Những người đánh thức Mỹ Sơn: Ông Tây hiệp sĩ cứu di tích

13/10/2017 06:36 GMT+7

'Nếu không có Kazik, chúng ta không còn những ngọn tháp để nghiên cứu và trùng tu', ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, Quảng Nam nhắc lại lời của tiến sĩ khảo cổ học người Ý Patrizia Zolese khi nói về những cống hiến của cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đối với Mỹ Sơn.

“Người từ rừng rậm”
Kazik là tên gọi thân mật mà người Quảng Nam gọi kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997). Ông là người có đến 12 năm ở tại VN và đặc biệt là lưu lại một thời gian dài tại Thánh địa Mỹ Sơn để chỉ đạo công tác trùng tu các tháp cổ. “Khoảng tháng 6.1981, lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng đón một vị khách đặc biệt, đó là Kazik, một chuyên gia trùng tu di tích. Ông đến Mỹ Sơn để kiểm tra việc phát quang và chuẩn bị kế hoạch trùng tu năm 1982”, ông Hồ Xuân Tịnh nhớ lại, từ năm 1982 - 1994, chương trình hợp tác văn hóa VN - Ba Lan được thực hiện và Kazik đã trực tiếp hướng dẫn việc trùng tu tại Mỹ Sơn.
“Ông có thể thích nghi và bám trụ trước cảnh sống thiếu thốn, khắc nghiệt tại Mỹ Sơn. Ông rất yêu Mỹ Sơn, yêu đến độ có những đêm trăng sáng, ông một mình ra tháp B1 rồi ngắm toàn bộ khu đền tháp. Trong suốt thời gian làm việc ở Mỹ Sơn, Kazik không nề hà nắng mưa, cực khổ, ông cùng ăn ở và làm việc tại Mỹ Sơn như một người dân bản xứ, thông thuộc từng con đường mòn, từng nhánh suối trong thung lũng Mỹ Sơn”, ông Tịnh kể. Ông cũng cho biết dù sang VN khá lâu nhưng ông Kazik chỉ học được một ít tiếng Việt. Hai từ ông thường dùng là “cuốc lủi” (rượu gạo - PV) và “nước mắm”.
Người bạn thân thiết của Kazik là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương cũng quý mến bản tính bình dân của Kazik. Ông Phương nhớ lại: “Không hiểu sao Kazik yêu Mỹ Sơn một cách kỳ lạ. Những năm không có kinh phí đành gián đoạn công tác trùng tu, ông phải về nước. Khi có cơ hội là ông đến Mỹ Sơn liền, ông nói ông nhớ Mỹ Sơn...”.
Những người đánh thức Mỹ Sơn: Ông Tây hiệp sĩ cứu di tích1
Kiến trúc sư Kazik Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu
Trong cuốn sách Kazimierz Kwiatkowski - Hồi ức một con người đặc biệt, nhà văn Ba Lan Jacek Zygmunt Matuszak viết: “Mọi người còn gọi ông là “người từ rừng rậm” bởi vì cánh rừng rậm bao quanh các quần thể đền thờ và ban đầu Kazimierz sống trong túp lều bằng tranh nứa. Vì sự chiến đấu anh dũng của ông để cứu nơi này cũng như công việc bảo vệ di tích lịch sử khác của VN nên ông còn được gọi là “hiệp sĩ của di tích”. Ông không tiếc công sức, thời gian và sức khỏe để chiến đấu cứu chúng” và “Ngay từ ngày đầu có mặt ở Mỹ Sơn, ông luôn nói rằng, quần thể này sẽ được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO”.
Tôn trọng yếu tố gốc di tích
Dấu ấn quan trọng nhất của Kazik tại Mỹ Sơn chính là việc ông đưa ra giải pháp gia cố các tháp để tránh sập đổ sau một thời gian dài chịu đựng bom mìn của chiến tranh. Ông Hồ Xuân Tịnh nhận định, là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực trùng tu di tích ở châu Âu, Kazik rất thận trọng khi thực hiện việc tu bổ một loại hình kiến trúc còn mới lạ.
“Đối với các tháp bị cây cối che phủ, rễ cây xuyên qua thân tháp, Kazik cho công nhân dọn dẹp rồi rút hết rễ cây ra. Sau đó, ông dùng phương pháp khoan neo, rồi dùng dây cáp siết thân tháp co ngót lại”, ông Tịnh nói. Với cách này, nhiều khoảng trống, rời rạc của tháp được ép chặt, kiềng néo rất chắc chắn.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho biết giữa năm 1986 - 1990, những ngôi tháp thuộc nhóm A được gia cố. Hàng ngàn mét khối gạch vỡ được di dời và sắp xếp lại. Sau khi gia cố theo cách đã nêu, Kazik đã sử dụng lại gạch xưa rơi ra từ các tháp và dùng xi măng gắn kết để phục hồi các tường tháp đổ.
“Một số cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng có may mắn được làm việc với Kazik đã học được ở ông tính thận trọng, khoa học và cầu thị, luôn tham khảo ý kiến nhiều người rồi mới thực hiện. Sự làm việc tận tụy, không nề hà gian khổ và lòng nhiệt huyết vì di sản văn hóa của ông đã “truyền lửa” cho những người tham gia trùng tu Mỹ Sơn thời ấy”, ông Tịnh chia sẻ. Ông Trần Kỳ Phương cho biết thêm, điểm khiến ông nể phục nhất ở Kazik chính là tính thẩm mỹ trong các công trình.
“Với đầu óc thẩm mỹ rất cao của mình, Kazik đã không làm biến dạng các đền tháp mà còn góp phần làm cho các tháp đẹp lên. Điểm khó nhất là giữ được tính chân xác của di tích mà sau này Mỹ Sơn đã chinh phục được tiêu chí của UNESCO để ghi tên vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại”, ông Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.