Nơi xài tiền 'khủng', nơi bỏ dột nát

10/08/2016 06:18 GMT+7

Cùng ở tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi Văn Miếu xây mới hàng trăm tỉ đồng chưa biết thờ ai thì Di sản văn hóa quốc gia Đình Chu lại dột nát tiêu điều.

Từ trong đình nhìn thấy cả trời xanh
“Ngửa mặt lên có thể thấy những mảng thủng lớn của mái ngói đình Đình Chu. Từ trong đình nhìn lên thấy cả trời xanh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ. Không chỉ dột nát, ông Bình và nhóm Đình làng Việt còn tận mắt thấy những hàng cột mốc xanh, mái ngói xiêu vẹo dột nát của ngôi đình. Tính đến nay, đã 20 năm đình Đình Chu (xã Đình Chu, H.Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
“Hiện nay đình Đình Chu bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là bộ mái và vì nóc”, ông Trần Ngọc Đông, một nhà nghiên cứu tự do, cho biết. Theo ông Đông, ngói trên mái nhiều mảng đã xô sạt, tại vì nóc trái đã có mảng tụt ngói, mỗi khi có mưa toàn bộ lượng nước trên bờ nóc máng xối tràn xuống lòng đình. Nhiều xà dầm do ngấm nước lâu ngày đã mục mủn và dần rơi rụng gây nguy hiểm.
KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, đánh giá: “Phải cứu chứ cứ để mái thủng thế này, nước mưa vào hủy hoại nội thất luôn. Đình này gắn với thôn Đình Chu, sức mạnh của đình còn trong tinh thần dân làng nữa mà. Khi tiếp cận, tôi xót xa lắm, nếu có thể thì sao không cứu nó”.
Nơi xài tiền “khủng”, nơi bỏ dột nát
Nơi xài tiền “khủng”, nơi bỏ dột nát 2
Mái đình Đình Chu bị thủng, dột nát
Tuy nhiên, Bí thư xã Đình Chu, ông Nguyễn Duy Minh, cho biết đã từ năm 2013 việc cứu đình dường như giậm chân tại chỗ. Xã cũng đã có nhiều báo cáo về việc đình xuống cấp. Ngành văn hóa cũng cho người tới song chưa thấy có động thái gì về việc tu bổ hay tu bổ khẩn cấp. “Tháng này chúng tôi cũng đã làm lại đơn báo cáo rồi. Mà cũng đã có dự án từ năm 2013 của tỉnh nhưng tới nay cũng chưa rót được đồng nào”, ông Minh chia sẻ. Trên thực tế, cách đây 3 năm, tỉnh đã có Quyết định số 476/QĐ-CT ngày 18.2.2013 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Đình Chu với tổng mức kinh phí 18,433 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện trạng đình thì vẫn vậy, chưa được sửa chữa.
Đình bị lãng quên lạ lùng

Văn Miếu Vĩnh Phúc rất hoành tráng, được xây dựng mới hàng trăm tỉ đồng nhưng hiện tại chưa biết thờ ai. Hay đình Đình Chu đang dột nát như vậy, để tránh mùa mưa bão khắc nghiệt năm nay, bà con rước Thành hoàng vào Văn Miếu đó để thờ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình

Nhưng điều làm KTS Ngô Doãn Đức thấy bất ổn hơn là trong khi đình Đình Chu bị bỏ rơi tiêu điều một cách đáng thương như vậy thì xung quanh đình một loạt trụ sở của chính quyền được xây mới. “Ngay bên phải lối vào đình có hai hội trường được xây dựng. Tôi không biết là công suất dùng hai hội trường đó là bao nhiêu. Đình cũng gần hội đồng nhân dân. Bên trái, bên phải nó đều có những công trình mới được xây dựng trên khuôn viên rất lân cận với đình xưa. Rõ ràng cái đình bị lãng quên một cách lạ lùng”, ông Đức nói.
“Đình thì bỏ hoang như thế, mà lại đi xây nhà mới mà kiến trúc không cân giữa quá khứ và hiện tại. Qua đình Đình Chu thấy đáng tiếc”, ông Đức nói thêm.
Hiện tại, theo phân cấp quản lý, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về các di tích quốc gia trên địa bàn. Khi cần tu bổ, sau khi được sự đồng ý về giải pháp kỹ thuật của ngành văn hóa, địa phương sẽ sắp xếp ngân sách cho tu bổ.
Chính vì thế, ông Đức cũng liên tưởng tới một công trình khủng của Vĩnh Phúc mới đây. Đó là Văn Miếu, xây hàng trăm tỉ đồng. “Văn Miếu xây nguy nga như vậy. Thế mà cái đình thì ý nghĩa với người dân hằng ngày, bao đời rồi. Rõ ràng, cơ chế xây hội trường mới, công trình mới thì có tiền mà trùng tu đình di sản thì không có”, ông Đức phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ với vẻ châm biếm: “Văn Miếu Vĩnh Phúc rất hoành tráng, được xây dựng mới hàng trăm tỉ đồng nhưng hiện tại chưa biết thờ ai. Hay đình Đình Chu đang dột nát như vậy, để tránh mùa mưa bão khắc nghiệt năm nay, bà con rước Thành hoàng vào Văn Miếu đó để thờ”.
Đình làng Đình Chu thờ 18 đời vua Hùng, với tòa Đại Đình và 2 Hậu cung. Tòa Đại Đình này dàn ngang bề thế, với bộ mái xòe rộng. Đường bờ nóc tòa Đại Đình đều được gắn linh vật với tạo hình sinh động. Trong khi đó, tòa Hậu cung thông thoáng ánh sáng tự nhiên. Mái có bố cục hình tượng mặt trời. Trong đình, nhiều mảng chạm khắc gỗ từ thế kỷ 19. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: một cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, sắc phong vào năm Gia Long nhị niên (1803), các sắc phong triều Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.