Những phát hiện thú vị về quân phục của hai vua cuối triều Nguyễn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/02/2021 18:00 GMT+7

Mặc dù sử sách không ghi chép về sự cải cách quân phục của hoàng đế, nhưng theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, những bức ảnh chụp quân phục của hai vua cuối triều Nguyễn là Thành Thái và Khải Định đã xuất hiện những yếu tố khác lạ thú vị.

Quân phục của vua Thành Thái (trị vì 1889-1907) và vua Khải Định (1916-1925) ở triều Nguyễn rất khác so với các quy định viết trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn. Quy định như sau: “Khi duyệt binh, vua đội mũ võ rồng lớn, làm bằng tơ lông sắc đen, trong lót đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu vàng chính, lan can kim tuyến tây, đính 4 cái hình con rồng bằng vàng, 1 hình ngọn lửa cháy, 2 con rồng và mây, 1 cái hình mây, mắt rồng khảm bằng trân châu, trang sức bằng châu ngọc, dải rũ xuống dùng lan can kim tuyến tây".

Ảnh vua Thành Thái, thuộc sưu tập của Loan de Fontbrune

Ảnh: TL của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc

Cũng theo quy định trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn về quân phục của vua: "Áo bào hẹp tay bằng sa mỏng bóng toàn sợi tơ sắc vàng chính, thêu rồng, mây, thủy ba, cổ đồ, bát bảo, trong lót trừu hoa đỏ, hoa mẫu đơn bươm bướm, gấm hạng nhất màu lục lam thẫm toàn hoa kim liên đều chuỗi hạt trân châu, san hô kết lại làm hình mây. Vai liền với cổ, làm bằng đoạn đậu 8 sợi tơ màu thiên thanh, thêu rồng, mây, thủy ba, cổ đồ, bát bảo. Mã quải 2 cái, làm bằng tơ đậu 8 sợi đều thêu rồng, mây, thủy ba, con dơi, ngọn lửa cháy.
Xiêm làm bằng tơ đậu 8 sợi bóng, màu vàng chính, thêu 2 con phượng và các hình liên đằng hồi văn dưới bằng tơ đậu 8 sợi bóng có hoa, màu đỏ, thêu rồng, mây, thủy ba, liên đằng, hồi văn, trong lót trừu hoa đỏ hoa mẫu đơn và con bướm, 4 bên viền bằng tơ đậu 8 sợi bóng, màu ngọc lam, gấm hạng nhất màu lục, màu lam thẫm, toàn hoa kim liên, kết dải rũ xuống bằng trừu sắc đỏ, hoa mẫu đơn, con bướm. 3 cái bài chạm rồng bằng vàng đều làm hình cái mộc rồng mây bằng vàng, sợi quấn xung quanh khảm bằng các hạng ngọc hỏa tề, kim cương, trân châu, hơn 300 hạt. Dải rũ xuống bằng kim tuyến hơn 50 cái. Đai vẽ hình chim loan 1 cái, lan can kim tuyến của tây, đều ghép ván. Thân cúc chuỗi kết hình hoa liễu xanh bằng ngọc trân châu san hô, cộng 9 đóa. Hài bằng tơ đậu 8 sợi, đen khâu lẫn tơ đậu 8 sợi bóng sắc vàng chính, trong lót tơ đậu 8 sợi bóng, có hoa màu đỏ”.

Quân phục của vua Khải Định còn đậm chất châu Âu hơn tuy có khác đôi chút so với của vua Thành Thái, nhưng điều thú vị ở đây là được pha trộn với nét truyền thống

Ảnh: T.L của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc

Tuy nhiên trong các bức ảnh mà nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc sưu tầm được đã cho thấy: về quân phục của hai vua của triều Nguyễn qua những ảnh chụp cho thấy, vua Thành Thái với bộ quân phục mang dáng dấp châu Âu, áo có cầu vai, gù vai, quần trắng, chân đi ủng cao và nhất là chiếc mũ màu trắng (để trên chiếc đôn gốm có phủ vải) giống với mũ của sĩ quan Pháp vẫn thường đội.
Tiếp đến là bức ảnh vua Khải Định, quân phục còn đậm chất châu Âu hơn tuy có khác đôi chút so với của vua Thành Thái, nhưng điều thú vị ở đây là được pha trộn với nét truyền thống, bởi được phối với nón hoặc khăn đóng.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phân tích: “Qua các bức ảnh cho thấy các vua cuối triều Nguyễn hình như đã cố gắng cải cách để tìm ra một phong cách mới cho quân phục, với mục đích sao cho phù hợp và bắt kịp với văn minh thế giới thời bấy giờ. Đến thời vua Bảo Đại thì không còn thấy xuất hiện các kiểu quân phục cải cách nữa”.

"Qua các bức ảnh cho thấy các vua cuối triều Nguyễn hình như đã cố gắng cải cách để tìm ra một phong cách mới cho quân phục, với mục đích sao cho phù hợp và bắt kịp với văn minh thế giới thời bấy giờ", nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phân tích

Ảnh: T.L của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc

Một điều thú vị mà nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phát hiện ra là chiếc đôn gốm trong bức hình chụp vua Thành Thái được sử dụng để chiếc mũ ở trên, qua xem xét cho thấy nó thuộc dòng gốm Cây Mai, và các nhà khảo cổ học đã phát hiện, khai quật với rất nhiều lò sản xuất nằm trong khu vực Q.6 (TP.HCM).
“Điều này cho thấy các vua triều Nguyễn ngay từ xưa cũng ưu tiên dùng hàng nội, đồng thời đây cũng là thông tin quý cho cho các nhà sưu tập loại gốm này được biết thêm, vì điều này chứng tỏ thương hiệu gốm Lái Thiêu ngày nay chính là sự tiếp nối của dòng gốm Cây Mai từng vinh dự được các vua triều Nguyễn sử dụng”, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đúc kết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.