Những sợi chỉ màu - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

10/06/2016 20:00 GMT+7

Hồi anh và cô, mỗi người như một sợi chỉ, đời có công khâu vá họ vào nhau. Nhưng bất công là, sao đời lại còn rảnh rỗi dệt thêm một sợi chỉ màu mè sặc sỡ khác nữa, làm cô thấy mình như một sợi chỉ thừa...

Di ngồi co ro bên bậu cửa. Mưa đầu mùa lúc nặng lúc thưa, cứ thập thò bỡn cợt dân phố đang ngóng mưa như ngóng mẹ. Đứa con gái nhỏ ngủ ngoan trên võng, thi thoảng lại cười khúc khích, chắc là đang có những giấc mơ hồn nhiên. Khuôn mặt sáng lên thứ ánh sáng kỳ diệu mà Di không diễn tả được. Mỗi khi chạm mắt vào khuôn miệng cười khoe lúm đồng tiền của con, Di chỉ muốn khóc. Đã bao lần cô tự xỉ vả mình. Mày ác lắm Di. Con có tội tình gì? Ừ, con có tội tình gì mà cô lại đang tâm không muốn cho con bước vào cuộc đời này. Khi con bé còn trong bụng mẹ, chị Hai nó đã yêu quý nó như thể đã thấy mặt em mình từ đời nào rồi.
Còn anh, có vẻ anh không hào hứng lắm với việc chờ đợi này.
- Rồi con sẽ được gặp em thôi, không khéo lúc đó lại ganh tị với em nữa nhé!
Các chị cùng công ty bảo, nếu đợt này sinh bé trai thì các chị sẽ nhường đồ cũ của con trai lại cho cô, đỡ tốn một khoản tiền. Cô chỉ mỉm cười, nhưng trong lòng lại mong được tốn khối tiền cho việc đó. Anh cũng bảo, nếu là con gái thì cũng tốt, có thể xài lại các thứ của bé lớn. Thời buổi khó khăn, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó.
Cô lặng lẽ nằm bên con, lặng lẽ đón nhận từng cử chỉ ân cần của chồng và cảm nhận rõ rệt niềm sung sướng khi có em của con bé lớn.
- Anh đã nói bao nhiêu lần rồi. Đó là con của chúng ta. Sao em lại khóc chứ?
Cô cũng không biết nước mắt ở đâu ra nhiều đến thế. Cuộc đời người phụ nữ ngay từ lúc lọt lòng đã mang bao nhiêu nỗi khổ. Cô không muốn con mình phải khổ, nếu nó là con trai, mọi thứ sẽ khác.
Ông bà nội ngoài quê dắt díu nhau vào thăm cháu, lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ. Bà đon đả đến tận đầu giường cháu nội, cái mệt dường như không lấn át nỗi niềm vui có thêm cháu. Khi ấy, cô còn thấy rõ mắt bà hấp háy cười:
- Cháu của bà đây rồi! Bà vượt nghìn dặm xa mang quần áo mới cho cháu của bà đây. Để bà mặc cho cháu lấy hên nhé!
Rồi đôi tay gầy guộc của bà bỗng nhiên khựng lại khi lớp áo của con tuột ra hẳn. Bà khẽ nhíu mày, giọng bà đục hẳn:
- Chết thật! Khéo áo quần bà mua lại không hợp với cháu.
Anh nhanh nhảu nói đỡ cho bà:
- Không sao mẹ ạ. Con nít thì đứa nào cũng như nhau thôi, mặc đồ nào cũng vậy thôi mẹ ạ!
Bà cập rập cắp giỏ rời khỏi bệnh viện ngay sau khi tiễn mẹ con cô lên xe về nhà:
- Các con về nhé, nhớ chăm cháu bà cẩn thận. Khi nào bán hết gà, vịt, rảnh tay rảnh chân ông bà lại vào thăm các cháu.
Cô nhìn cảnh mẹ ruột chống chọi với chứng đau khớp để chăm sóc con gái và cháu ngoại mà không khỏi chạnh lòng. Cháu bà nội, tội bà ngoại. Hình như bà nội sắp nhỏ quên rằng cháu nội cần tình thương của bà biết bao nhiêu. Lũ gà qué ngoài quê vừa nứt vỏ đã có thể chạy nhảy quanh nhà. Nếu muốn thì bà có thể phá bầy, bán sớm cũng được. Nhưng bà đã không muốn vậy. Đó chỉ là cái cớ để bà quên đi niềm hy vọng vừa tàn lụi.
***
Cô cũng cần quên đi mọi thứ. Nhưng sự xuất hiện của cô gái ấy đã khuấy những nỗi đau tưởng chừng sắp lắng đọng lại thành cục. Những cục máu đông ngưng tụ trong mạch máu, chỉ chực chờ bóp chết cô bằng những cơn co nhẹ, như một người khỏe mạnh đột nhiên xuất huyết não. Cô cũng đã nhiều lần nói anh nghe về suy nghĩ của mình. Cô chỉ ước khi nào đời bắt cô phải rời xa cha con anh thì hãy cho cô đi một cách thật nhẹ nhàng, bằng một cơn đột quỵ chẳng hạn, hoặc bằng một giấc ngủ an yên ngàn đời. Anh mắng cô rằng đừng bao giờ lặp lại ý nghĩ khùng điên ấy. “Em nghĩ rằng đời thiếu em thì cha con anh có thể sống được sao?”.
Anh vẫn sống được chứ, thậm chí sống rất khỏe. Vì đã từ lâu rồi, mẹ con cô cũng đâu còn hiện diện bên anh nữa mà anh vẫn bình yên vô sự, thậm chí đời anh có phần thêm thi vị hơn đó thôi.
Khi bé nhỏ vừa bập bẹ gọi tiếng “ba, ba” thì cũng là lúc anh bận trăm công nghìn việc. Di không trách anh được. Con bé yếu ớt cần bàn tay mẹ chăm sóc, cô đã phải nghỉ việc để ở nhà chăm con, mọi chi phí đổ dồn lên vai anh. Mẹ anh lại muốn anh về quê dăm ba bận, sức khỏe bà có vấn đề. Dăm bữa nửa tháng anh lại bắt tàu về với mẹ. Khi Di hỏi bệnh tình của bà, anh chỉ bảo:
- Bệnh già ấy mà, người già hay cả nghĩ, lại sợ cô đơn, nên mẹ muốn anh về thường xuyên. Mẹ như lá trên cành, thôi cứ ráng chiều mẹ, em ạ!
Mỗi lần anh đi, cô không quên dúi vào hành lý những món ngon cho bà. Dù biết sau đó, bà sẽ gọi điện quở trách sao không biết tiết kiệm tiền mua sữa cho cháu bà, cứ phung phí vào những thứ quà cáp ấy làm gì. Nhưng Di vẫn lặng lẽ làm. Đàn bà với nhau, cô hiểu rõ trong lòng mẹ chồng đang nghĩ gì. Cả bà và cô, đều mang trong mình những tâm trạng ngổn ngang không gỡ được.
Rồi cô ấy xuất hiện, trong một ngày nắng nóng tột độ, mặt đường bốc khói và mặt người sạm đi trong âu lo. Di cũng tưởng mình đã bốc hơi ngay trước mặt cô gái ấy, khi cô vội vàng uống cạn ly nước và thở hổn hển thú nhận với Di.
- Bà cụ không bệnh hoạn chi hết chị ạ. Nhưng em sợ lắm! Em sợ cho mình, cho bà và cho cả đứa bé này...
Mái tóc dày bết dính mồ hôi vẫn không sao che lấp đi vẻ thanh tú của gương mặt gái quê đầy phúc hậu. Di lập tức bị vẻ ngoài ngời sáng của cô ta hút lấy, không cưỡng được. Di cũng cay đắng nhận ra rằng, khi chồng mình đối diện với cô ấy, thì hình ảnh Di đã lu mờ mất rồi.
Sáng nay, anh lại quày quả xếp va li về quê. Di không buồn hỏi han điều gì. Cô đưa chồng túi quần áo cũ của con bé.
- Anh mang về ngoài ấy. Đồ của con mình vẫn còn dùng được, khỏi phải mua sắm gì cho tốn kém. Cho em gửi lời chúc mừng Thuyên.
Anh đứng sững giữa nhà, tay không xách nổi va li. Bức bình phong to lớn bấy lâu nay anh và mẹ anh dựng lên che mắt cô đã bị đạp đổ. Thuyên đã thú nhận với cô tất cả. Với một cô gái thất học và dễ tin như Thuyên, bà dễ dàng đưa Thuyên vào mọi việc đã rồi. Khi biết anh đã có vợ con, Thuyên gần như chết điếng. Và khi cái thai lớn dần lên, biết là con gái, niềm hy vọng của bà lại một lần nữa tan vỡ. Cái hôm gặp Di, Thuyên đã quỳ sụp xuống xin Di tha lỗi.
- Lúc này, em chỉ muốn chết thôi, chị ơi...
Di cũng muốn chết lắm, chết trước khi kịp nhìn khuôn mặt phản bội của người chồng mình hết dạ yêu thương. Với đàn ông, đàn bà cẩn thận bao nhiêu vẫn không bao giờ thừa. Vậy mà Di đã bị thứ tình yêu đầy màu sắc của chồng phủ lên khiến cô hoa mắt. Bao nhiêu lấn cấn trong lòng, chỉ cần chồng thốt vài câu an ủi, dỗ dành là tiêu tan hết. Di chẳng trách ai được ngoài trách mình ngu muội. Phải, cô là thứ đàn bà ngu muội mới tin chồng sái cổ. Tin đến nỗi mất luôn chồng. Đau không?
- Em đau lắm chị! Nhưng em biết, chị đau hơn em gấp trăm nghìn lần. Tại sao số phận lại nỡ trêu đùa chúng ta như thế? Giờ, chị muốn làm gì em thì cứ làm, như vậy em mới nhẹ lòng...
Thuyên sinh đứa con đầu lòng. Dĩ nhiên không có ba nó bên cạnh. Thuyên gọi cho Di trong tiếng mưa rơi lắc rắc trên mái tôn bệnh viện nghèo nàn. Di biết, bà nội đứa nhỏ lại giở bài ca cũ về lũ gà qué trong vườn.
- Chị ạ, em vẫn không hiểu sao chị lại không ghét bỏ em như lẽ thường tình? Chắc số em đã tu được mấy kiếp, nên kiếp này mới gặp người như chị.
Di lặng lẽ lau dòng nước vừa chảy tràn trên má.
- Thôi, mẹ tròn con vuông như vậy là mừng rồi. Cầu mong mẹ con cô sẽ gặp nhiều phước lành. Chúng ta đều là đàn bà cả mà...
Di vội vàng cúp máy, trên tay vẫn còn đan dở chiếc áo len nhiều màu sặc sỡ cho con gái Thuyên. Đứa con gái sau này cũng sẽ gọi Di bằng mẹ.
Mẹ Hai à!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.