Những kiến giải mới về Cuộc thập tự chinh thứ nhất

07/06/2021 06:33 GMT+7

Cuộc thập tự chinh thứ nhất - tiếng gọi từ phương Đông của Peter Frankopan (do Phanbook và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành, bản dịch của Trần Trọng Hải Minh) đã có nhiều kiến giải mới lý thú.

Tác giả Peter Frankopan sinh năm 1971 tại Vương quốc Anh, hiện là giáo sư lịch sử toàn cầu (ĐH Oxford) và chuyên gia nghiên cứu cấp cao của ĐH Worcester.
Bằng nhiều tư liệu mới, Peter Frankopan đã không ngần ngại “xét lại” các quan điểm của những sử gia đi trước về cuộc trường chinh này, đồng thời đưa ra cách giải thích mới về hoàn cảnh và diễn biến mà ở đó nhân vật Alexios và kinh thành Constantinople của đế chế Byzantine là trung tâm, cùng soi chiếu lại những tư liệu cũ, kết hợp với một số thư tịch ít người biết, để đưa ra những kiến giải độc đáo, thuyết phục.
Thứ nhất, tác giả chứng minh rằng cuộc thập tự chinh được khởi xướng bởi Alexios, chứ không phải Giáo hoàng Urban II như nhiều sử gia trước đó khẳng định. Thực tế, nhiều việc đã xảy ra từ trước khi Giáo hoàng tổ chức Hội đồng ở Clermont năm 1095 để kêu gọi thánh chiến. Lời hiệu triệu ở Clermont của Giáo hoàng Urban II chỉ là một điểm nhấn quan trọng, chứ không hẳn là khởi đầu của chuỗi sự kiện.
Tiếp đó, ảnh hưởng của Alexios đối với sự thành bại của cuộc chinh phạt lớn hơn người ta nghĩ. Vai trò của Baldwin xứ Boulogne được Frankopan diễn giải hoàn toàn mới. Tác giả cho rằng Baldwin tách khỏi đại quân là do thỏa thuận riêng với Alexios. Theo đó, Baldwin chiếm những đồn ven biển vùng Cilicia, làm đầu cầu cho hải quân Byzantium thiết lập những đường tiếp tế cho quân thập tự. Sau này, chính nhờ sự ủng hộ của Byzantium và khủng hoảng về quyền lực giữa những thủ lĩnh thập tự chinh, Baldwin mới có thể trở thành vị vua đầu tiên của vương quốc Jerusalem.
Tình hình Tiểu Á trước cuộc thập tự chinh cũng hoàn toàn khác với nhận định của sử dòng chính. Nếu đọc Alexiad, tư liệu sử quan trọng từ góc nhìn Byzantium được viết bởi chính con gái của Alexios, người ta dễ lầm tưởng Byzantium đã mất kiểm soát Tiểu Á từ năm 1081 về tay Hồi giáo. Tác giả nêu thắc mắc tại sao đến tận mười mấy năm sau Alexios mới kêu cứu với phương Tây. Qua phân tích tư liệu, ông cho thấy một thực tế bất ngờ. Trong hơn một thập kỷ nắm quyền, Alexios vẫn giữ được phần lớn Tiểu Á bằng chính sách đối ngoại khôn khéo với những lãnh đạo Hồi giáo người Thổ Seljuk. Không những vậy, Byzantium còn có liên minh mật thiết với sultan ở Baghdad đến nỗi quân Thổ có lúc đã chiến đấu bên cạnh quân Byzantium trong chiến dịch chinh phạt người Pecheneg du mục từ phía bắc. Ảnh hưởng Byzantium ở Tiểu Á chỉ yếu đi nhanh chóng sau cái chết của sultan Malik-Shah, và đó là lúc đế chế Byzantine đứng bên bờ vực sụp đổ…
Cuộc thập tự chinh thứ nhất - tiếng gọi từ phương Đông của Frankopan còn cho thấy lịch sử không hề đơn giản khi được đặt dưới những lăng kính khác nhau. Và cho dù đã quá nổi tiếng, cuộc thập tự chinh thứ nhất vẫn là câu chuyện lịch sử cần được kể lại bằng những góc nhìn mới mẻ, thuyết phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.