Nơi thuê rạp diễn, nơi thì bỏ không

Tố Tâm
Tố Tâm
18/07/2018 08:44 GMT+7

Trong khi Nhà hát Cải lương VN bao nhiêu năm nay không có một rạp hát riêng để diễn dù vẫn ra mắt các vở mới, thì ngược lại, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, rạp lại 'đóng băng' từ sau tết đến nay.

Mấy chục năm mong mỏi một rạp hát
Nhà hát Cải lương VN tiền thân là Liên đoàn Ca kịch Kháng chiến, tính từ khi thành lập vào năm 1951 ở Thanh Hóa, đến nay đã 67 năm. Sau năm 1975, nhà hát có 2 đơn vị là đoàn Bắc gồm các nghệ sĩ miền Bắc và đoàn Nam bộ gồm các nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau đó đoàn Nam bộ trở về miền Nam, thành lập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đoàn Bắc thành Nhà hát Cải lương Trung ương, sau này đổi tên là Nhà hát Cải lương VN, trực thuộc Bộ VH-TT-DL.
Sau năm 1975, khi các đơn vị dần ổn định, các nhà hát thuộc trung ương ở nhiều lĩnh vực như tuồng, chèo, kịch, rối... đã lần lượt được giao rạp, chỉ còn Nhà hát Cải lương VN đến giờ vẫn chưa có rạp riêng, chỉ có một cơ quan dùng để làm việc và sân khấu tập.
NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN, cho biết: “Trước đây chúng tôi cũng từng nghe nói khoảng những năm 1990 - 2000 đã có quyết định của Bộ cấp cho mảnh đất ở phía hồ Ba Mẫu, và có một bản thiết kế nhà hát đàng hoàng, rất đẹp rồi nhưng không hiểu tại sao kế hoạch này trôi đi không thực hiện được. Gần đây nhất cũng có thông tin bộ cấp cho mảnh đất để xây rạp ở khu Lĩnh Nam, rìa ngoài cùng của Hà Nội, nhưng rồi cũng thấy trôi đi...”.
Hiện nay, mỗi năm Nhà hát Cải lương VN vẫn ra mắt đều đặn vở mới, gần đây có những vở gây sự chú ý với sự đầu tư lớn về trang thiết bị âm thanh, thiết kế sân khấu, quy tụ lực lượng lớn diễn viên, như Mai Hắc Đế, Chuyện tình Khau Vai, Vua Phật, Hừng Đông... Mới đây nhất, Đoàn 2 của nhà hát vừa ra mắt vở Chiếc áo thiên nga, còn Đoàn 1 cũng đang tập dượt vở Người đi tìm minh chủ, sẽ ra mắt vào cuối tháng này. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, nhà hát có một lượng khán giả riêng nên các vở khi ra mắt đều đông kín rạp. Và để có nơi diễn, nhà hát vẫn phải đi thuê, rẻ cũng từ 20 - 30 triệu đồng/đêm, còn muốn rạp tốt và lớn hơn thì 40 - 50 triệu đồng/đêm.
“Khao khát mấy chục năm nay của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN là có một rạp hát, chưa dám mơ tưởng một nhà hát hiện đại, chỉ mong muốn một rạp đàng hoàng thôi, để khán giả thấy đây là một nơi hoạt động văn hóa văn minh, xứng đáng đón khán giả đến thưởng thức nghệ thuật. Khi có rạp thì nhà hát mới có thể nghĩ đến chuyện xã hội hóa, sáng tác những tác phẩm hướng đến khán giả, phù hợp với thị trường nghệ thuật, đúng thị hiếu người xem, chứ với tình hình như hiện nay thì không đủ điều kiện. Chúng tôi vẫn tin là nghệ thuật cải lương, bằng những sáng tạo đúng hướng, hoàn toàn đủ năng lực chinh phục khán giả hiện nay”, ông Kiên tâm tư.
Chờ kinh phí mới có thể sáng đèn
Ngược lại, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM) có sẵn một cơ ngơi khang trang, nằm ở vị trí trung tâm, nhưng từ sau tết âm lịch đến nay vẫn chưa có một suất diễn nào của 3 đoàn thuộc nhà hát. Rạp hát ở đây chỉ hoạt động khi có các đơn vị bên ngoài thuê sân khấu.
Ông Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cũng là Trưởng đoàn 3 của nhà hát, cho biết: “Các đoàn của nhà hát hiện đang tập trung tập luyện các vở để tham gia Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc vào tháng 9. Còn hoạt động biểu diễn định kỳ thì phải chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Sở. Trước đây nhà hát vận động doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí nhưng hiện nay đã hết nên đang xin chủ trương Sở hỗ trợ”.
Ba đoàn cải lương trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang có lực lượng diễn viên khá hùng hậu, tên tuổi như NSƯT Lê Tứ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, Điền Trung, Lê Thanh Thảo... Các nghệ sĩ này thường xuyên xuất hiện trong những vở cải lương của các đơn vị khác tổ chức gần đây như Thái hậu Dương Vân Nga, Đường gươm Nguyên Bá, Song hùng kỳ hiệp... trong khi lại vắng bóng ngay tại “sân nhà” vì các đoàn chưa có suất diễn.
Nghệ sĩ Điền Trung, Phó đoàn 1, nói: “Các đoàn bên ngoài hay sân khấu khác chỉ cần tăng cường vài diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang thôi là đã... làm nên chuyện rồi, trong khi mình đang sở hữu một lực lượng “khủng” nên cũng mong muốn sắp tới có thể gom anh em lại, dựng một vở gây tiếng vang cho nhà hát...”.
Sân khấu tư nhân vẫn rôm rả
Nửa đầu năm nay, hoạt động của các sân khấu cải lương xã hội hóa khá rôm rả với nhiều vở diễn thường xuyên ra mắt như Loạn chiến Phụng Hoàng cung, Ngai vàng và tội ác, Thất tiên nữ... diễn ở Sân khấu Lê Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Sân khấu Lê Hoàng là địa chỉ quen thuộc của khán giả yêu mến cải lương vì nơi đây vẫn thường xuyên tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, sân khấu này lại có hạn chế là nhỏ và cũ, vì thế để có thể phục vụ đông khán giả hơn, sân khấu này phải thuê các rạp khác có quy mô lớn hơn Nhà hát Bến Thành để diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, Nhà hát Trần Hữu Trang để diễn vở Dương Gia tướng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.