Những người đánh thức Mỹ Sơn: Đào tạo nông dân thành 'chuyên gia' trùng tu

14/10/2017 07:36 GMT+7

Hơn 10 năm có mặt tại Mỹ Sơn thực hiện trùng tu nhóm tháp G, nhóm chuyên gia Ý, đặc biệt là nhà khảo cổ Patrizia Zolese đào tạo thành công đội ngũ chuyên trùng tu di tích vốn xuất thân là những nông dân địa phương.

Loại gạch hồi sinh nhóm tháp bị hủy hoại
Nhiều tài liệu ghi lại, trận bom của Mỹ ném xuống Thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1969 không những hủy hoại công trình nổi tiếng của nền văn hóa Chăm - tháp A1 (cao 28 m) mà còn phá hoại nhiều tháp trong các nhóm tháp A, B, E, F và G. Riêng nhóm tháp G với 5 tháp gồm đền thờ (G1), cổng (G2), sảnh chính (G3), tòa nhà phía nam (G4), lầu văn bia (G5) mang phong cách Bình Định (thế kỷ 12 - 13) bị hư hỏng nặng nề.
Trong chương trình hợp tác 3 bên VN - UNESCO - Ý, vào tháng 1.2004, dự án bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn được triển khai với tổng kinh phí 812.000 USD do Chính phủ Ý tài trợ. Và bà Patrizia Zolese, giáo sư Đại học Milan, cố vấn về văn hóa của UNESCO cùng các đồng sự đã đến Mỹ Sơn.
Để có được ngày khai trương nhóm tháp G (vào 22.6.2013), nhóm chuyên gia Ý đã dành nhiều năm trụ lại mảnh đất khắc nghiệt Mỹ Sơn để nghiên cứu, hồi sinh nhóm tháp. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, kể: “Ai đã tiếp xúc một lần với Patrizia Zolese sẽ khó quên nhà khảo cổ - trùng tu di tích này. Bên cạnh sự đam mê nghiên cứu và luôn muốn lôi kéo người khác vào công việc, bà còn được người ta nhớ lâu bởi tính nói nhiều không phải những chuyện linh tinh thường ngày mà là chuyện khảo cổ, trùng tu”.
Sau nhiều năm trùng tu và cũng không ít đoàn chuyên gia đến Mỹ Sơn để nghiên cứu, nhưng chỉ đến khi Patrizia Zolese cùng cộng sự bắt tay vào dự án thì loại gạch tương đồng đến 90% với loại mà người Chăm xưa sử dụng để xây tháp mới được “tìm thấy”. Nhờ ứng dụng kỹ thuật cao và kỹ lưỡng trong việc kiểm soát từng mẫu vật nên loại gạch Chăm do chuyên gia Ý phát hiện có thể đáp ứng tốt 2 yếu tố: phụ gia tăng độ kết dính và vật liệu gạch phục chế. Yếu tố nữa được đánh giá cao chính là việc các chuyên gia đã phát hiện ra nhựa dầu rái có ở thung lũng Mỹ Sơn mà người Chăm cổ đã sử dụng để liên kết các viên gạch.

tin liên quan

Những người đánh thức Mỹ Sơn: Mở đường 'máu' vào tháp cổ
Nếu không có sự chỉ huy tài tình của ông Huỳnh Tiến Năm (62 tuổi, trú tại xã Duy Tân, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) trong việc tháo gỡ bom mìn tại Mỹ Sơn, khó có chuyên gia nào tiếp cận được di tích này vào những ngày đất nước mới thống nhất.
Từ nông dân thành thợ “chiến”
Sự ra đời của viên gạch Chăm “tuy trẻ tuổi đời nhưng già chất liệu” phục vụ trùng tu nhóm tháp G và sau này trùng tu tháp E7 là cả một câu chuyện dài. Bởi mẻ gạch đầu tiên trùng tu tháp G3 được đặt từ cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quá (trú tại thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên) đã bị nát dần. Phải sau một thời gian dài, bà Patrizia Zolese cùng các chuyên gia dày công nghiên cứu, năm lần bảy lượt gửi mẫu gạch ra nước ngoài để thí nghiệm, đối chiếu với các thông số gạch cổ thì bí quyết làm nên viên gạch mới được tìm thấy.
Thông qua công thức tìm được, các chuyên gia đã đặt hàng và góp cho Thánh địa Mỹ Sơn một địa chỉ làm gạch chất lượng và đáng tin cậy tại cơ sở ông Nguyễn Quá với quy trình “luyện gạch” cực kỳ chặt chẽ và kéo dài cả tháng trời.
Không chỉ đào tạo được nơi cung ứng vật liệu đạt chuẩn, bà Patrizia Zolese cùng các đồng sự đã chỉ dẫn và huấn luyện cho một đội thợ gồm 50 nông dân địa phương trở thành những “chuyên gia chân đất” trong công tác trùng tu. “Khi họ chuyển sang trùng tu tại tháp E7, hiệu quả rất tốt. Các chuyên gia nước ngoài và ở Hà Nội rồi cũng sẽ rời Mỹ Sơn về hết. Lúc đó, những công nhân địa phương trở thành đội ngũ bảo tồn kế tiếp”, bà Patrizia Zolese từng nói với Thanh Niên.
Các chuyên gia Ý đánh giá cao và cũng rất tự hào về những “học trò” người Việt của mình. Trong phòng trưng bày mẫu vật nhóm tháp G, họ đã ghi: “Chúng tôi rất biết ơn những người thợ lành nghề đồng hành cùng chúng tôi trong những năm qua. Nếu không có sự cống hiến tài năng và sức chịu đựng bền bỉ của họ, công việc này sẽ không bao giờ có thể hoàn thành”.
Ông Hồ Xuân Tịnh cho biết thêm trong quá trình trùng tu nhóm tháp G tại Mỹ Sơn, các nhà khoa học còn biên soạn công trình nghiên cứu Hướng dẫn khảo cổ và trùng tu tháp Chăm - Tư liệu đúc kết từ dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G. “Tài liệu này cung cấp thêm những kinh nghiệm, hướng dẫn, nguyên tắc... quý giá cho công tác bảo tồn, tu bổ các công trình kiến trúc Chăm tại VN. Một tác phẩm khác về Mỹ Sơn có sự tham gia của bà Patrizia Zolese là Champa and the Archeaology of Mỹ Sơn (Vietnam) đã được xuất bản năm 2009, đây là một tài liệu quan trọng về khảo cổ học tại Mỹ Sơn trong thế kỷ 20”, ông Tịnh nói.

tin liên quan

Những người đánh thức Mỹ Sơn: Ông Tây hiệp sĩ cứu di tích
'Nếu không có Kazik, chúng ta không còn những ngọn tháp để nghiên cứu và trùng tu', ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, Quảng Nam nhắc lại lời của tiến sĩ khảo cổ học người Ý Patrizia Zolese khi nói về những cống hiến của cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đối với Mỹ Sơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.