Nợ khói lam chiều

18/07/2020 06:17 GMT+7

Trời chiều chạng vạng. Chạy xe từ ghềnh Đá Đĩa trở về thành phố. Giữa mùa gặt rơm thơm khát. Khói lam chiều phảng phất trên cánh đồng. Bất giác, tôi thốt lên: Sao giống khói quê mình và con đường về nhà đến vậy.

Những ký ức tuổi thơ của hơn 10 năm xa quê cứ theo những vạt khói chiều ấy ùa về. Đan xen trong cảm giác nhung nhớ là niềm hân hoan. Bao năm bôn ba, lần đầu tiên tôi có cảm giác lạ đến vậy. Ừ, thì người ta vẫn gọi Phú Yên là miền đất “hoa vàng, cỏ xanh” sau hiệu ứng bộ phim của đạo diễn Victor Vũ. Tôi chưa dám gọi Phú Yên là quê mình. Nhưng, có gì đó thân quen. Cảm giác đó thôi thúc tôi trở về. Trở về để thấy lòng bình yên đến lạ.
Cô bạn quê Phú Yên với nước da nâu đặc trưng và giọng nói mà ban đầu gặp tôi luôn phải đề nghị nói thật chậm mới nghe rõ, luôn miệng bảo, tôi là khách phương xa mà giống như chủ nhà. Lần đầu tiên đặt chân đến “xứ nẫu” cách đây hơn 6 năm, theo đúng tinh thần “xách ba lô lên và đi”. Xe khách dừng ở quốc lộ 1. Theo địa chỉ của cô bạn, tôi bắt xe ôm về tận nhà. Tôi không thấy hồi hộp, cũng chẳng lạ nhà dù lần đầu gặp gỡ với những người mình chưa quen. Thế nhưng, tôi cảm giác họ coi mình như người nhà, đối đãi bằng cái tình chân chất, nồng ấm. Đêm đầu tiên, tôi ngủ một giấc đến tận sáng đến khi được cô bạn lay dậy. Hóa ra, vì sợ tôi cô đơn nên ngay trong đêm cô vội lên xe khách kịp về làm “tour guide” địa phương.
Với bất kỳ ai khi đặt chân đến một vùng đất mới, luôn có cảm giác hân hoan, háo hức. Huống hồ tôi là dân mê xê dịch. Huống hồ, trước khi đến Phú Yên cô bạn đã trót “bỏ bùa” tôi bằng bao nhiêu thứ sản vật. Nào là các loại hải sản tươi rói được chị hai mỗi sáng sớm ra tận ghe của ngư dân lựa thật kỹ, về sơ chế, cấp đông rồi gửi xe vào tận Sài Gòn mà lần nào tôi cũng được chia phần. Ấy là không thể không kể đến món xôi vị, nhìn màu sắc thôi đã muốn ăn hết cả gánh hàng. Rồi còn bánh hồng, chè mít đác, bánh tráng phơi sương… Những thứ đặc sản đó, lần nào cô bạn về quê cũng không quên lời dặn của tôi: Đừng đem sót thứ gì.
Vậy nên, lần đầu tiên ấy, tôi quyết ăn bằng hết đặc sản Phú Yên: Bánh bèo, bánh hỏi chân tháp Nhạn, nem nướng Ninh Hòa, mắt cá ngừ đại dương, bánh canh chả cá, cơm gà Tuyết Nhung… rồi còn cơ man biết bao món ngon, mà khi ngồi lại viết những dòng này, tôi ngỡ mình đang lạc vào từng quán hàng.
Cũng lạ lắm. Tôi nhớ mùi mặn mòi của biển Phú Yên hơn hết thảy những nơi từng đặt chân đến. Dù tấp nập như bãi tắm ở thành phố Tuy Hòa hay tịnh không bóng người khi thả mình ở bãi Môn - mũi Đại Lãnh, hay những vùng biển vắng nằm lẩn khuất giữa những xóm chài vì đi lạc đường mà vô tình khám phá. Tôi nhớ buổi chiều nghe tiếng dừa reo quyện với sóng biển ở bãi Long Thủy. Chiếc xe bò kéo thong dong. Tôi buông mình trên bãi cát ngắm bầu trời xanh, lơ lửng vài đám mây trắng. Đám trẻ nhỏ nô đùa trên bãi chạy đến với ánh mắt tò mò. Chúng kéo tôi xuống nô đùa dưới nước. Rồi, chúng tạo đủ dáng cho tôi chụp hình và chụp hình cùng tôi. Chúng nói bằng giọng địa phương mà tôi phải cố để nghe được hết: Chụp hình rồi, chú nhớ gửi tặng tui con. Trên bàn làm việc của tôi giờ vẫn còn tấm hình chụp cùng đám nhỏ với hình ảnh chiếc xe bò kéo phía sau cùng những con sóng vỗ bờ. Bất giác, tôi thấy mình có lỗi. Trẻ con, có thể dễ nhớ, dễ quên nhưng lời hứa năm nào tôi vẫn còn dang dở. Có lẽ vậy Phú Yên trong tôi, có gì đó luôn canh cánh.
Suốt mấy năm sau đó, như một thói quen năm nào tôi cũng trở về Phú Yên ít nhất một lần. Bằng đúng số lần tôi về quê thăm nhà. Tôi luôn thích cảm giác dù là buổi sớm mai, hay trưa nắng gắt chạy trên con đường xuyên qua rừng thông, băng qua những cánh đồng để đến với ghềnh Đá Đĩa. Tôi thích chọn đi vào mùa gặt. Rơm vàng óng trên cánh đồng và đường làng. Những đứa trẻ da đen nhẻm nhưng mắt đen láy và sáng rỡ chân trần đi lúa phơi trước sân nhà. Tôi nhớ mãi cái buổi chiều muộn vì mải chơi và chụp hình, trở về khi trời đã chạng vạng. Mặt trời khuất sau rặng núi. Những chú trâu thủng thẳng về nhà. Vài vệt khói lam từ những cánh đồng. Khói chiều bảng lảng trên vài nếp nhà ẩn hiện trên núi. Đúng mùi khói quê hương mình. Đúng mùi rơm rạ. Tôi hồ như còn ngửi thấy cả mùi cơm chiều. Cô bạn đồng hành trong chuyến đi cứ gặng hỏi tôi mãi, mùi ấy như thế nào. Tôi nói, đó là mùi của ký ức. Mùi của tuổi thơ.
Hai năm rồi tôi chưa trở lại Phú Yên. Vệt khói lam chiều và lời hứa về những bức ảnh kia vẫn cứ lẩn khuất trong đầu. Tôi đã nợ Phú Yên một ân tình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.