Những chí sĩ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, bậc trí giả danh tiếng

08/09/2015 05:55 GMT+7

Trong ngày tuyên bố thành lập Chính phủ liên hiệp 2.3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Trong ngày tuyên bố thành lập Chính phủ liên hiệp 2.3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu tiên, bên phải) và Chính phủ liên hiệp (2.3.1946) - Ảnh: Tư liệu
Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu tiên, bên phải) và Chính phủ liên hiệp (2.3.1946) - Ảnh: Tư liệu
Sáng sớm 25.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Bắc Bộ Phủ. Trông thấy nhau, cả cụ Huỳnh và Hồ Chủ tịch đều xúc động. Hồ Chí Minh nghẹn ngào: “Tôi tưởng phải bỏ thây ở nước ngoài vì mấy chục năm tôi gặp biết bao là gian nan, nguy hiểm”.
Cụ Huỳnh cũng rơi nước mắt: “Khi còn ở Côn Đảo, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc vì án chung thân. Nay gặp cụ, tôi hả lắm”.
“Chỉ còn một dặm nữa...”
Sau khi nghỉ ngơi ngay tại Bắc Bộ Phủ, chiều hôm sau, hai nhà yêu nước đàm đạo, cùng chia sẻ nỗi lo âu trước tình hình đất nước, trước những mối đe dọa thù trong, giặc ngoài, trong khi chính quyền cách mạng vẫn còn quá non trẻ. Công việc bộn bề như núi. Các đảng phái từ nước ngoài về đang tranh giành quyền lực.
“Việc mời cụ nhận chức Bộ trưởng Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phái chứ không phải ý kiến của riêng tôi - Hồ Chủ tịch nói - Cụ ở trong nước cụ biết rõ được trình độ tiến bộ cả ba kỳ. Đồng thời ba kỳ đều tín nhiệm cụ”.
Cụ Huỳnh đáp: “Tôi ra đây là cốt gặp cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi lại không biết cầm cày, cầm cuốc, lúc cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ, thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.
Cụ Hồ đề nghị: “Chính phủ có 10 bộ, đã có 9 người nhận bộ rồi. Nay xin cụ nhận cho Bộ Nội vụ để Chính phủ ra mắt đồng bào gấp”.
Trước khi ra về, Hồ Chủ tịch còn trao đổi thêm với ông Nguyễn Xương Thái, thư ký của cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin cụ hy sinh thêm. Nay mai sẽ có hội nghị liên tịch, các chính đảng sẽ mời cụ”.
Quả nhiên, Phó chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần nghênh tiếp hậu đãi, nhưng cụ Huỳnh rất ngán khi thấy bàn đèn, thấy thê thiếp hầu hạ bên cạnh đảng trưởng Việt Cách. Tự nhiên cụ Huỳnh hết tin tưởng: “Làm cách mạng như vậy thì sướng thật!”.
Tận mắt nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngôn hành tương cố, lời nói đi liền với việc làm, lại nghe Hồ Chủ tịch thiết tha thỉnh cầu: “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn một dặm nữa, xin cụ đừng thoái thác!”, cụ Huỳnh càng thêm nể trọng, quý mến: “Nếu cụ thấy ba chữ Huỳnh Thúc Kháng còn chỗ dùng đối với Tổ quốc... thôi thì xin hiến cho cụ dùng”.
Vị tiến sĩ mà tài đức được nhân dân cả nước biết đến đã vui lòng nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp. Sau đó, cụ còn được các đoàn thể, chính đảng tin cậy cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) tức MTTQ VN ngày nay.
Phẩm cách kẻ sĩ
Là bậc trí giả danh tiếng, lại hoạt động cách mạng kiên quyết chống thực dân, phong kiến, từng bị tù đày suốt 13 năm trời ở Côn Đảo (1908 - 1931), Huỳnh Thúc Kháng tự coi mình là một “chiến sĩ cách mạng công khai” hăng hái tham gia các hình thức đấu tranh đòi các quyền dân chủ trong khuôn khổ tư sản. Vào thời điểm cao trào cách mạng 1930 - 1931, cụ Huỳnh viết một số bài báo chỉ trích các biện pháp đấu tranh của những người cộng sản. Vì thế, những năm đó, trong Văn kiện Đảng, đã có những ý kiến tả khuynh gọi là “bọn Huỳnh Thúc Kháng”. Thậm chí, ít lâu trước Cách mạng Tháng 8, trên Báo Cờ giải phóng còn nhắc đến tên cụ Huỳnh không mấy thiện chí.
Bởi vậy, khi nhận điện của Hồ Chủ tịch mời ra lập Chính phủ, cụ Huỳnh điện ra thủ đô: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không thể nhận chức bộ trưởng, nhưng trước sau tôi cũng ra gặp cụ”.
Hồ Chủ tịch lại đánh gấp bức điện thứ hai, lần này còn ủy thác Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời Võ Nguyên Giáp điện mời khẩn thiết: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ”. Bức điện do Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký tên.
Sau khi bàn bạc với các nhân sĩ ở Huế, cụ Huỳnh quyết định ra Hà Nội và điện trả lời: “Tôi vừa nhận được điện thứ hai, tôi chuẩn bị trời tối sẽ lên đường”.
Ra thủ đô, mục đích của cụ Huỳnh chỉ là gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ cụ chưa có ý định nhận chức bộ trưởng. Tuy nhiên, trước sự chân thành của người đứng đầu Chính phủ và tận mắt chứng kiến hoạt động của các thành viên Chính phủ, cụ đã nhận lời.
Một lòng vì nước, vì dân
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) thuộc lớp tiền bối, đồng chí của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Hồ Chủ tịch). 24 tuổi Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải nguyên, 28 tuổi đỗ Hoàng giáp, không ra làm quan mà chỉ gắn bó với nhân dân đấu tranh giành độc lập.
Một lòng vì nước vì dân, cụ được Hồ Chủ tịch tin cậy ủy thác trọng trách quyền Chủ tịch Chính phủ khi Người sang Pháp suốt hơn 4 tháng (31.5.1946 đến 20.10.1946). Thời gian này, cụ Huỳnh đã chỉ đạo nghiêm trị Quốc Dân đảng khi phát hiện vụ Ôn Như Hầu (bắt cóc, tống tiền, tàn sát đồng bào).
Cụ đã tuyên bố trong cuộc họp với các nhà báo ngày 26.7.1946: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa. Nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp...”.
Tháng 11.1946, tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 (khóa I), các đại biểu chất vấn về việc bắt giam và truy tố mấy đại biểu của Việt Nam Quốc Dân đảng đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào vụ Ôn Như Hầu. Cụ Huỳnh thẳng thắn phát biểu: “Nước nhà đã vượt qua được nhiều khó khăn đó là nhờ công lao của Hồ Chủ tịch, nhưng trong nước còn có những việc không hay đó là lỗi của tôi”.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Huỳnh nhận sứ mạng đi kinh lý miền Trung và miền Nam Trung bộ với tư cách đại diện Chính phủ Trung ương.
Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng Huân chương Sao vàng.
Những ngày cụ Huỳnh về quê hương miền Trung, nhiều bậc trí giả cựu học, tân học đến yết kiến hỏi thăm cụ Hồ là ai, tài năng, đức độ thế nào. Cụ Huỳnh mượn lời nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh thay cho nhận xét của mình rằng: “Độc lập của nước VN sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc”. Nay thấy rõ lời nói ấy ứng nghiệm. Thật là cao kiến”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.