Những mảnh ghép ký ức

Ngọc An
Ngọc An
28/04/2019 06:21 GMT+7

'Ký ức VN sẽ giúp bạn có 2, 3 phút lắng đọng và miên man theo chiều dài lịch sử để biết trân trọng hơn những gì mà chúng ta đang có ngày hôm nay', nhà báo Quang Minh nói.

11 giờ 15 ngày 30.4, những thước phim tư liệu đặc biệt của chương trình Ký ức VN sẽ được đồng loạt phát trên các nền tảng số của Đài truyền hình VN, đưa khán giả quay ngược thời gian trở lại Sài Gòn vào đúng khoảnh khắc cách đó 44 năm, 11 giờ 15 ngày 30.4.1975.
Được giới thiệu tới khán giả lần đầu tiên năm 2013, sau 6 năm, chương trình Ký ức VN đã quay trở lại với phiên bản hoàn toàn mới, hướng đến khán giả chủ yếu là những người trẻ trong môi trường số.

Những khoảnh khắc đắt giá

Nhà báo Kỳ Nhân, nguyên phóng viên AP (Mỹ) là người chụp bức ảnh Tổng thống chính quyền VN Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30.4.1975.
Cùng với ông, nhiều phóng viên của các kênh thông tấn trong và ngoài nước đã có mặt tại dinh Độc Lập để ghi lại những hình ảnh đắt giá. Nhiều câu chuyện của họ được chia sẻ trong tập phim Nhân chứng thứ 3 nằm trong chương trình Ký ức VN 2019. Cùng với tập phim này, trải dài trong suốt tháng 4, Ký ức VN đưa người xem đến những câu chuyện là những mảnh ghép ký ức, những lát cắt của lịch sử, để hiểu rõ hơn về chiến thắng thống nhất đất nước của dân tộc.
Những thước phim tư liệu Ký ức VN được khai thác từ kho phim màu do Đài truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) thực hiện trong gần 2 thập niên từ năm 1964 - 1981. NDN gần như là đài truyền hình nước ngoài duy nhất thường trú tại miền Bắc VN vào thời điểm đó. Việc xử lý “kho” này có rất nhiều khó khăn. “Đó là kho tư liệu hầu như không có âm thanh. Kèm theo mỗi đoạn hình ảnh là những thông tin mô tả rất sơ sài bằng tiếng Nhật”, nhà báo Thanh Hoa (Trung tâm phim tài liệu phóng sự, Đài truyền hình VN) cho hay. Phải mất tới 2 năm, cho đến năm 2013, những thước phim tư liệu đầu tiên khai thác từ kho phim này mới có thể đến được với khán giả.

Bài học lịch sử sống động

Ký ức VN mang đến những thước phim sống động về miền Bắc sản xuất và chiến đấu vì tiền tuyến miền Nam; những chiến trường ác liệt trải dài đến vĩ tuyến 17 và cả những câu chuyện hậu chiến sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Ngay khi cho lên sóng những thước phim chưa từng được công bố này tại VN, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, những người đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng vô cùng khó khăn và oanh liệt đó. Thậm chí, nhiều người còn nhìn thấy mình, gia đình và đồng đội của mình trong những thước phim quý giá”, nhà báo Quang Minh (Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24, Chủ tịch Hội đồng tin tức số, Đài truyền hình VN) nói và lý giải về quyết định đưa chương trình trở lại sau 6 năm: “Có thể thấy, thời điểm chúng tôi phát sóng, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên nền tảng internet chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Vì vậy, giới trẻ chưa được tiếp cận nhiều với kho tư liệu vô giá này của VTV. Nhờ có sự hỗ trợ của đơn vị đồng hành gồm những con người trân trọng lịch sử, chúng tôi đã quyết định làm “hồi sinh” dự án Ký ức VN và phát trên các nền tảng số”.
Ký ức VN “phiên bản mới” được thực hiện thời lượng ngắn khoảng 2 - 4 phút/tập phim với cách thể hiện vừa mang tính thời sự, vừa cập nhật theo xu hướng quan tâm của giới trẻ. Mỗi tháng chương trình chọn những chủ đề khác nhau như bóng đá, tình yêu, phụ nữ, thanh niên... “Nếu như phiên bản trước đây được khai thác theo hướng giúp người xem sống lại một thời ký ức xa xưa, thì với phiên bản mới, chúng tôi tìm cách để tạo ra những sợi dây liên hệ với những người trẻ tuổi hiện tại. Trong đó có cách đối chiếu giữa hiện tại và quá khứ. Chẳng hạn, thế hệ trẻ ngày nay rất bất ngờ khi biết rằng ngày xưa anh nào mà dẫn bạn gái đi uống nước giải khát có đá thì là sang trọng số một chẳng khác gì bây giờ đi uống cà phê ở khách sạn 5 sao. Còn mẫu phụ nữ lý tưởng trong mắt các chàng trai khi ấy chính là các cô mậu dịch viên chứ không phải diễn viên hay người mẫu như bây giờ, khi đó nhà nào mà có con dâu mậu dịch viên thì yên tâm không lo bị đói”, nhà báo Thanh Hoa chia sẻ.
“Mong muốn của chúng tôi là vào buổi tối, sau một ngày bận rộn, sau ngập tràn những thông tin mà bạn tiếp nhận trong ngày, bạn lướt mạng không phải để tìm đến những thông tin xấu, độc hay giải trí đơn thuần. Ký ức VN sẽ giúp bạn có 2, 3 phút lắng đọng và miên man theo chiều dài lịch sử để biết trân trọng hơn những gì mà chúng ta đang có ngày hôm nay”, nhà báo Quang Minh nói.
Ký ức VN còn tạo không gian tương tác giữa lịch sử với giới trẻ. Một minishow có chủ đề Đến ngày hòa bình kết hợp giữa biểu diễn âm nhạc, trò chuyện với khách mời và trình chiếu những thước phim tư liệu được tổ chức và livestream vào lúc 20 giờ ngày 30.4. Cùng với hướng này, Ký ức VN cũng sẽ hợp tác với các KOL (những người có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng) trong lĩnh vực chuyên biệt để tăng độ phủ của chương trình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.