Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Khuôn đá đúc nên huyền thoại thành Cổ Loa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/02/2021 07:42 GMT+7

'Những bảo vật quốc gia là những kiệt tác không lặp lại, được sự tán thưởng rất cao của Hội đồng Di sản', PGS-TS Tống Trung Tín, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết.

Trong đợt công nhận lần thứ 9, có 24 bảo vật quốc gia được vinh danh. Các bảo vật này mang vẻ đẹp, câu chuyện văn hóa lịch sử khiến hậu thế phải xúc động.
Những khuôn đá sa thạch xám hạt mịn là minh chứng cho kỹ thuật quân sự nổi bật của thời đại An Dương Vương.

Bí mật trong cung thất

PGS-TS Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu kinh thành) vẫn nhớ khoảng thời gian ông và đồng nghiệp phát hiện những khuôn đúc huyền thoại ở Cổ Loa. Ông kể lại: “Lúc đó vào khoảng năm 2004 - 2007, chúng tôi khai quật tại đền Thượng, trong khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa”. Thời điểm đó, nhiều người vẫn nhận thức đền Thượng, nơi có đền thờ An Dương Vương, là cung thất nhà vua. Tuy nhiên, việc phát hiện những khuôn đúc ở đền Thượng cùng với một hệ thống dấu tích lò đúc đồng cùng thời đã thay đổi quan điểm đó.
Theo hồ sơ khoa học của bộ khuôn đúc Cổ Loa vừa được công nhận bảo vật quốc gia này, bộ khuôn gồm 11 mang khuôn đúc bằng đá. Trong đó, có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và 1 mang đúc mũi lao hình cánh én. Tất cả đều được chế tác từ một sa thạch hạt mịn, mềm. Đá có màu ghi xám, biệt lệ có màu tím nhạt. Mặt trong khuôn được chế tác kỹ lưỡng hơn mặt ngoài rất nhiều. Người xưa sử dụng kỹ thuật khắc, đục, mài, tu chỉnh để khi hai hoặc ba mang được ráp vào nhau tạo nên một sự trùng khít lý tưởng, mà ở hai đầu của khuôn có một góc xấp xỉ 1200.
Cũng theo hồ sơ, những khuôn đúc bằng đá được xác định niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn - sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách ngày nay khoảng 2.300 đến 2.200 năm. Đó là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa, cũng là thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở thành Cổ Loa, thời kỳ của nhà nước Âu Lạc. Các nhà khoa học cho rằng khuôn đúc Cổ Loa, khu mũi tên Cầu Vực, trống đồng và lưỡi cày đồng Mả Tre là ba hiện tượng khảo cổ học phản ánh thành tựu luyện kim nổi bật của nhà nước Âu Lạc.
Những khuôn đúc Cổ Loa này được phát hiện cùng di tích lò đúc. Trong đó, có những lò còn có dấu vết là hố sâu, đất xung quanh đã bị nung đỏ, cứng như gạch, như sành. Cũng tại đền Thượng, các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều đường ống dẫn gió vào lò luyện, phế thải trong quá trình làm khuôn, các mũi tên sản phẩm. Điều này đã chứng minh đền Thượng là một khu trung tâm luyện kim và đúc đồng của kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương. “Việc luyện kim, đúc đồng, đặc biệt là việc đúc nỏ thần và mũi tên, vẫn được coi là bí mật quốc gia, được nhà vua và triều đình xem trọng và nghiêm cẩn bảo vệ. Theo đó, truyền miệng dân gian nói đó là cung thất của nhà vua để làm tăng sự linh thiêng, bí ẩn của khu vực đền Thượng”, hồ sơ khoa học cho biết.

Phát minh sáng chế tiêu biểu của thời đại

Theo PGS-TS Lại Văn Tới, bộ sưu tập khuôn đúc này cho thấy sự thông minh, tài khéo của người thợ đúc đồng xưa. Họ đã biết lựa chọn những khối sa thạch hạt mịn, cỡ vừa để làm mang khuôn. Những khối đá này tương đối định hình và chỉ thêm vài nhát ghè nhỏ, một chút gia công bằng kỹ thuật mài đã đủ tiêu chuẩn làm mang khuôn. Mặt trong khắc, đục, mài kỹ để thành hình mẫu vật đúc.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng cho biết việc lựa chọn nguyên liệu đá (sa thạch) hạt mịn để tạo khuôn là một kinh nghiệm đáng được đề cao của người thợ đúc Việt cổ. “Đá sa thạch hạt mịn sẽ làm cho nước đồng chảy đều và nhanh, giảm sức nóng làm nứt khuôn, theo đó, sản phẩm đúc không bị khuyết tật”, hồ sơ nêu rõ.
Một lý do để bộ khuôn đúc này trở thành bảo vật quốc gia là do hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, với vua An Dương Vương cũng là người lập nên nhà nước Âu Lạc. Thêm vào đó, đây là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.
“Khuôn đúc mũi tên, sản phẩm là những mũi tên Cổ Loa ba cạnh, cùng với nỏ thần đã tạo nên một cuộc cách mạng trong kỹ thuật quân sự thời An Dương Vương, nước Âu Lạc. Bộ khuôn đúc này cùng với kho mũi tên đồng ở Cầu Vực và lẫy nỏ thần, đã từng phát hiện, chắc chắn là bộ ba minh chứng cho kỹ thuật quân sự nổi bật của thời đại”, hồ sơ bảo vật quốc gia ghi.
Bản thân việc phát hiện các khuôn đúc mũi tên đồng bằng đá này giúp việc diễn giải lịch sử có sức thuyết phục. Chúng ta có thể hiểu hơn về truyền thuyết nỏ thần của tướng quân Cao Lỗ vẫn được truyền tụng nhiều năm nay.
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), bộ sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng bằng đá phát hiện ở Cổ Loa này từng được giới thiệu nhiều ở các bảo tàng trong và ngoài nước. Trong suốt 2 năm 2016 - 2018, ba mũi tên trong bộ sưu tập đã được đưa sang CHLB Đức trưng bày với 300 cổ vật khác. Các khuôn đúc này cũng được ghi chép, phân tích trong nhiều văn liệu lịch sử khảo cổ học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.