Những mùa trung thu cũ...

19/09/2009 15:55 GMT+7

Trăng vẫn là trăng của những đêm rằm tháng tám, khi trời trong vắt, mây như những hơi thở nhẹ, và vầng trăng tròn lơ lửng nhẹ bay lên từ chân trời như một điều huyền diệu. Nhưng tuổi thơ của mỗi người thì dần lùi xa.

Không biết có phải là người hoài cổ, khi tôi luôn nhớ những trung thu năm xưa, cái thời mà chỉ đến trung thu mới được ăn bánh ngọt, ăn trái cây. Cái thời trung thu - cũng như nhiều buổi tối khác - thường bị cúp điện, nên trăng lên ngôi ngoạn mục và là tất cả thứ ánh sáng mà con người có thể hướng đến, trông chờ. Không phải cho đến bây giờ khi hưởng ứng “giờ trái đất” của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), người ta mới có những phút lãng mạn tự tạo trong một buổi tối không ánh điện. Tất nhiên không ai muốn trở lại “thời” cúp điện triền miên, nên nhớ chỉ để mà nhớ, để quý hơn những khoảnh khắc tìm về với thiên nhiên trong hiện tại.

Ngày xưa niềm vui đêm rằm thường được “khởi động” từ đầu tháng tám âm lịch, vừa đủ để thấp thỏm mà cũng không quá dài để... mỏi mệt. Nói vậy là bởi những năm gần đây bánh trung thu thường được bày bán từ rất sớm, ngay sau rằm tháng bảy người ta đã thấy những cửa hàng bán bánh trung thu tràn ngập khắp các nẻo đường, người ta đã nhận những túi bánh quà tặng “nhắc nhở”, cả tình cảm lẫn gia ơn hoặc “nghĩa vụ”, quá sớm cho một ngày trăng tròn. Mà không biết có ai nghĩ đến trăng không?

Ngày xưa, bày cỗ đêm trung thu là cả một niềm vui và háo hức. Những chiếc bánh nướng nhiều bột, ít nhân, mà nhân chỉ là hạt dưa, hạt sen, mứt bí, thêm ít mỡ khổ thái hạt lựu, không có những hột vịt muối, xá xíu, gà quay, vi cá... như bây giờ. Bánh dẻo cũng chỉ là bột nếp nhân đậu xanh. Còn trái cây thì mẹ thường mua cho nải chuối tiêu trứng cuốc, trái bưởi, trái bòng, vài trái na, cam và hồng, thêm dóng mía để con gái trổ tài dóc ra những thanh mỏng xếp thành cái tháp nhỏ. Bày biện đẹp đẽ tinh tươm xong, phải đợi trăng lên cao mới được phá cỗ. Trong lúc chờ đợi, tha hồ mà hát, múa, đọc thơ, kể chuyện... Trước Tết Trung thu nhiều ngày, khi ăn bưởi, ăn bòng chị em tôi đã để dành lại những cái hạt nhỏ xinh, cẩn thận bóc vỏ ra rồi phơi khô dưới nắng, xâu vào thành chuỗi để đêm trung thu đem ra đốt chơi cho nó nổ lách tách, sáng lấp lánh và tỏa ra một mùi thơm dễ chịu của tinh dầu bưởi. Và cũng chưa kể những ngày trước đó chúng tôi hì hục vót nan tre, cắt giấy bóng kính tự tay làm những chiếc đèn ông sao năm cánh, rồi trang trí cho mỗi cánh những đường riềm, tua rua bằng giấy thật đẹp. Đứa nào khéo tay hơn thì nện giấy bồi, bôi màu, vẽ mắt... làm mặt nạ ông địa với đôi má béo tròn ngộ nghĩnh, để dành đến trung thu đem ra đeo, diễn kịch... Đêm trung thu, tiếng trống đánh thì thùng, tiếng hát của từng đoàn trẻ nhỏ rước đèn trong khắp các ngõ xóm, trăng sáng mênh mông. Chỗ nào cũng có thể thấy trăng. Những ngày ấy sao niềm vui thật hồn hậu, ngọt ngào.

Lâu rồi những chiếc đèn ông sao lớn nhỏ làm bằng giấy kiếng cũng không còn ngự trị, gợi lên nỗi xúc động đầy lãng mạn của những người lớn khi đi qua các cửa hàng trên các dãy phố. Ngày xưa nói đến đèn ông sao nghĩa là đèn trung thu, và ngược lại. Nay thì thay vào đó là đủ loại, từ đèn cá, thỏ, gà, bướm, voi, đến nhân vật hoạt hình, siêu nhân... được làm công nghệ mới 2D, 3D, gắn pin, cài nhạc. Phong phú hơn mà vô cảm hơn. Đành rằng người ta nói trẻ con bây giờ thích thế, cái gì cũng công nghệ cao, giản tiện, cái gì cũng cần pin và năng lượng nạp sẵn, chúng không có cái thú run run đốt ngọn nến mỏng manh cắm vào lồng đèn, cầm xách đi chơi cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng để giữ nến không đổ. Cũng không thể trách chúng khi từ chiếc đèn vang lên những điệu nhạc lạ hoắc véo von, vì phần lớn những chiếc đèn ấy có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng vẫn chạnh lòng khi biết rằng ở thành phố lớn nhất nước, xóm làng nghề lồng đèn nổi tiếng ngày xưa hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tồn tại khoảng 4, 5 cơ sở sản xuất. Những người còn bám trụ chủ yếu là do lòng yêu nghề, hoặc vì không thể làm gì khác được... 

Hạ Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.