Những đóa hoa đời

03/04/2008 22:20 GMT+7

14 bộ phim ngắn của sinh viên khoa Đạo diễn trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã tạo được bất ngờ cho người xem bằng những cảm xúc đậm tính nhân văn.

Với chủ đề: thể hiện những con người bình dị, những số phận bất hạnh phải vượt qua nghiệt ngã mà cuộc đời đã dành cho họ, các bộ phim ngắn được thực hiện theo thể loại tài liệu với một phong cách hoàn toàn mới. Không lời bình, không lời dẫn chuyện, từng bộ phim là phần đời của mỗi số phận, mỗi con người. Họ âm thầm, lặng lẽ nhưng đã sống vì cộng đồng với tình yêu, lòng bác ái và sự sẻ chia.

Tình yêu thương giữa hai người đàn ông, một già (78 tuổi), một trẻ (22 tuổi) trong phim Trọng và ông ngoại (tác giả Đỗ Đại Tín) khiến người xem bùi ngùi. Không cha, mẹ bỏ đi năm Trọng vừa 6 tuổi, ông ngoại già yếu, gầy còm phải làm đủ mọi nghề kể cả ăn xin để nuôi cháu ăn học. Hai ông cháu sống trong một túp lều rách nát. Vậy mà Trọng đã lớn lên giữa vùng quê Pleiku vắng vẻ ấy để rồi thi đậu một lúc hai trường đại học Y dược và Khoa học tự nhiên. Nhưng rồi lo sợ ông ngoại không đủ sức sống đến ngày mình thành đạt, Trọng đã chọn trường Đại học Khoa học tự nhiên (4 năm) và đã học thật giỏi. Ống kính máy quay lay đọng lòng người khi theo chân Trọng từ TP.HCM lặn lội về quê thăm ông ngày tốt nghiệp. Hai ông cháu ôm nhau trong nước mắt đoàn viên.

Tình yêu thương mẹ của nghệ sĩ Hữu Thành trong phim Nghệ sĩ Hữu Thành (tác giả: Võ Văn Thơi) làm khán giả bồi hồi khi góc máy lia cận cảnh đôi bàn tay già nua, nhăn nheo, ốm yếu của lão nghệ sĩ Hữu Thành (73 tuổi) xoa bóp đôi chân cũng teo tóp, hom hem vì tuổi già của mẹ già (93 tuổi) ở quê. Cảnh ông lão già yếu Hữu Thành sống lặng lẽ một mình với con trai mù lòa (nhạc sĩ Bảo Thu) trong căn nhà trống trước trống sau trong con hẻm nhỏ ở quận 10, TP.HCM, hằng đêm chở anh đi hát. Đến đoạn kết phim, dòng chữ hiện rõ: Khi phim hoàn thành cũng là lúc nghe tin nhạc sĩ Bảo Thu đã mất càng làm người xem lặng đi trong cảm xúc của tình cha - mẹ - con.

Tác phẩm Phương "khùng" của Nguyễn Anh Tuấn vừa đoạt giải Cánh diều vàng 2007 cho thể loại phim ngắn xuất sắc nhất thể hiện góc khác của cuộc đời. Mồ côi cha mẹ từ bé, Phương "khùng" đã tha phương từ quê hương Ninh Hòa đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Không nghề nghiệp, bước sang tuổi 45, trên gương mặt khắc khổ, xạm đen vì nắng gió của anh, người xem như đồng cảm với số phận cuộc đời. Không thể lấy được vợ vì quá nghèo, vậy mà anh vẫn sống thiện, không trộm cắp, làm liều. Anh sẵn sàng nuôi một đứa bé bất hạnh như mình. Hai cha con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Ước mơ cuối đời của anh là dành dụm được ít tiền bằng nghề mò cua, bắt ốc, mò sắt vụn ven sông để về Ninh Hòa bán vé số rồi chết tại quê hương. Sau khi nhận giải Cánh diều vàng, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã tìm về Quảng Ngãi tặng Phương "khùng" một số tiền để anh thực hiện ước mơ đó nhưng rồi thời gian sau lại nghe anh bị người ta đánh cắp xấp vé số và tiền khi ngủ trên sạp chợ Ninh Hòa.

Còn nhiều lắm những con người bình dị như thầy Thanh Vân (Nét phấn Từ Hạnh - tác giả: Nguyễn Thiên Định), ông Bùi Văn Thu (Ngôi nhà 150 người - Nguyễn Văn Trực), Nữ tu Nhung (Xơ Nhung - Trần Đông Hải) hay anh Nguyễn Tấn Bông (Trên đỉnh mồ côi - Nguyễn Quang Minh)... đã sống bằng tất cả tình yêu thương với những số phận bất hạnh, dạy dỗ các em bé mồ côi ở chùa Từ Hạnh, chăm sóc chữa bệnh cho 150 người bệnh tâm thần tận Đức Trọng, Lâm Đồng; hay đút từng muỗng cơm, bón từng bình sữa cho 15 đứa con nuôi, trai có gái có trên đỉnh mồ côi heo hút tận vùng núi Châu Đốc, An Giang...

Không giáo điều, không kêu gọi phải chung tay làm từ thiện, 14 bộ phim của các sinh viên đã gửi đến người xem thông điệp: sống ở đời sống cần có một tấm lòng như những gì ca sĩ tật nguyền Thế Vinh đã hát cùng các em trường mồ côi khuyết tật trong phim Để gió cuốn đi (tác giả: Nguyễn Định Tường). Cảm xúc là những gì mà các nhà làm phim đã làm được trong loạt phim ngắn này - thứ mà điện ảnh chúng ta ngày càng thiếu. Phim dẫn dắt người xem như len lỏi đến với từng thân phận, sống cùng và sẻ chia, đồng cảm với họ bằng ngôn ngữ của điện ảnh, của ánh sáng, của góc quay đầy chuyên nghiệp, cá tính. Đơn giản bởi tác giả của những bộ phim cảm động này hiện đang là nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các đài truyền hình, các hãng phim... Bằng điện ảnh, họ đã gửi đến người xem nhiều điều phải suy ngẫm trong cuộc sống, về lối ứng xử giữa người với người trong xã hội hiện đại. Và trên hết, tình yêu, lòng bác ái sẽ luôn sống mãi và song hành trong mỗi con người chúng ta để đạt đến giá trị của chân-thiện-mỹ.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.