Những giai điệu biển đảo - 'Lướt sóng ra khơi' và người nhạc sĩ của lính biển

15/06/2014 03:00 GMT+7

Trong những giai điệu về biển đảo, về những người lính hải quân, Lướt sóng ra khơi được coi là tác phẩm mang sức sống lâu bền nhất.

 
Ca khúc Lướt sóng ra khơi được xem là hành khúc, bài hát truyền thống của Quân chủng Hải quân - Ảnh: Mai thanh hải

Đọc bài viết về ca khúc Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song đang nổi lại như cồn trong những ngày này, một người bạn gọi cho tôi muốn biết tác giả Nơi đảo xa có anh em bà con gì với nhạc sĩ Thế Dương không. Tôi thưa rằng không, em trai bác Song là nhạc sĩ Văn Dung cơ, người thậm chí còn được biết đến nhiều hơn cả ông anh, với các ca khúc lừng lẫy một thời như Giải phóng quân ta ra đi, Đường Trường Sơn xe anh qua, Những bông hoa trong vườn Bác, Hành khúc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Nhưng chợt giật mình, thầm cám ơn ông bạn, bởi nhắc lại những ca khúc hay nhất về biển đảo, về bộ đội hải quân mà không nhớ, không gợi đến nhạc sĩ Thế Dương với Lướt sóng ra khơi thì quả là thiếu sót.

Nhạc sĩ Thế Dương tên đầy đủ Nguyễn Thế Dương, sinh ngày 25.10.1930 tại Hải Phòng. Lớn lên trong gia đình công chức, ông yêu thích ca hát từ nhỏ, học đàn hát trong gia đình và nhà trường. Hải Phòng chính là nơi khởi đầu và trưởng thành của nhiều cây đại thụ âm nhạc sau này như các nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Quý, Hoàng Phú,  Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Trần Khánh... Chính họ ít nhiều đã khơi gợi, dẫn dắt chàng trai Thế Dương vào con đường nghệ thuật. Năm 1946 ông xung phong đi bộ đội, vừa chiến đấu vừa tập tành sáng tác. Năm 1951 ông theo học các trường âm nhạc Việt Bắc, Tây Bắc, Trung du; hòa bình lập lại về công tác tại đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Năm 1969 nhạc sĩ Thế Dương chuyển hẳn về  đoàn Văn công  Hải quân, gắn bó người lính biển và biển khơi đến khi nghỉ hưu năm 1989. Trong đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông sáng tác không nhiều, chủ yếu viết về bộ đội hải quân nhưng có lẽ chỉ với Lướt sóng ra khơi cũng đủ tạo dựng một tên tuổi trong lòng người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Thế Dương viết Lướt sóng ra khơi năm 1958. Ông kể năm 1957 cùng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị ra phục vụ ngoài đảo Bạch Long Vĩ. Giữa trời biển bao la, tận mắt chứng kiến sự hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió chắc tay súng giữ đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền vùng biển vùng trời Tổ quốc của bộ đội, ai nấy thực sự xúc động. Người lính nơi tiền tiêu biển đảo thật đẹp, thật hùng. “Tôi cảm thấy tất cả điều ấy đã thôi thúc mình phải viết, một cái gì đó thật sâu lắng, chân thành, vừa ngợi ca, vừa tỏ lòng biết ơn những anh bộ đội hải quân đang cống hiến, hy sinh cho đất liền ruột thịt, cho cuộc sống bình yên”. Tuy vậy, cũng phải thêm một cuộc đi nữa, cảm xúc mới chín ngấu, mới thoát ra thành âm thanh, giai điệu. Lúc ấy vào năm 1958.

Tôi lật mở trang Wikipedia, mục từ Hải quân Việt Nam. Hiển hiện rõ ràng ca khúc Lướt sóng ra khơi được coi là hành khúc, bài hát truyền thống của Quân chủng Hải quân. Không có mấy nhạc sĩ được hưởng vinh dự này, như tấm huân chương quân công mà quân đội nhân dân VN anh hùng ghi nhận. Ta từng biết các quân chủng, binh chủng đều có bài hát truyền thống, ví dụ không quân có Phi đội ta xuất kích (nhạc sĩ Tường Vy), tên lửa có Tên lửa ta về bên sông Đà (Hoàng Tạo), pháo binh thì Tiếng hát pháo binh (Huy Du), xe tăng thì Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho - Hữu Thỉnh), nhưng phải thừa nhận Lướt sóng ra khơi của hải quân vẫn chiếm vị trí số 1. Riêng quân chủng sông nước này đã có nhiều bài hát về hải quân nhân dân nhưng chỉ duy nhất bài của nhạc sĩ Thế Dương được coi là “Hải quân ca”, từ anh binh nhì đến ông đô đốc đều thuộc làu. Ông cựu binh hàng xóm nhà tôi từng tham gia đánh tàu Maddox ngày 4.8.1964 bảo rằng chính Tư lệnh Hải quân hồi đó, đại tá Nguyễn Bá Phát đã chỉ đạo chọn Lướt sóng ra khơi làm “Hải quân ca”. Nghe bác ấy kể, sực nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc, có hai ông tư lệnh mà đám trẻ trai rất ấn tượng, khâm phục, đó là ông Phùng Thế Tài- đại tá Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân và ông Nguyễn Bá Phát- đại tá Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Sau chiến thắng 5.8.1964, hai ông nổi như cồn. Ông đại tá Phát gợi cho thế hệ thanh niên thời đánh Mỹ nhiều thiện cảm tốt đẹp về anh bộ đội.

“Hải quân ca” từ đầu đến cuối mang nét nhạc trầm hùng mà tình cảm, giai điệu lúc trải mênh mông như sóng biển, lúc nhịp nhàng tựa sóng vỗ thân tàu, lúc lại trào dâng như phong ba bão tố. Nhịp chắc khỏe lôi cuốn người nghe hòa mình vào đời người lính canh giữ biển khơi: “Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu/Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương/Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời/Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời/Ngoài khơi bát ngát gió reo vui/Biển rộng bao la ta tung lưới từng khoang cá đầy/Bờ biển của ta đây sức sống đang chan hòa/Vượt ngàn sóng gió ta ra khơi giữ yên quê nhà”. Giữa bao la tình yêu đất nước, yêu cuộc sống của người lính biển, Thế Dương đã khám phá ra vẻ đẹp ý chí và tinh thần của các anh: “Giặc thù hòng xâm lăng, tay súng ta sẵn sàng/Chiến đấu hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng/Vì cuộc đời mai đây, khó mấy ta không lùi/Đoàn tàu lướt sóng ta ra đi bảo vệ Tổ quốc”.

Người viết hơi “lăn tăn”, khi tác giả của bài hát được cả Quân chủng Hải quân thuộc và hát mỗi ngày, một thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ VN nhưng lại không có tên, không có thông tin nào trong website của hội. Lúc đang lúng túng chưa biết tìm đâu ra tấm ảnh nhạc sĩ Thế Dương thì thật may, một người bạn cũ bảo rằng cậu không biết ông cụ là cậu ruột của tớ à, cụ đang sống ở Hải Phòng quê cậu đấy. Cụ sẽ gửi ngay ảnh cho. Có được tấm ảnh là do vậy.

 
Ảnh: nhân vật cung cấp

Nguyễn Thông

>> Những giai điệu biển đảo - Chút thư tình người lính biển
>> Những giai điệu biển đảo: Bay qua biển Đông
>> Những giai điệu biển đảo: 'Tổ quốc nhìn từ biển
>> Những giai điệu biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa
>> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.