Những dòng sông chảy ngược về nguồn

24/02/2019 09:19 GMT+7

Hồi tháng chạp vừa qua, tôi bay về Việt Nam ít ngày thăm gia đình. Sống xa nhà, mỗi lần được về quê luôn là điều hạnh phúc. Nhưng nghĩ tới mấy chuyến bay dài 21 giờ là nổi hết da gà.

Không khí khô khan, thức ăn chẳng hợp khẩu vị, các hãng hàng không lại cố tăng ghế ngồi, thêm lợi nhuận nên cẳng chân tù túng. Trẻ khỏe như tôi còn vậy, nghĩ tới những người lớn tuổi mới thấy thương vô cùng.
Chuyến bay từ Tokyo về Sài Gòn của ANA dài chừng 6 tiếng, nhưng tôi nghĩ đó là chặng ngán ngẩm và mệt mỏi nhất bởi mất nửa ngày trên trời không ngủ nghê, tắm rửa. Hôm ấy, mọi người kiên nhẫn đứng chờ gần hai mươi chiếc xe lăn chở các cụ ông cụ bà vào trước, thêm các anh chị trung niên lớn tuổi, rồi mới đến tụi tôi. Cùng hàng ghế với tôi là một bác gần tám mươi, mặc mấy lớp áo dày, ngồi im lặng lẽ. Chung quanh, các cô chú xôn xao cho chuyến thăm quê. Người về Sài Gòn hai tuần chơi Noel, người qua tới tết ta mới quay lại Mỹ, có người bảo về luôn, xứ ấy lạnh quá chịu hổng nổi.
Đầu gối bắt đầu hơi đau do ngồi nhiều. Tôi quay qua, nhỏ nhẹ, tí nữa cho con mượn cái ghế trống này nằm chút nha (nói nằm cho sang chứ co ro như tôm luộc). Bác gật đầu cười, tự nhiên đi con. Thế là bác cháu bắt đầu nói chuyện. Bác quê ở Quy Nhơn, tới nơi là tụi nhỏ thuê sẵn xe, chở thẳng về nhà. Chục năm rồi bác mới về, mà chắc ở luôn, canh mồ mả ông bà với bác gái. Nhiêu đó đủ rồi. Xứ người buồn quá.
Thiên hạ vẫn bảo, người già sống ở Mỹ tốt hơn, có bảo hiểm, được chăm sóc đủ đầy, môi trường sạch sẽ. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là giá trị tinh thần. Nếu ai có cả gia đình bên này thì không nói gì. Chứ chịu cảnh phân ly, nửa bên này, nửa bên kia, nỗi đau thấm lắm.
Tôi có chị bạn bảo lãnh má qua Mỹ dưỡng già vì ở Việt Nam không còn ai nữa. Tới tuần thứ hai, mọi người đi làm, bà bắc ghế ra mép đường ngồi. Xe chạy vun vút, bà giơ tay vẫy vẫy rồi cười. Tới cuối tháng, bà khóc hù hụ, cho tao về Việt Nam đi, đói khổ gì cũng được. Chứ sống xứ này như ở tù với câm, tao chịu hổng nổi.
Tôi nhớ ngày má mất, gia đình cũng quyết định cho ba về luôn để anh chị bên nhà chăm sóc. Bên này bọn tôi lo đi học, đi làm kiếm sống, ba ở nhà thui thủi hết đi ra đằng trước, tới quay lại ngõ sau. Đói thì vô tủ lạnh lấy đồ ăn, buồn mở radio lên nghe, rồi vô ngủ. Bữa nào tôi đi học về sớm, hai cha con mở cải lương nghe chung cho vui. Khi đi học cả ngày thì tranh thủ gọi về. Chuông đổ liên hồi, tim tôi đập thình thịch, lật đật bắt buýt về coi thử chuyện gì. Mở cửa, thấy ba ngồi trước ti vi. Sao con gọi mà không bắt máy? Ba móm mém cười, chắc tại tao ngủ quên không nghe thấy. Sau một năm sống ở Mỹ, nỗi cô đơn và mùa đông giá lạnh đã giày vò tâm trí, bào mòn sức khỏe ba. Ông bị suyễn, thấp khớp, huyết áp cao, đi một quãng phải ngừng lại nghỉ ngơi. Dù trước đó ở Việt Nam, bảy mươi tròn, ba vẫn bửa củi, chèo ghe như trai tráng.
Tôi nghĩ, ai sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, một khi tha hương, dù ở ý thức hệ, chiến tuyến, ra đi bằng cách nào, cũng đều mong muốn ngày về. Viễn xứ luôn là một nỗi đau đời, khi người ta tự rứt mình ra khỏi những mạch máu quê hương ruột thịt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.