Những phim kinh dị ấn tượng năm 2016

04/01/2017 09:09 GMT+7

So với các năm trước, 2016 là năm thành công về dòng phim kinh dị, hầu hết những phim này đều đa dạng không chỉ về đề tài, cách khai thác chủ đề mà còn về kỹ thuật làm phim, cách kể chuyện…

Giữa một năm thắng lợi giòn giã của dòng phim siêu anh hùng và hoạt hình live-action, thể loại phim kinh dị vẫn có một chỗ đứng vững chắc cho mình với nhiều tác phẩm hay, độc đáo về mặt nội dung.
Khởi đầu không có nhiều điểm nhấn như những tác phẩm ít được đánh giá cao như The Boy (ra mắt tháng 1.2016), The Other Side of the Door (ra mắt tháng 2.2016), Intruders (ra mắt tháng 3.2016)… nhưng từ giữa năm trở đi, điện ảnh có những tác phẩm xuất sắc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và mỗi phim mang đậm một dấu ấn riêng biệt của quốc gia đó. 
Bloody Disgusting, một web chuyên về phim kinh dị nhận xét Under the Shadow là “một tiếng nói mới trong dòng phim kinh dị”
Phim The Boy (trước đây còn được biết đến với tên khác là The Inhabitant, tựa tiếng Việt là Cậu bé ma) là một trường hợp khá hiếm hoi không thành công về mặt nội dung nhưng lại thành công về mặt thương mại. Bộ phim được phối hợp sản xuất giữa ba quốc gia là Anh, Mỹ và Trung Quốc, được quay tại Canada. Phim kể về một cô gái trẻ tên là Greta (do nữ diễn viên Lauren Cohan thủ vai) đến làm người phụ giúp cho một ngôi biệt thự nằm heo hút ở một cánh rừng nước Anh, nhưng nhiệm vụ chính của cô là phải trông một đứa bé trai vốn là một con búp bê. Ban đầu Greta nghĩ rằng mình sẽ đảm nhận tốt vai trò của một người không chỉ là phụ việc mà còn là một bảo mẫu trông trẻ, nhưng sau ngày đầu tiên đến nhận việc, cô bắt đầu phát hiện ra những thứ rùng rợn ẩn bên trong ngôi nhà, và từ con búp bê… Kinh phí mà phim bỏ ra là 10 triệu USD nhưng doanh thu mà phim nhận về là ngoài sức mong đợi, lên đến 64,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, những phim hay, có chất lượng và thành công về mặt thương mại thì trải đều từ các tháng đầu năm cho đến cuối năm như 10 Cloverfield Lane (ra mắt ngày 11.3), Baskin (ra mắt ngày 25.3), The Witch (ra mắt ngày 1.4), The Invitation (ra mắt ngày 8.4), The Shallows (ra mắt ngày 27.9)… Nhìn chung, dòng phim kinh dị năm 2016 vô cùng đa dạng về chủ đề cũng như phong cách thể hiện. Bên cạnh đó, có nhiều phim kinh dị có kỹ thuật làm phim vô cùng xuất sắc. Hầu hết các phim hay năm nay đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và mỗi phim mang đậm một dấu ấn riêng biệt của quốc gia đó.
Phim 10 Cloverfield Lane đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của nam diễn viên gạo cội John Goodman
Điền hình là Under the Shadow (tựa tiếng Việt: Bóng ma trong gió), một phim hiếm hoi của dòng phim kinh dị năm vừa qua không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao về mặt nội dung. Trên chuyên trang điện ảnh uy tín Rotten Tomatoes, phim được 100% các nhà phê bình chấm với số điểm thuyết phục là 8,2/10, một số điểm đáng mơ ước đối với một phim kinh dị.
Under the Shadow lấy bối cảnh chiến tranh Tehran vào thập niên 80 của thế kỷ trước, kể về cuộc sống của hai mẹ con Shideh (do nữ diễn viên Narges Rashidi thủ vai, cô từng chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên mới đột phá tại Liên hoan phim quốc tế New York) và Dorsa (do nữ diễn viên nhí Avin Manshadi thủ vai) khi người chồng đi công tác xa. Một ngày nọ, một quả bom dội trúng ngay nóc nhà của hai mẹ con nhưng không phát nổ, hậu quả là một người hàng xóm đã chết. Song song với diễn biến ngày càng cam go của cuộc chiến, người dân trong khu phố lần lượt bỏ đi, chỉ còn hai mẹ con Shideh trụ lại. Không may một điều rằng cuộc sống của hai mẹ con bị đe dọa bởi một thế lực hắc ám mang tên Djinn, và câu chuyện cứ thế diễn ra trong sự kinh hoàng tột độ của bà mẹ trẻ cùng đứa con gái đáng thương.
Được đánh giá là một phim kinh dị xuất sắc nhất trong năm 2016, Under the Shadow hội đủ các yếu tố để làm nên một bộ phim hấp dẫn: cách kể chuyện độc đáo, dẫn dắt người xem vào sâu trong nỗi sợ hãi mà không cần đến những “chiêu trò” hù dọa đến thót tim như Insidious, The Conjuring… vẫn thường hay sử dụng. Thứ hai là phim sử dụng yếu tố dân gian để làm huyền bí hóa câu chuyện, tăng thêm tính tâm linh, gây cho khán giả một sự tò mò nhất định về yếu tố dân gian vùng Trung Đông. Khi nhắc đến vùng đất Tehran, người ta vẫn thường nghĩ đến chiến tranh, khủng bố, giết chóc, nhưng Under the Shadow lại khai thác ngay yếu tố kinh dị trong những thứ mọi người vẫn thường hay mặc định như thế, đó là sự khắc nghiệt của vùng đất này khiến cho câu chuyện trở nên sáng tạo.
10 Cloverfield Lane có sự tham gia của "nữ hoàng phim kinh dị" sinh năm 1984 Mary Elizabeth Winstead
Một tiếng nói thứ hai trong dòng phim kinh dị năm vừa qua không thể không kể đến đó là 10 Cloverfield Lane (được biết đến với tựa tiếng Việt là Căn hầm). Phim là phần tiền truyện của bộ phim Cloverfield hồi năm 2008. 10 Cloverfield Lane có thể xem là khuôn mẫu cho thể loại thriller (giật gân) trong năm 2016. Không quá nhiều cảnh máu me, không quá nhiều cảnh giết chóc, đồng thời cũng không có quá nhiều nhân vật trong phim, nhưng bộ phim lại cho thấy được kỹ thuật làm phim kinh dị đến mực tối giản về yếu tố này mà làm trội lên yếu tố khác: đó là tiết chế về số lượng nhân vật, tình tiết trong phim mà tập trung khai thác diễn xuất nhân vật và cách kể chuyện cũng như âm thanh trong phim.
Cô gái trẻ Michelle (do nữ diễn viên Mary Elizabeth Winstead thủ vai), quyết định rời khỏi thành phố sau khi chia tay bạn trai, nhưng trên đường đi cô đã gặp tai nạn. Tỉnh dậy trong một căn hầm bên cạnh hai người đàn ông bí ẩn, chủ căn hầm nói với cô rằng thế giới trên mặt đất đang phải chịu một thảm họa kinh hoàng và ở dưới hầm là nơi an toàn nhất. Tuy nhiên, Michelle không tin và tìm mọi cách thoát lên mặt đất... 
10 Cloverfield Lane có kỹ thuật quay chắc tay, hiện đại cùng khung hình ấm, tông màu đẹp, trầm. Phim không đơn thuần chỉ có một tuyến truyện mà cả hai tuyến. Tuyến thứ nhất chiếm gần trọn thời gian của phim, nhưng lại là bàn đạp cho tuyến thứ hai thuộc thể loại sci-fi (khoa học viễn tưởng). Sau 13 ngày ra rạp, 10 Cloverfield Lane đã có những thành công ngoài mong đợi khi thu về hơn 100 triệu USD trên toàn cầu, trong khi chỉ tốn 15 triệu USD để sản xuất. Tờ El Pais, một tờ báo trên 40 năm tuổi của Tây Ban Nha nhận xét về bộ phim là “gay cấn, táo bạo, kích thích” và cho rằng bộ phim là “một sự giải trí hoàn hảo”.
Vẻ đẹp đến ma mị, đầy mê hoặc của nữ diễn viên Anya Taylor-Joy trong phim đã giúp cho The Witch thành công hơn về khắc họa nhân vật
Đôi khi những phim kinh dị được các nhà chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không thành công lắm ở phòng vé và The Witch là một trường hợp như thế. Dù không thành công về mặt thương mại (doanh thu tuần đầu tiên thu về sau khi ra mắt công chúng chưa đến 9 triệu USD và tổng doanh thu của bộ phim là 19 triệu USD) nhưng điều mà The Witch làm được đã khiến nhiều phim khác thuộc thể loại này phải hổ thẹn: đó là về mặt chất lượng của phim.
Dẫn người xem vào không gian xa xưa ở một vùng đất hẻo lánh tại Anh những năm đầu thế kỉ 17, The Witch không mặc định nỗi sợ của khán giả bằng những pha dọa dẫm khiến họ giật mình, cũng không khẳng định đẳng cấp của nó thông qua những câu thoại bí ẩn. Chìa khóa thành công của phim chính là tạo ra được cảm giác ngột ngạt khi đặt mọi mắt xích của câu chuyện đến tận cùng mức khả kháng của nó. Đứa con biến mất vì Giáo hội nhưng cả gia đình vẫn cố duy trì niềm tin vào đấng tối cao, như một thảm kịch ngang trái nhất của kẻ sùng đạo. Cả nhà bị cô lập ở khu rừng hoang vắng trong những ngày đông lạnh lẽo, bị đe dọa trước những thế lực bị ẩn và có nguy cơ chết đói vì mùa ngô thất thu. Mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn với những tình tiết bất ngờ chồng chéo vào nhau. Cách biệt lập nhân vật của Robert Eggers chịu ảnh hưởng từ tác phẩm The Shining (1980) của cố đạo diễn huyền thoại Stanley Krubick. Dĩ nhiên, có hàng trăm bộ phim cũng từng vay mượn đường dây câu chuyện đó, nhưng The Witch tiếp thu tinh thần và kế nhiệm nó một cách sáng tạo và độc đáo.
Đạo diễn Robert Eggers đã gặt hái nhiều giải thưởng danh giá cho phim này tại các liên hoan phim lớn nhỏ trong đó có Liên hoan phim Sundance và Liên hoan phim London. Phim được nhận xét là một cuốn phim kinh dị mẫu mực trong giai đoạn hiện nay khi mà các phim khác cũng trong thể loại này lại chạy theo những kiểu làm phim hù dọa, tạo nên nỗi sợ một cách rẻ tiền, sáo rỗng…
Phim Don't Breathe sở hữu một kịch bản độc đáo, cách làm phim chắc tay của đạo diễn Fede Alvarez.
Một bộ phim kinh dị khác được làm rất chắc tay trong năm nay đó là Don't Breathe của đạo diễn Fede Alvarez, kịch bản được chấp bút bởi Fede Alvarez và Rodo Sayagues. Don't Breathe sở hữu dàn diễn viên thuộc hàng “trai xinh gái đẹp” như Jane Levy vai Rocky, Dylan Minnette vai Alex, Daniel Zovatto vai Money… Và người có tuổi duy nhất trong phim, đồng thời cũng là nhân vật gây ám ảnh nhất trong phim đó là Stephen Lang trong vai người đàn ông mù. Chuyện phim kể về một nhóm các cô cậu thiếu niên “lưng dài vai rộng” không lo làm ăn chính đáng mà chỉ lên kế hoạch trộm cắp. Một ngày nọ, họ biết được thông tin về ngôi nhà của một người đàn ông mù sống một mình và giữ một tài khoản khá lớn. Họ định rằng kế hoạch ăn trộm số tiền của người đàn ông mù sẽ êm đẹp nhưng không ngờ khi đã lọt vào ngôi nhà của ông ta, nhiều chuyện kinh hoàng đã liên tục xảy ra với nhóm…
Ra rạp hồi cuối tháng 8.2016, phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn. Trên trang Rotten Tomatoes, phim nhận được ý kiến đánh giá tích cực từ 94% của các nhà phê bình hàng đầu và được nhận xét là một bộ phim “có sức cuốn hút một cách tinh tế”. Phim cũng thành công vang dội về mặt thương mại, tổng doanh thu mà phim đạt được gần 90 triệu USD.
Còn rất nhiều cái tên xuất sắc khác của dòng phim này năm qua như Green Room, The Shallows, The Invitation… Hầu hết những phim kinh dị hay trong năm 2016 đều đa dạng không chỉ về đề tài, cách khai thác chủ đề mà còn về kỹ thuật làm phim, cách kể chuyện… Năm 2017 fan điện ảnh được hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm độc đáo không kém như Resident Evil: The Final Chapter, Annabelle 2, Saw: Legacy, The Nun, Meg... ra rạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.