Nỗi lòng bên dòng sông tuyến

20/07/2014 09:00 GMT+7

Vĩnh Linh - Quảng Trị với con sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương là một vài trong muôn vàn cái tên như vậy.


Cầu Hiền Lương khi đất nước bị tạm thời chia cắt - Ảnh: Tư liệu 


Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (cầm đàn) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: Tư liệu 

Nỗi nhớ chia đôi

Dòng sông nho nhỏ hiền lành xứ miền Trung nắng cháy ấy sau khi Hiệp định Genève được đại diện các phe hòa đàm hạ bút ký đã trở thành giới tuyến chia hai miền Nam, Bắc. Nhớ câu thơ xót lòng của nhà thơ Thanh Hải: Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây. Nỗi đau xót, khắc khoải, thủy chung tình nghĩa ấy cũng từng âm ỉ nồng đượm trong nhiều ca khúc ra đời vào buổi đầu đất nước phân hai này, như Câu hò trên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp - Đằng Giao), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Nhớ đàn xe nước (Vân Đông)…

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 - 2013) tên thật là Lưu Trần Nghiệp, quê xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang. Điều thú vị là tôi khá rành rẽ vùng này bởi xã quê vợ tôi cũng cùng H.Chợ Mới, chỉ cách Mỹ Hiệp quê ông một con kinh nhỏ. Mỗi lần về đó tôi đều được nghe những chuyện bộc lộ niềm tự hào của người dân Chợ Mới về những nhân vật nổi tiếng đã sinh ra từ đây, trong đó nhiều nhất ở lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Hoàng Hiệp tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó tập kết ra Bắc. Ông nổi danh ngay từ sáng tác đầu tiên, ca khúc Câu hò trên bến Hiền Lương, viết chung với nhạc sĩ Đằng Giao. Điều lạ là sau này hình như người ta chỉ nhắc đến Hoàng Hiệp mà ít khi nêu tên vị nhạc sĩ soạn lời cùng ông. Tôi có nghe anh tôi, nhạc sĩ Lê Khiêm cùng tập kết chuyến tàu với ông, kể chính Hoàng Hiệp có lần phải lên tiếng đề nghị đừng để ông đứng tên một mình, như thế không phải đạo. Và điều lạ nữa, cái tên ban đầu của bài hát Câu hò trên bến Hiền Lương do hai ông đặt đã bị người ta, chả biết từ bao giờ, rất tùy tiện, đổi thành Câu hò bên bến Hiền Lương hoặc Câu hò bên bờ Hiền Lương. Thôi thì, trên hay bên, bến hay bờ, hai ông cũng đành chấp nhận.

Cây đại thụ âm nhạc kháng chiến và cách mạng

Hoàng Hiệp là một trong số ít nhạc sĩ sáng tác cực khỏe thời chống Mỹ cũng như hòa bình sau này. Nếu gọi ông là lực sĩ nhạc hoặc cây đại thụ âm nhạc kháng chiến và cách mạng cũng không có gì quá đáng. Ông là tay phổ nhạc số 1, khó ai bì kịp. Nhiều bài thơ nhờ nhạc Hoàng Hiệp mà có sức sống, lan tỏa, lâu bền. Dù thuộc dòng nhạc chính thống cách mạng nhưng bài hát của ông không lên gân gào thét mà trái lại rất trữ tình, sâu lắng. Có thể kể ra đây những tác phẩm tiêu biểu như: Câu hò trên bến Hiền Lương, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Nhớ về Hà Nội, Viếng lăng Bác, Khúc thơ tình người lính biển, Trở về dòng sông tuổi thơ, Mùa chim én bay, Lá đỏ, Đất quê ta mênh mông, Cô gái vót chông, Con đường có lá me bay... Một gia tài thật đồ sộ, quý giá. Tôi chợt nghĩ sao TP.Long Xuyên quê ông không phá cách đặt ngay một con đường nào đó mang tên ông như sự trân trọng, ghi nhận người con tài hoa của mảnh đất này.

Câu hò trên bến Hiền Lương ra đời năm 1956 chứa nỗi nhớ khắc khoải, niềm mến thương, sự ngóng trông hoài vọng, khát khao thống nhất của những đứa con miền Nam trên đất Bắc. Mới hôm nào tập kết ra vàm sông Ông Đốc (Cà Mau) còn vẳng lời dặn dò nhắn nhủ của người thân mong mau chóng trở về, nay nhìn con nước Bến Hải ngày lại ngày xuôi mãi ra biển mà cồn cào thắt ruột: “Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về, Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê… Xa xa một đàn chim, sổ mây dang cánh lưng trời, Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi tới phương xa vời…”. Có trong cái cảnh ngày Bắc đêm Nam mới thấu cho nỗi niềm đang nén chặt ấy. Cách sông cách núi nhưng lòng chẳng hề xa, vẫn thủy chung son sắt đợi chờ, với miền Nam, với quê hương và người yêu dấu: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng, Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền, Nhắn ai xin nhớ câu nguyền, Qua cơn bão tố vững bền lòng son”.

Thể hiện Câu hò trên bến Hiền Lương được nhiều người ưa thích nhất là hai nữ ca sĩ nổi tiếng: Tân Nhân, Thanh Huyền. Giọng Thanh Huyền trong vắt, còn Tân Nhân ngọt ngào sâu lắng. Có lẽ Tân Nhân (người hát Xa khơi hay nhất) đã chuyển tải được gần như tuyệt đối nỗi lòng mà các tác giả gửi gắm trong từng lời, từng giai điệu, bởi cũng là người trong cuộc ngày Bắc đêm Nam. Và tôi cứ nghĩ hay Hoàng Hiệp - Đằng Giao viết Câu hò trên bến Hiền Lương chính từ những tiếng lòng giằng xé, tha thiết yêu thương sâu thẳm trong tâm hồn người ca sĩ ấy. 

Nguyễn Thông

>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 1: Trung Quốc ngỏ lời 'đi đêm' với Pháp
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 2: Lịch sử thế giới đứng lại 2 giờ 45 phút
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 3: Gặp người còn sống cuối cùng của phái đoàn tham dự hội nghị Genève
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 4: Dòng sông lịch sử
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 5: Cuộc chia ly trong những cuộc chia ly
>> 60 năm Hiệp định Genève (1954 - 2014) - Kỳ 6: Em không sợ chia ly là vĩnh biệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.