáng ra. Nhờ vậy mà ý hợp tâm đầu cho tới bây giờ!".

Bây giờ, cô con gái duy nhất của ông bà đã trưởng thành, dù có khiếu nghệ thuật nhưng lại kinh doanh rất giỏi, đã sắm nhà cửa khang trang cho cha mẹ vui hưởng tuổi già. Nhưng có hưởng gì đâu, Văn Thành lại tiếp tục vác tù và hàng tổng, đêm đêm theo chăm sóc cho Sân khấu 5B. Ông than: "Mình từ chức hoài mà không ai cho". Quả thật, có ông như có thêm chút nhân hậu, ấm áp. Còn bà... "Thì theo chăm sóc ổng chớ sao!". Mấy chục năm, chỉ người vợ ấy tự tay cắt tóc cho chồng, một chi tiết nhỏ xíu thôi nhưng cũng đủ làm nên cái tình!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.