NSND Hoàng Dũng: Phía sau một 'ông trùm'

21/01/2018 06:00 GMT+7

Năm 2017 ghi dấu một năm có nhiều đột phá với phim truyền hình Việt, trong đó không thể không nhắc tới Người phán xử - bộ phim đã tạo nên hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Người góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim là gương mặt “lão làng” - NSND Hoàng Dũng trong vai “ông trùm” Phan Quân.
Sau ánh hào quang
Có vẻ sau bộ phim Người phán xử, ông nhận được rất nhiều lời mời tham dự sự kiện, đóng quảng cáo... Chỉ riêng cát sê tham dự sự kiện cũng tới hàng chục triệu đồng. Không biết thực hư thông tin này như thế nào?
Hiệu ứng của phim rất tốt. Phải nói thật là nhiều công ty tổ chức sự kiện, một số nhãn hàng muốn sự có mặt của mình. Thậm chí, các chương trình mang tính chất cộng đồng, quốc gia, chương trình liên quan đến xả rác, hay nước sạch, họ cũng muốn mình tham gia. Tôi nghĩ việc gì “vừa ích nước vừa lợi nhà” thì mình làm thôi (cười).
Về lời mời quảng cáo, đối với thuốc, tôi rất cẩn thận, kiểm tra rất kỹ. Tôi sợ những ảnh hưởng về mặt hình ảnh trong thời điểm này. Tôi chừng này tuổi mà có người mời quảng cáo thuốc tăng cường sinh lý nam. Tôi đùa: “Nếu cách đây 30 - 40 năm mời thì chú làm đấy, giờ chú làm để người ta chửi cho à”.
Còn có nhiều tình huống dở khóc dở cười khác. Những gì mọi người nhìn thấy đôi khi chỉ là những mặt thuận lợi, vui vẻ, mà không thấy được mặt mệt mỏi. Chẳng hạn, có thời điểm tôi bị lừa, hoặc có những đứa trẻ yêu mến quá khích, ở nhà mình ngó ra cũng có người để ý, cảm thấy gò bó.
Những mệt mỏi ấy có ảnh hưởng đến gia đình ông không?
Không. Mình cũng biết cách mà. Thế mới thấy các bạn trẻ trong TP.HCM mà nổi tiếng một chút thì được đón nhận như thế nào. Nhưng các bạn ấy có khi đỡ hơn vì có người hoặc một công ty quản lý, ở miền Bắc thì ít.
Ông có cần một người quản lý như vậy?
Không. Lúc mình đi làm, khi là giám đốc cơ quan còn chả có trợ lý, đại diện. Giờ về hưu làm thế thành làm trò, người ta cười cho. Có việc gì con cháu, học trò đấy. Cần việc gì, đi đâu bảo chúng nó một câu.
Không phải phim truyền hình, sân khấu kịch mới là con đường đầu tiên dẫn ông đến với nghệ thuật. Nhưng đó chỉ là một sự tình cờ?
Đúng là thế. Lúc tôi ngồi ở nhà đứa bạn, bọn bạn rủ nhau đi thi tuyển diễn viên, bảo tôi đi theo, nếu được cũng vui. Trước thì từng nghĩ đi học hát, hay học múa. Cũng đắn đắn đo đo, nghĩ có khi làm diễn viên thì già đóng vai già, chứ còn già khó hát hay được nữa. Lúc đó là mình tính toán lăng nhăng chứ không phải đam mê cái gì ghê gớm cả.
Diễn viên Việt Anh  và NSND Hoàng Dũng trong chuyến công tác tại CH Czech
Diễn viên Việt Anh và NSND Hoàng Dũng trong chuyến công tác tại CH Czech
Hồi đấy, thi đại học có 2 nguyện vọng, một đằng thi đại học ngoại ngữ thì thiếu điểm, một đằng là sư phạm ngoại ngữ thì được gọi. Lúc ấy, không thích đi dạy học, nên nghĩ thôi không đi. Sau không học, hồ sơ họ đưa về Sở Lao động Hà Nội. Đến khi trúng tuyển vào học lớp diễn viên ở Trường Nghệ thuật Hà Nội, mình lại được gọi đi học công nhân kỹ thuật ở nước ngoài. Lần đầu, họ gọi đi tàu Ba Lan tôi không đi. Lần sau, họ gọi đi học làm pha lê lại đi. Hai tháng sau khi đi có trục trặc giấy tờ lại về. Lúc về, anh Chu Hùng (NSƯT Chu Hùng - PV) học cùng lớp đi chơi rồi gặp mình hỏi sao không đi học. Anh đến lớp kể lại với thầy NSND Huỳnh Nga. Thầy đến tận nhà tôi hỏi có thích đi học không, nếu đi thì phải học nghiêm túc. Thầy đã thuyết phục để trường chấp nhận cho tôi đi học lại.
Niềm đam mê với kịch cứ ngấm dần. Đến năm học thứ 3, tôi cảm thấy gắn bó với nghề.
Ở các rạp Hà Nội từ Đại Nam, Nhà hát Lớn, Công Nhân, đến Hồng Hà, các bác bảo vệ rất “khó chịu” với tôi. Đấy. Tôi cứ đến, cười cợt làm quen, xong là lao vút vào rạp để xem. Tôi mất mấy cái xe đạp ở rạp Công Nhân rồi. Có lần, tôi đi xem “chui” ở Nhà hát Lớn. Đó là buổi duyệt cấp nhà nước, các chú công an đứng đó bảo vệ rất đông, mình có để ý đâu. Thấy có xe cứu hỏa bên hông nhà hát, mình leo lên cái thang của xe để chui vào, vào đến nơi bị tóm nhốt mấy tiếng mới được thả ra cho về.
Từ năm 1977 tôi đã về đoàn kịch, khi thiếu người vào vai lính tráng là mình lên luôn. Năm 1978, tôi tốt nghiệp. Năm 1979, tôi diễn vai diễn đầu tiên trên sân khấu kịch chuyên nghiệp. Đó là vai diễn trong vở Hoa hồng và cỏ dại của đạo diễn Doãn Hoàng Giang.
Bên gia đình Ảnh: NSCC
Có khoảng 1 năm ông tạm nghỉ làm nghề. Vì sao vậy?
Khi hai vợ chồng mình lấy nhau, nhà nghèo lắm. Vợ mình đi dạy mẫu giáo. Đến khi có con, vợ chồng định gửi ở nhà trẻ mà tiền gửi trẻ gấp đôi tiền lương của vợ. Tôi mới bảo vợ: “Thôi anh chịu khó lao động thêm tí nữa, em ở nhà trông con”. Vợ tôi ở nhà một thời gian bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Mới đầu chỉ có cái tủ kính bán linh tinh, kiếm được tiền đi chợ, dần dần theo cái đà đó bán hàng.
Một năm nghỉ đấy gia đình mình kinh doanh rất tốt. Hai vợ chồng bán quần áo trẻ con ở nhà mình trên phố Hàng Đường, thuê cả người mà làm không xuể, nếu mình không ở nhà quản lý cùng vợ thì hỏng hết. Những năm 1990, mình cũng đã có chút hình ảnh trên truyền hình, sân khấu rồi nên có nhiều cái lợi, nhiều người bán hàng và mua hàng cho mình.
Có thời điểm, ngại nhất là ngồi đếm tiền, mà đó là tiền hàng. Vợ chồng đang nghèo, mình đi diễn nghèo lắm, nên có cơ hội kiếm tiền là cắm đầu cắm cổ vào thôi. Khoảng thời gian này hỗ trợ rất nhiều cho kinh tế gia đình. Rồi đến giai đoạn nó buồn cười lắm, người người đi đánh hàng, vợ mình túc tắc ngồi bán lẻ. Có lúc trong suốt 3 ngày, bà xã tôi dọn ra dọn vào không bán được hàng. Mình mới bảo thôi, không bán nữa.
“Tôi không phải là người lăng nhăng”
Ông theo con đường nghệ thuật, còn bà xã là cô giáo mầm non. Vợ chồng ông đã gặp nhau như thế nào?
Chúng tôi quen nhau khi tôi còn đang học trong trường nghệ thuật. Hai người chơi cùng nhóm bạn, có mấy cô bạn gái, cả anh Hồng Sơn (cố diễn viên Hồng Sơn - PV) nữa. Vợ mình rất thích xem mình diễn, tạm gọi là khán giả hâm mộ. Hâm mộ ở đây không phải là khi mình đã nổi tiếng mà mới là thằng sinh viên. Vợ mình là người hiền lành, thuộc người phụ nữ ngày xưa, không có mưu cầu gì cho bản thân cả.
Ông là một chàng trai Hà Nội hào hoa, lại làm trong môi trường nghệ thuật. Có lúc nào, vợ ông phải “giữ” chồng?
Tôi không phải là người lăng nhăng. Cũng có người mình có cảm tình nhất định, họ yêu quý mình không vì cái gì, mưu cầu gì, yêu quý là yêu quý thôi. Thấy họ quá nhiệt tình, vất vả vì mình, mình cũng rung động với tình cảm ấy. Nhưng khi có gia đình rồi, tình cảm ấy chưa đến ngưỡng để có thể mà tặc lưỡi, đánh đổi, hay hy sinh gia đình mình đang có.
Phụ nữ ai mà không ghen, nhưng cách ghen mỗi người mỗi khác. Có khi bạn ấy tức thì lì ra, hỏi không nói, nấu cơm đậy vào đấy xong rồi đi, không ăn, chứ không như người khác tung hê đi. Chỉ vậy thôi. Cuộc sống của vợ chồng tôi tương đối êm đềm.
NSND Hoàng Dũng trên sân khấu
Trong gia đình ông, ai là “người phán xử”?
Gần như tôi nói cái gì, vợ con đều cứ thế mà làm. Tôi không nói to cái gì cả, chỉ nói: “Thôi, cái này là phải thế”. Ở đây không phải là mệnh lệnh, uy quyền mà là sự thuyết phục về quyết định của mình. Mình cũng phải thấy hợp tình hợp lý, thì vợ con mới nghe theo.
Hai con trai của ông có theo nghề của bố?
Thằng lớn hồi xưa đóng nhiều lắm, từ chương trình Thư giãn, Văn nghệ chiều thứ 7... của Trung tâm sản xuất nghe nhìn, giờ là Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), rồi phim Chú dế nhỏ tội nghiệp, Bà và cháu... Hai bố con cùng làm chung phim Quà năm mới, Hồi sinh. Đến khi lên cấp 3, thằng bé kiên quyết không đóng phim nữa. Cháu học ngoại ngữ, giờ ở nhà kinh doanh. Cậu ấy lấy vợ rồi, mình vừa có cháu nội. Cứ vài ngày lại sang chơi với cháu.
Còn thằng em kém anh 11 tuổi, bảo đi làm phim thì giãy đành đạch, có biết phim là gì đâu. Đến năm lớp 11, cậu ấy bỗng nhiên lại thấy khoe diễn ở trường. Rồi bỗng một ngày đẹp trời, cậu ấy bảo “con đi làm diễn viên nhé”. Khi dựng vở, nhà hát diễn, tôi bảo con đến xem để tư duy con thế nào, cho con bộc lộ quan điểm, nhận xét, nhận thức thẩm mỹ ra sao, rồi mình nắn. Mình đưa cho con đường đi, chứ không phải để con minh họa, bắt chước. Khi con thi vào trong trường (Đại học Sân khấu - Điện ảnh), tôi không ngồi bất cứ hội đồng nghệ thuật nào, để nếu con làm được nghề thì làm, không thì làm nghề khác.
Đến giờ hẳn ông thấy hài lòng, một sự nghiệp thành công, một gia đình yên ấm. Đó là điều đáng mơ ước của nhiều nghệ sĩ?
Nhà mình có thế này thôi! Mọi người đến cứ sang chụp cả nhà ông anh, bà chị bên cạnh, lại bảo là mình có gia sản khổng lồ. Nhà mình chỉ rộng trăm mét, xây khoảng 60 m, còn lại tí sân, hành lang chung.
Mình xác định làm nghề, được vai diễn tốt, mọi người quan tâm, khen ngợi, mình vui, chứ không nghĩ là “sao”, phải tạo sự khác biệt này nọ. Tôi ra đường không nghĩ phải thế này thế khác. Tôi đơn giản lắm!
Xin cảm ơn ông!
NSND Hoàng Dũng sinh năm 1956, tại Hà Nội
Năm 1978: Công tác tại Đoàn kịch Hà Nội, nay là Nhà hát Kịch Hà Nội
Từ năm 2007 - 2017: Giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội
Năm 2007: Được phong tặng danh hiệu NSND
NSND Hoàng Dũng là Phó chủ tịch và thành viên của Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Hà Nội, thành viên Ban Chấp hành và Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. NSND Hoàng Dũng giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội). Nghệ sĩ cũng tham gia đào tạo diễn viên cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC), mà trước đó là Trung tâm sản xuất nghe nhìn. Nhiều học trò của NSND Hoàng Dũng là những gương mặt đang được chú ý trên sóng truyền hình như diễn viên Hồng Đăng, Việt Anh…
Trong sự nghiệp diễn xuất, NSND Hoàng Dũng ghi dấu với nhiều tác phẩm trên sân khấu kịch: Tôi và chúng ta, Cát bụi, Bình minh đó trái tim anh, Thầy khóa làng tôi, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Tình khúc ngàn năm, Bản danh sách điệp viên, Trái tim trong trắng… và các bộ phim truyền hình như Kẻ giết người, Vua ốc đảo, Tiếng cồng định mệnh, Cuồng phong, Thái sư Trần Thủ Độ, Đàn trời…
Đặc biệt, năm 2017, cùng với bộ phim Người phán xử, vai diễn “ông trùm” Phan Quân do NSND Hoàng Dũng đảm nhận đã tạo nên hiệu ứng mạnh trong công chúng. Khán giả thuộc nhiều lứa tuổi và nhiều thành phần đặc biệt yêu thích vai diễn Phan Quân. Thậm chí, có người còn xăm hình ảnh “ông trùm” Phan Quân trên người. Với vai diễn này, năm 2017, NSND Hoàng Dũng được vinh danh với giải Nam diễn viên ấn tượng tại lễ trao giải thưởng VTV Awards.
Đã rất lâu mới có một “ông trùm” được yêu mến đến thế
Nhân vật “ông trùm” Phan Quân được tạo dựng là nhân vật điển hình trong thế giới tội phạm, nhưng đó không phải là hình ảnh một ông trùm hầm hố, mà bên ngoài là một doanh nhân, có trí tuệ, sắc sảo. Bản thân NSND Hoàng Dũng đã đặt dấu ấn rất mạnh cho vai diễn của mình. Có lẽ rất lâu rồi, trong một bộ phim về thế giới tội phạm, nhân vật ông trùm lại nhận được sự yêu mến của khán giả đến thế. NSND Hoàng Dũng luôn được nhiều diễn viên trẻ yêu mến gọi là bố và có tình cảm rất gắn bó.
Tôi nhìn thấy ở anh sự nghiêm túc với nghề như nhiều nghệ sĩ thế hệ trước. Anh luôn đọc kỹ kịch bản, phân tích vai diễn, chứ không phải ra phim trường đạo diễn nói thế nào thì làm thế ấy. Đó là điểm khác biệt với thế hệ diễn viên sau này. Đối với anh Dũng, không có vai dài hay ngắn. Có những vai diễn quan trọng đối với bộ phim, nhưng không phải vai dài.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN)
Nhân cách của một nghệ sĩ lớn
Tôi luôn trân trọng và kính trọng anh trong diễn xuất và ứng xử. Tôi rất nể anh ở việc từng làm đến cương vị giám đốc của một nhà hát, một NSND, nhưng mỗi lần làm vở, khi mời tôi đi xem, anh luôn rất thích được nghe ý kiến, anh sẽ sửa ngay nếu thấy điều đó là đúng. Anh nghiêm túc, khiêm tốn và lắng nghe. Điều đó làm nên nhân cách của một nghệ sĩ lớn.
Với vai “ông trùm” Phan Quân, anh đã sáng tạo, tìm tòi một cách sâu sắc, khiến nhân vật vô cùng sống động, rất con người, tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn và nhất là khiến khán giả tin đó là con người có trong cuộc sống này.
NSND Lan Hương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.