NSƯT Thoại Mỹ xả thân vì nghệ thuật

Hoàng Kim
Hoàng Kim
09/04/2021 18:00 GMT+7

Trong minishow cải lương của nghệ sĩ Thanh Hằng vừa diễn ra tại TP.HCM, NSƯT Thoại Mỹ hóa thân thành nàng dâu trong trích đoạn Duyên kiếp bị mẹ chồng hành hạ. Chị làm khán giả phải rơi nước mắt và bị trầy xước nhiều.

NSƯT Thoại Mỹ là cô đào đẹp lừng lẫy một thời, đến nay vẫn chưa thôi sức hút đối với khán giả. Chị có thể vào những vai khó, vai đa dạng, kể cả tuồng cổ với vũ đạo vất vả. Và sau này, chị bước chân sang kịch, đóng nhiều vở với một phong cách rất kịch, không hề thấy màu sắc cải lương. Đó là một ưu điểm, bởi nhiều nghệ sĩ cải lương khi diễn kịch lại mang luôn chất cải lương vào vở kịch.
Vai ấn tượng nhất của Thoại Mỹ là cô Nhớ trong vở Diều ơi tại Sân khấu kịch 5B (TP.HCM), một người mẹ rối loạn tâm thần nhưng vẫn thương con vô bờ bến, lấy bao nhiêu nước mắt của khán giả. Thoại Mỹ diễn rất hay giữa ranh giới mong manh của sự “khùng khùng” và sự nhận thức, vẫn biết đây là con mình, yêu thương, nhung nhớ. Bà mẹ mất con cứ chới với như cánh diều đứt dây, khi gào khóc, khi trầm lặng, thẫn thờ… Thoại Mỹ diễn giỏi từ trong nội tâm, chứ không dựa vào trang phục, son phấn, bởi nhân vật nhà nghèo, khật khùng, không thể hóa trang rực rỡ. Nhưng vai diễn đã khắc sâu vào lòng khán giả.

NSƯT Thoại Mỹ thời trẻ

ẢNH: T.L

Còn vở Duyên kiếp cũng đem đến cho Thoại Mỹ một vai để đời. Mợ Thu lấy chồng nhưng không sinh con được, mẹ chồng chì chiết, chồng đi cưới vợ lẽ. Đến khi cô vợ lẽ có thai thì xảy ra xô xát, mợ Thu đã đẩy cô ta té khiến cô sẩy thai. Bà mẹ chồng tức giận, đánh đập mợ tàn nhẫn, cuối cùng mợ như hóa điên, làm đổ ngọn đèn đốt luôn căn nhà hương hỏa bên chồng, và chết luôn trong hỏa hoạn.
Bi kịch của mợ Thu là điển hình trong thời phong kiến, khi người phụ nữ không được tôn trọng. Và chỉ với một trích đoạn thôi, cũng đủ nói lên tất cả nội dung, đủ cho diễn viên thi thố tài năng. Mợ Thu với dáng vẻ tội nghiệp, vừa ghen tuông lại vừa thông cảm với cô vợ lẽ, lúc thì tức giận, tủi thân khi thấy chồng nâng niu cô ta, lúc lại vỗ về khuyên cô bỏ trốn để nối lại tình xưa với anh tá điền… Rất nhiều diễn biến tâm lý phức tạp trong nhân vật này, những tâm lý đàn bà phổ biến, và là mảnh đất màu mỡ cho nghệ sĩ khai thác.
Thoại Mỹ diễn tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Lớp diễn khi Thanh Hằng vai mẹ chồng nhào vô đánh đá nàng dâu, thì Thoại Mỹ đã lăn lóc trên sàn sân khấu và té nằm vắt vẻo từ bục gỗ tới mặt đất y như thật, khiến người xem đứng tim. Thật ra vai này Thoại Mỹ đã diễn nhiều lần, lần nào cũng té với tư thế “căng thẳng” như thế. Nhưng sân khấu lớn thì các bục bệ vẫn có phần an toàn hơn, còn lần này sân khấu của phòng trà WE quá nhỏ, chung quanh lại ngổn ngang dàn trống, dàn loa, cho nên những góc cạnh ấy đã làm Thoại Mỹ trầy xước cả tay chân, và trán đập vào chỗ nào mà bầm luôn một cục. Khán giả bên dưới nhao nhao: “Có sao không? Có sao không?”. Vậy mà Thoại Mỹ đã đứng dậy diễn tiếp đoạn cuối, khi mợ Thu hóa điên gào khóc cho thân phận mình, và ngọn lửa sân hận bùng lên biến thành ngọn lửa thật thiêu đốt căn nhà, dìm chết luôn chính bản thân mình, kết thúc bi kịch phụ nữ thời phong kiến.
Và sau buổi diễn ấy, Thoại Mỹ đã nằm suốt mấy ngày chưa ngồi dậy nổi. Chị đã trò chuyện với báo Thanh Niên bằng giọng nói khàn khàn, nhưng vẫn không mất đi sự vui vẻ.
* Nghe nói chị đã bệnh từ trước khi lên diễn, vậy mà vẫn máu lửa quá xá…
Tôi bị viêm họng, ho và sốt mấy ngày trời, nhưng lịch diễn sắp xếp rồi, mình đâu dám làm trở ngại cho anh chị em. Lên hát có khàn giọng một chút, tôi đã xin lỗi khán giả. Nhưng phần diễn thì không thể qua loa, cứ y như kịch bản mà làm tới thôi (cười). Vô vai là “máu lửa” nổi lên, quên bịnh luôn. Chị Thanh Hằng đấm đá dữ dội, thì tôi cũng phải lăn lê bò lết y như thiệt chứ. Diễn vai này nhiều lần rồi, dù dữ dội nhưng không bị sao hết vì sân khấu rộng có thể xoay trở dễ dàng. Ai ngờ lần này sân khấu phòng trà nhỏ quá, tôi bị đụng vào dàn loa hay dàn trống gì đó mới trầy xước nhiều vậy. Tôi còn sợ chạm phải dây điện nữa, diễn xong nhìn lại mà hết hồn. Thôi kệ, miễn khán giả thích là được. Về nhà lại sốt tiếp, và ăn cháo cả tuần, ngưng hết mọi công việc.
* Nhưng chị có thể tiết chế lại không? Bởi mình phải bảo vệ bản thân, và khán giả cũng xót ruột lắm khi thấy “thần tượng” của họ quá vất vả, nguy hiểm.
Vâng, tôi sẽ tiết chế lại. Vì thật ra cái chân của tôi đã bị yếu đi sau một tai nạn nghề nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, khi tập tuồng Xử án Bàng Quý Phi, tôi đánh kiếm và nhảy từ trên cao xuống, bị té đứt dây chằng đầu gối. Mình cứ chủ quan, chỉ bó lại thôi, rồi tiếp tục đi diễn, đi quay. Đến chừng nặng quá, bị bể xương, teo cơ, thì phải mổ, bắt ốc. Khi hát vở Duyên kiếp, lại bị chấn thương, mổ lại lần hai. Thế là chân yếu hẳn.
* Vậy mà vẫn thấy chị đóng tuồng cổ với vũ đạo quá nhiều. Chị thật là xả thân vì nghề nghiệp.
Đây, lịch kề bên rồi nè. Ngày 24 này đoàn Huỳnh Long diễn vở San hà xã tắc, tôi đóng vai Thạch Nương Tiên nặng lắm, ca hát và vũ đạo rất nhiều. Tôi phải tiết chế trang phục cho nhẹ lại, vì nguyên bộ đồ tuồng cổ với cờ quạt mũ mão cũng khá nặng, khi mình diễn rất mệt.
* Sao chị không chọn vai nhẹ hơn?
Đoàn Huỳnh Long bây giờ do Bình Tinh giữ nghề của dòng họ, quy tụ hầu hết là các em trẻ, thế hệ đàn anh đàn chị như tôi phải trụ những vai lớn cho các em học hỏi. Sắp tới vở Song hùng kỳ hiệp, tôi cũng vào một vai độc để làm mẫu cho các em. Mình cố gắng truyền nghề để sau này mình có già đi thì lớp trẻ sẽ kế thừa. Cho nên tôi cố gắng hết sức.

NSƯT Thoại Mỹ vai cô Nhớ và bé Gia Hân vai con, vở Diều ơi

ẢNH: H.K

* Thấy chị làm giám khảo trong nhiều cuộc thi như Chuông vàng Vọng cổ, Hát mãi ước mơ, Sao nối ngôi, bolero…, chị nghĩ gì về diễn viên tương lai của cải lương?
Tôi thấy các em bây giờ có giọng ca, có cả sự ủng hộ của truyền thông, nên tên tuổi được biết nhanh hơn thế hệ chúng tôi phải đổ mồ hôi và nước mắt cả chục năm mới nổi tiếng. Mừng cho các em. Nhưng chỉ xin nhắc một điều là các em đừng chủ quan, nên học nghề một cách có chiều sâu hơn nữa, chứ chỉ học trong những cuộc thi ngắn hạn thì chưa đủ để diễn trong các vở dài, hoặc trong các vai nặng ký. Nhất là giọng ca, phải tạo được ấn tượng riêng, chứ giống giống nhau thì khó bật lên được.
* Trở lại với kịch nói, khán giả thăc mắc tại sao chị lại không bị màu cải lương khi diễn kịch?
Chắc tại tôi đi xem kịch nhiều quá nên ảnh hưởng nhiều. Sân khấu nào tôi cũng xem, từ 5B, Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Thế Giới Trẻ, thậm chí kịch cà phê (như nhóm kịch Đời) tôi cũng xem. Tôi đi xem vì yêu thích bộ môn này nhưng cũng để học hỏi thêm. Mọi thứ chung quanh đều cung cấp cho tôi kiến thức nào đó. Ngay cả những buổi tập tuồng cải lương tôi cũng đi sớm để xem các em tập, và học được từ các em những điều rất hay. Mình lớn tất nhiên mình có những cái mà các em học hỏi, ngược lại, các em cũng có cái hay bổ sung cho mình.
* Với vị trí là một cô đào nổi tiếng, một Nghệ sĩ Ưu tú, lại thấy chị “chơi” gameshow như Thiên đường ẩm thực, Chơi phải thắng…liệu có phù hợp không?
À, tôi tham gia cho vui thôi, khán giả cũng thích. Thực sự đó là những game đàng hoàng chứ không tào lao, vì tôi luôn giữ hình tượng của mình. Và tiền thắng cuộc thì tôi dành làm từ thiện, hoặc cho lại những gia đình nghèo trong game. Tôi luôn tỉnh táo để phân biệt và chọn lựa, chứ công việc chính của tôi vẫn là sân khấu.
* Cảm ơn NSƯT Thoại Mỹ. Chúc chị mau bình phục để tiếp tục biểu diễn không phụ lòng người ái mộ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.