Những chuyện kỳ bí - Kỳ 3: Bom 'đậu' trên nóc chùa

30/09/2015 06:22 GMT+7

Chùa Linh Sơn (Linh Sơn tự) được coi như tổ đình Phật giáo vùng Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa Linh Sơn (Linh Sơn tự) được coi như tổ đình Phật giáo vùng Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. 

Tiểu hồng chung tìm thấy ở cuối sông Hiền Lương (trái) và cây kén 300 năm tuổi ở sau chùa Linh Sơn - Ảnh: Sơn TùngTiểu hồng chung tìm thấy ở cuối sông Hiền Lương (trái) và cây kén 300 năm tuổi ở sau chùa Linh Sơn - Ảnh: Sơn Tùng
Theo biên niên sử của chùa thì Hòa thượng Thích Quảng Đức từng trụ trì ngôi chùa này từ năm 1940 đến 1944, đúng vào giai đoạn mà quả bom của phát xít Nhật “đậu” trên nóc chùa. 
Cọp dữ và cổ thụ
Chùa Linh Sơn tọa lạc bên hữu ngạn sông Hiền Lương, thuộc xã Vạn Lương, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) do Hòa thượng Đại Bửu, quê Quảng Nam, vào vùng này tu hành năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) rồi lập chùa.
Trong vườn chùa hiện còn hai cây cổ thụ, một là cây xoài phía trước sân, hai là cây kén phía sau chùa. Cây xoài cổ thụ do một vị sư cách nay nhiều đời trồng, còn cây kén là dấu tích còn lại của một cánh rừng nguyên sinh. Theo sư trụ trì chùa, cây kén này có tuổi hơn 300 năm, khi Hòa thượng Đại Bửu vào đây hành đạo, cây kén đã là “đại thụ” rồi. Cách nay chừng 3 thế kỷ, những cánh rừng nguyên sinh đã “trùm” lên vùng Vạn Ninh này. Một bên là biển ăn sâu vào đất liền, một bên là dãy Trường Sơn luôn trong tư thế nhoài ra biển, vùng Vạn Ninh như bị kẹp giữa núi non trùng điệp và biển cả bao la. Thời ấy, đây được xem như vùng sơn lam chướng khí, nơi trú ngụ của loài cọp dữ.
Tương truyền, thuở chưa xây chùa, Hòa thượng Đại Bửu đã tọa thiền dưới gốc cây kén cổ thụ này. Trong những lần tọa thiền như thế, có con cọp cái cũng chọn gốc kén nọ để sinh con. Các môn đệ rất lo lắng cho tính mạng của thầy trước cọp dữ, song con cọp vẫn sống “hòa thuận” với nhà sư cho đến khi đàn con của nó lớn lên rồi vào hẳn rừng sâu.
Ông Nguyễn Năm (80 tuổi), một phật tử của chùa lý giải hiện tượng lạ này: “Các vị chân tu sống một cách bình yên trên núi cao hay trong rừng thẳm mà không bị thú dữ quấy quả là nhờ vào sức mạnh của đức từ bi. Hòa thượng Đại Bửu cũng vậy, căn lực của Ngài tỏa ra khi thiền định khiến con cọp “yên tâm” nuôi con mà không phải cảnh giác”. Nhiều người dân trong vùng nghe đồn có nhà sư sống “hòa thuận” với cọp dữ nên đến xin quy y ngày một nhiều. Chùa Linh Sơn được cất lên ngay sau đó cùng với hai quả chuông đầy linh diệu.
Chuông chùa và bom Nhật
Nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều hảo cảm để nói về Linh Sơn tự. Ông kể, sau khi hay tin có vị hòa thượng sống cạnh hổ dữ mà vẫn bình yên, đạo hữu khắp vùng Vạn Ninh đổ về Hiền Lương bày tỏ lòng ngưỡng mộ vị sư. Họ đã xây chùa Linh Sơn và đúc hai quả chuông tặng chùa. Các tín đồ đã phá cánh rừng nguyên sinh bên hữu ngạn con sông Hiền Lương để lấy mặt bằng cất chùa, chỉ để duy nhất cây kén mà vị sư từng ngồi thiền dưới bóng râm cây cổ thụ này như một lưu dấu những tháng ngày hành đạo đầy khổ hạnh của Ngài. Còn số phận của hai quả chuông thì lận đận cùng đất nước khi phải trải qua nhiều cuộc chiến chinh suốt mấy thế kỷ qua.
Thời Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn tranh hùng, phần lớn các loại hồng chung vùng Khánh Hòa đều được trưng dụng để nung chảy rồi đúc vũ khí. Quách Tấn nhận xét: “Đem chuông ra đúc súng đạn thật chẳng khác nào bắt các vị tu hành tòng chinh. Để chuông chùa khỏi “phạm giới sát sanh”, nhiều chùa ở Khánh Hòa đem giấu chuông ở vực sâu hố thẳm”. Hai quả chuông của chùa Linh Sơn cũng lập tức biến mất. Phật tử đã vùi chuông xuống sông Hiền Lương để khỏi bị trưng dụng vào chuyện đúc vũ khí.
Một hôm, có bà lão mò cua ở cuối sông Hiền Lương (cách chùa chừng 2 cây số) tình cờ phát hiện chuông. Dân làng kéo đến và vớt chuông lên. Họ cũng không biết nguồn gốc của quả chuông từ đâu trôi dạt về vùng cửa sông này. Con sông Hiền Lương nằm giữa thôn Hiền Lương và thôn Tân Đức. Biết hồng chung là vật quý nên dân hai làng đều giành về mình. Một cuộc “kiện chuông” diễn ra sau đó tại cửa quan. Quan phán: “Chuông thì phải trả lại cho chùa. Làng nào có chùa thì chuông về làng đó”. Tân Đức không có chùa nên dĩ nhiên hồng chung đã về lại Linh Sơn tự. Khi chuông về lại chùa, kỳ cọ sạch lớp bùn bám vào, người ta mới phát hiện bên thành của nó còn nguyên hàng chữ: “Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt” (năm Cảnh Hưng thứ 22, Tân Tỵ, tháng tám), đúng năm dựng chùa Linh Sơn (1761). Nhưng đó chỉ là tiểu hồng chung, còn đại hồng chung thì lưu lạc nơi đâu vẫn còn là một bí ẩn. Các sư ở chùa kể rằng, thi thoảng họ vẫn nghe tiếng binh boong vọng lên từ hồ sen trước chùa.
Cư dân vùng Hiền Lương truyền nhau câu chuyện khó tin. Năm 1944, máy bay của phát xít Nhật đã trút hai quả bom xuống vùng này. Một trái thì phát nổ, trái còn lại “đậu” trên nóc chùa! “Với sức nặng hàng trăm ký, bom không nổ thì chui tọt xuống đất chứ sao lại “treo” trên nóc chùa được?”, chúng tôi thắc mắc. Ông Năm, nhà ở cạnh chùa nói: “Chẳng một ai nhìn thấy trái bom đó cả, vì người Nhật đã đến lấy mang đi ngay sau đó. Chỉ còn lại một mảng nóc nhà chùa bị bẹp nhưng nay đã sửa lại rồi”. Thật khó tin về trái bom từng “đậu” trên nóc chùa, thế nhưng đã có bao nhiêu người tin vào điều đó. Có lẽ sự linh thiêng của ngôi cổ tự 254 năm tuổi đã thành mảnh đất cho những điều huyền bí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.