Những mối tình ngát hương thời gian

15/10/2017 06:44 GMT+7

Một buổi chiều cách đây 4 năm, đúng lúc tôi đang nghe Lệ Quyên da diết “ Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau... Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau ...” thì nhận được cuộc gọi của anh Hà Đình Nguyên.

Giọng anh run run: “Đã dò được địa chỉ nhạc sĩ Thanh Bình tác giả Tình lỡ rồi...”.
Đó là khoảng thời gian phong trào hát nhạc bolero thịnh hành trở lại. Nhiều nhạc sĩ bolero bắt đầu “tái xuất” trong đời sống ca nhạc, không ít nhạc sĩ sống khỏe nhờ tiền tác quyền.
Ca khúc Tình lỡ cũng được cất lên ở rất nhiều chương trình, nhưng tác giả ca khúc hiện ở đâu, làm gì thì hầu như không ai biết. Do đó tôi rất hiểu cảm giác xúc động của anh Nguyên, cảm giác của một người “bấy lâu đáy bể mò kim” sắp chạm tới đích.
Tác giả của những ca từ đau thương mà bay bổng kia giờ đã ngoài 80 tuổi, bệnh tật, không còn tỉnh táo… Cũng may, giữa câu chuyện đứt nối, nhạc sĩ vẫn nhớ được cô gái Hải Phòng đã khiến ông thổn thức viết Tình lỡ.
Nhạc sĩ Thanh Bình, tác giả Tình lỡ
Sau khi bài viết đăng trên Thanh Niên, đã có rất nhiều bạn đọc, nghệ sĩ trong và ngoài nước hỏi thăm, giúp đỡ ông.
Thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên
Trong giới nhà báo văn nghệ ở TP.HCM, Hà Đình Nguyên được xem là cây bút “độc, lạ”, bởi mảng “chuyện xưa tích cũ” mà anh theo đuổi không phải dễ viết. Đặc biệt, viết về tình yêu nghệ sĩ lại càng khó, bởi nếu nhà báo không tạo được cho nghệ sĩ cảm giác gần gũi, tin cậy thì không dễ để họ trút mối tơ lòng.
Người ta bảo các tình khúc hay thường xuất phát từ những chuyện tình buồn. Điều đó đúng. Song đáng chú ý là dù viết về mối tình nào, cảnh ngộ nào Nguyên vẫn giữ được giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp sẻ chia. Có đến 3 người đẹp gắn với ca sĩ Duy Quang được Nguyên viết trong bài Chuyện tình Duy Quang, trong đó có mối tình đã gây cho ca sĩ không ít muộn phiền, nhưng các bóng hồng ấy đều đẹp, đều thơ, đều “ngát hương thời gian mùi thạch thảo”, vương vấn cả một đời người không dứt.

Nguyên cho biết có lần đi chung xe công tác với nhạc sĩ Trần Hoàn (khi đó là Bộ trưởng Bộ VH-TT), anh đánh bạo hỏi bộ trưởng về… chuyện tình yêu của ông, để rồi sau đó có bài viết Lời người ra đi.
Gần 100 chuyện tình nghệ sĩ trong 2 tập sách 35 chuyện tình nghệ sĩ, 60 bóng hồng trong thơ nhạc (cùng 50 chuyện kỳ thú phương Nam) mà NXB Trẻ vừa ra mắt nghe thì có vẻ nhiều, nhưng so với hơn 20 năm làm báo của Nguyên lại quá ít. Anh cười: “Có phải cứ tìm là gặp, cứ hỏi là được đâu”.
Nguyên kể anh quen biết nhạc sĩ Hồ Bông từ rất lâu rồi, nhưng chỉ khi nào ngồi khề khà với nhau nhạc sĩ mới vui vui tiết lộ một tí. “Nếu mình hỏi tới thì ổng lại im. Nên để viết được bài Nhạc sĩ Hồ Bông - Từ công tử Sa Đéc đến chiến sĩ vệ quốc quân về chuyện tình ông ấy là sự chắp nối thông tin cả 15 năm đấy”, anh nói. Đọc những dòng có vẻ tếu táo nhưng thấm vị xót xa về mối tình thời chiến, có cảm giác như người viết và nghệ sĩ không chỉ có mối quan hệ công việc và bạn bè, mà họ đã là tri kỷ.
Dù Nguyên bảo không phải “cứ tìm là gặp”, nhưng qua thời gian dài làm việc với nhau, tôi luôn tin rằng có một mối duyên giữa anh và các nhân vật anh viết.
Hay mối duyên ấy hình thành do chính nỗ lực kiếm tìm tư liệu và tiếp cận nhân vật của nhà báo vốn là một thầy giáo nghèo mê văn nghệ ở Đồng Nai? Hồi xưa nghe Duy Quang hát Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên…, Nguyên đã luôn tò mò về cô Duyên bí ẩn. Sau này khi đi làm báo, Nguyên tiếp tục dò la và “mừng húm” khi được nhà thơ Lê Minh Quốc chỉ điểm: “Ông phải hỏi Lưu Đình Triều Báo Tuổi Trẻ. Ông ấy học chung với cả Nguyễn Tất Nhiên lẫn cô Duyên”. Và bài viết Cô Bắc kỳ nho nhỏ tên Duyên ra đời.
3 tập sách mới của Hà Đình Nguyên Ảnh: H.Đ.N
Dấu ấn những bóng hồng 
Năm 2008, khi ca sĩ Tân Nhân - người thể hiện thành công nhất ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - qua đời, Nguyên viết Một giọng hát đã “Xa khơi” trên Báo Thanh Niên với tư liệu ít ỏi từ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Sau đó anh vẫn tìm hiểu về mối tình đau khổ của bà với Hoàng Thi Thơ, một trong những nhạc sĩ hàng đầu ở miền Nam trước 1975. 
Cũng là mối duyên kỳ lạ, anh gặp được người con trai của họ đang công tác ngay trong… cơ quan mình. Khi in sách, anh đã bổ sung các thông tin mà mình thu thập thêm được. Đọc Từ Xa khơi đến Ai nhớ chăng ai, độc giả không chỉ biết Tân Nhân chính là cảm hứng cho Hoàng Thi Thơ sáng tác nhạc phẩm để đời Đường xưa lối cũ và Ai nhớ chăng ai, mà còn nghẹn lại trước nghịch cảnh những con người tài hoa, chí tình bị chiến tranh xô đẩy để rồi mất nhau mãi mãi… 
Hà Đình Nguyên không chỉ viết về những mối tình in dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và sáng tác của nghệ sĩ. Trong 60 bóng hồng trong thơ nhạc, có nhiều bóng hồng chỉ thoáng qua nhưng cũng làm trái tim đa cảm của nghệ sĩ lỗi nhịp.
Nguyễn Vũ viết Bài thánh ca buồn khi nhớ về cô gái ngoan đạo mà mình thích hồi mới…14 tuổi; Y Vân viết Ảo ảnh khi biết một cô gái đã âm thầm yêu ông; Tô Vũ viết Em đến thăm anh một chiều mưa cho một “em” đã đội mưa đến thăm mình nhưng sau đó không tài nào nhận ra “em”… Tập sách còn có một bóng hồng đặc biệt: người mẹ đã tạo cảm hứng cho Trần Quế Sơn viết Cõng mẹ đi chơi.
Và rồi dưới ngòi bút của Nguyên, bao mộng đẹp và cảm xúc ngày xưa, gắn liền với những tên tuổi và nhạc khúc thanh xuân, một lần nữa thức dậy, ngân rung và tỏa hương.

tin liên quan

Nhà báo Hà Đình Nguyên ra mắt cùng lúc 3 cuốn sách
60 Bóng hồng trong thơ nhạc, 50 Chuyện kỳ thú phương Nam và 35 Chuyện tình nghệ sĩ là 3 cuốn sách của nhà báo Hà Đình Nguyên (Báo Thanh Niên) được NXB Trẻ ra mắt đúng vào dịp sinh nhật anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.