Những góc nhìn mới của sách sử Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/03/2020 06:40 GMT+7

Những cuốn sách với nguồn tài liệu đa dạng gần đây đã mang đến góc nhìn mới về sử Việt. Các phát hiện dù đôi khi gây tranh cãi vẫn là một cách làm sáng tỏ thêm nhiều góc khuất trước đây và phong phú cho sách sử Việt Nam.

Vua Quang Trung thật, Quang Trung giả?

Nguyễn Duy Chính, tác giả của nhiều đầu sách lịch sử uy tín: Thanh - Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại của vua Quang Trung, Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông, Lê Mạt sự ký: Sư suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ 18…, vừa ra mắt hai cuốn mới Đi tìm chân dung vua Quang Trung và Nguyễn Thị Tây Sơn ký (dịch), NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Với nguồn tư liệu phong phú, Đi tìm chân dung vua Quang Trung mở đầu bằng việc công bố 10 bài thơ của Tôn Sĩ Nghị khi đem quân sang đánh nước ta từ khắc bản Tam Châu nhật ký thời Quang Tự 5 của Trương Ấm Hoàn. Những “nhật ký” về đường tiến của quân Thanh từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, qua các lá thư gửi về triều đình phác họa chân dung một Tôn Sĩ Nghị tàn ác và tự mãn: Giết chết dân thường vô tội, so sánh mình với Mã Viện và cố tỏ ra việc Nam chinh hùng tráng cam go nhằm thổi phồng chiến tích lẫy lừng. Qua đó, cũng thấy được nhiều biến cố của quân giặc gặp phải khi ấy, cùng các chi tiết về núi non sông ngòi nước ta.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính còn trích một đoạn bia đá do Viên Mai, một đại nho sĩ thời đó, khắc trên bia đá viết về họ Tôn để thấy rằng cuộc chiến này ở nước ta được truyền ngôn hoàn toàn khác với thực sử. “Chính những chi tiết mà giới quan lại nhà Thanh phổ biến ra ngoài khiến cho dư luận bị lái đi một hướng hoàn toàn khác hẳn, coi việc bại trận là một sơ suất, chứ không phải vụng mưu trút mọi tội lỗi lên đầu vua Chiêu Thống. Thực ra Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy trước, qua sông lại chặt cầu phao khiến cho các tướng không ai chạy thoát”, tác giả khẳng định.
Với câu chuyện “vua Quang Trung thật, Quang Trung giả” sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790), ông Nguyễn Duy Chính phân tích thấu đáo. Nếu trước đây Tây Sơn thuật lược nói người đóng giả vua là đô đốc Nguyễn Hữu Chấn, Lê quý dật sử viết Tư Mã Chấn, Nghệ An Ký là Nguyễn Chấn, Lê Triều dã sử cho là Ngô Văn Tàng (Ngô Văn Sở) thì qua Đại Việt quốc thư của Việt Nam, hay văn thư liên lạc giữa vua Quang Trung với Nguyễn Thiếp, di cảo của ba văn thần Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn cử theo vua, sứ thần Triều Tiên và tư liệu đời Thanh là Thánh Vũ ký, Việt Nam tập lược, Thanh sử cảo, kết hợp với tài liệu thời cận đại phù hợp, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đưa ra kiến giải mới khẳng định đích thân vua Quang Trung đã sang Thanh đình vào năm 1790. Kiến giải này được tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn rất đồng tình. “Nguyễn Duy Chính cho rằng những sử liệu chúng ta được biết trước nay chỉ là tài liệu thứ cấp, được khai thác và sử dụng của một triều đại xem nhà Tây Sơn và bản thân vua Quang Trung là ngụy triều, là phản nghịch… nên không phản ánh trung thực và khách quan. Mục đích của họ là nhằm hạ thấp vai trò và vị thế của triều Tây Sơn và của Quang Trung trong mối quan hệ với Thanh triều lúc bấy giờ”, ông Trần Đức Anh Sơn phân tích.
Những góc nhìn mới của sách sử Việt1

Chân dung vua Quang Trung theo bản vẽ của nhà Thanh (do tác giả Nguyễn Đình Chính chụp lại từ Catalogue đấu giá của Công ty Sotheby’s)

Còn với Nguyễn Thị Tây Sơn ký, qua so sánh với Đại Nam chính biên liệt truyện, cuốn sách cũng đã chỉ ra những sai biệt trong phần ghi chép về Nguyễn Nhạc, tức người anh lớn trong ba anh em và cũng là người đầu tiên lên ngôi hoàng đế. Có thể thấy đây là bản khác với bản của triều Nguyễn, soi sáng cho nhiều chi tiết vốn dĩ vẫn được coi như bất di bất dịch, tạo cơ hội cân nhắc để định lượng tài liệu về đời Tây Sơn và các thêm thắt được tiểu thuyết hóa theo thời gian.
Đón sinh nhật lần thứ 100, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu sách Tạp ghi Việt Sử Địa (NXB Trẻ ấn hành) được ông dày công ghi chép trong nhiều năm, giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu quý giá liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc, cùng với một số nhân vật với “công tội” khác nhau trong lịch sử. Điểm nhấn của tác phẩm mới Tạp ghi Việt Sử Địa là những phân tích rất khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng các bài viết về xuất xứ của địa danh Cochinchina mà nhiều người Việt cũng như ở nước ngoài còn mơ hồ hoặc có nhầm lẫn tai hại.

Tín hiệu lạc quan cho sách sử Việt

Ngoài nguồn sử liệu bằng Hán - Nôm thì việc giỏi ngôn ngữ phương Tây, nhất là Pháp và Anh ngữ giúp các nhà nghiên cứu nước ta có nhiều điều kiện tiếp cận sử liệu do các thương nhân, giáo sĩ, nhà nghiên cứu Pháp, Anh, Ý, Bồ Đào Nha biên soạn từ thế kỷ 16 - 20, theo tác giả Lê Nguyễn: “Nhờ vậy mà các nhân vật lịch sử từ trong bóng tối của định kiến được đưa ra ánh sáng với sự định công luận tội thấu đáo hơn. Một số công thần triều Nguyễn được xem xét nhiều chiều và sâu sắc hơn, không đi theo lối mòn cũ, giúp người đọc có cái nhìn khách quan về những triều đại trong lịch sử. Bên cạnh đó, nhiều cây bút có nghề cùng với sự tạo điều kiện của ngành xuất bản đã tạo nhiều “đất dụng võ” cho loại sách biên khảo lịch sử vốn khô khan trở lại hấp dẫn, mà với Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (GS sử học Mỹ George Dutton, Dt books và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) tiêu thụ hàng ngàn bản chỉ sau mấy ngày phát hành, là một tín hiệu đáng mừng”.
Những góc nhìn mới của sách sử Việt2

Những cuốn sách mới tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều về lịch sử Việt Nam

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính lưu ý: “Chính vì nguồn tài liệu quá phong phú nên thường rơi vào thực giả khó phân biệt, do đó phải được kiểm chứng, nhất là có sự công tâm không để rơi vào định kiến hay cố chấp”.
Ông Trần Đức Anh Sơn lạc quan khi cho rằng những người trẻ hiện nay rất quan tâm đến sử Việt. “Với những góc nhìn mới, đa chiều về sử Việt qua hàng loạt tác phẩm được xuất bản gần đây đã cho thấy một hướng đi mới, đúng đắn của các nhà nghiên cứu về phương cách tiếp cận lịch sử, tránh kiểu rập khuôn một chiều, hoặc nghiên cứu tùy hứng, thiếu bài bản, đầy cảm tính như trước đây. Sự phát triển của công nghệ cũng góp phần có thêm nguồn tư liệu gốc dồi dào để các tác giả có cơ hội tiếp cận, đối chiếu nhiều chi tiết của lịch sử… để cùng tìm đến sự thật sử Việt khách quan và trách nhiệm”, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn chia sẻ.
“Chúng tôi luôn mở cửa đón nhận các tác phẩm nghiên cứu về sử Việt Nam có những góc nhìn khác, đa chiều và thật sự có chất lượng để độc giả có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu quý chưa từng công bố, để hiểu hơn về sử Việt và càng thêm yêu lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân”, Phó giám đốc thường trực NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.