Những câu chuyện ít biết về bậc thầy danh họa Nhật Bản Katsushika Hokusai

05/03/2021 13:30 GMT+7

Katsushika Hokusai (葛飾北斎, 1760-1849) - họa sĩ người Nhật nổi tiếng nhất khi nói đến tranh in khắc gỗ vẽ phong cảnh. Loạt tranh về núi Phú Sĩ đã đưa tên tuổi của ông vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ 19.

Cùng với các nghiên mực, bình phong, áo kimono… tranh khắc gỗ Nhật Bản, trong đó có tranh của bậc thầy về hội họa Katsushika Hokusai từng trở thành trường phái thời thượng ở Pháp lúc bấy giờ, được các văn-nghệ sĩ và giới thượng lưu Pháp ưa chuộng, dần thay thế cho các đồ vật đến từ nền văn hóa Trung Hoa (đồ gốm sứ, thiết kế sân vườn, dệt vải…) trước đó.

Đi tìm sự khác biệt

Hokusai là đứa trẻ mồ côi sinh ra ở Edo, thời kỳ nước Nhật “tỏa cảng” dưới chính quyền Mạc phủ, một đất nước lúc đó ưa chuộng các sân khấu kịch đại chúng, các trận đấu sumo và nhà chứa.
Hokusai theo học tại một xưởng khắc gỗ, công việc phụ giúp bán hàng tại một hiệu sách sau đó đưa cậu đến với thế giới văn hóa và văn học Nhật Bản bao la rộng lớn, cùng với đó là cơ hội cọ xát với Hán tự. Ở tuổi 18, cậu thanh niên Hokusai theo học tại xưởng của nghệ sĩ Katsukawa Shunsho, một trong các đại diện tiêu biểu cho trường phái Katsukawa chuyên vẽ những đề tài (về thế giới của các kỹ nữ, diễn viên kịch hay phong cảnh) được người Nhật quan tâm bấy giờ.

Bản in đương đại về Daruma (Đạt Ma) của Hokusai năm 1817

Ảnh: Wikipedia

Từ người học việc, Hokusai dần chiếm giữ vị trí chủ chốt trong xưởng vẽ, không ngừng học hỏi, tiếp thu các kỹ thuật du nhập từ phương Tây. Sau 12 năm gắn bó ông rời đi rồi gia nhập nhóm của nghệ sĩ Tawaraya Sori, một bậc thầy thuộc trường phái Rinpa (Lâm phái). Giai đoạn 1789-1801, từ các tiếp thu nghệ thuật phương Tây kết hợp với nghệ thuật Trung Hoa đương thời và phong cách truyền thống ukiyo-e của Nhật Bản (phù thế, hình ảnh của thế giới hư ảo), người nghệ sĩ trẻ bắt đầu vẽ minh họa cho các tập thơ và gặt hái được những thành công bước đầu, viết thơ, suy tư về bản sắc cá nhân, kiếm tìm một con đường riêng biệt... Năm 1799, Hokusai rời xưởng tranh Tawaraya ở tuổi 39, và cái tên Hokusai chính thức được ký vào các tác phẩm do ông sáng tạo nên.
Sinh thời, Hokusai tự coi mình là một ông già điên cuồng vì hội họa (Gakyō Rōjin Manji, Họa cuồng lão nhân vạn). Gakyō Rōjin (画狂老人) cũng là một trong khoảng 120 nghệ danh (Shunro - Xuân lãng, Taito - Đới Đẩu, Raisin - Lôi Chấn, Litsu - Vị Nhất…) mà Hokusai từng sử dụng. Việc ký nhiều bút danh cho thấy Hokusai nghiêm túc coi sự nghiệp sáng tác của mình là cuộc hành trình hoàn thiện không ngừng với các bước phát triển về phong cách, tư duy, tư tưởng.
Những năm 1810, cái tên Hokusai được phổ biến rộng rãi trong đời sống văn hóa Nhật Bản, ông lấn sân minh họa cho các sáng tác tiểu thuyết mới yomihon, hoặc thể loại shunga (xuân họa) gợi dục. Từ năm 1814-1819, một nghệ sĩ Hokusai giàu trí tưởng tượng đầy tài năng cho xuất bản 15 tập tranh ký họa (manga, mạn họa). Manga sau này trở thành tên gọi chung chỉ truyện tranh và truyện biếm họa Nhật Bản, tên tuổi ông nổi tiếng trên toàn thế giới.
Ở Nhật Bản lúc đó, phong cách của một trường phái lấn át phong cách của người nghệ sĩ, tức phong cách cá nhân. Hokusai chưa bao giờ là một trường phái theo đúng nghĩa, chính xác nhất thì Hokusai là hình tượng của người nghệ sĩ tự do, độc lập, sải bước trên con đường độc đạo do mình tạo nên.

Vinh quang và cay đắng

Hokusai là người đầu tiên lấy phong cảnh làm đề tài chính qua đó sáng tạo ra một thể loại tranh hoàn toàn mới, nhằm lột tả cuộc sống của con người thông qua sự hùng vĩ của thiên nhiên, một thứ thiên nhiên đặc trưng của riêng Hokusai: “Vô cảm trước sự có mặt và trước những nỗi khổ của con người”.
Bên cạnh việc sử dụng ồ ạt màu xanh Phổ một cách sáng tạo, Hokusai còn lưu ý đến việc dùng màu sắc để tôn lên vẻ đẹp của các mùa: mùa thu (đỏ cam), mùa đông (tuyết trắng lấp dấu chân lữ khách), mùa xuân và mùa hạ (màu vàng và xanh lá). Ngoài ra, ông cũng tích cực vận dụng các thời khắc để minh họa cho sự thay đổi liên tục của thiên nhiên, khắc họa những điểm giao thoa sáng-tối…

Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa, tranh in nổi tiếng nhất của Hokusai, tranh đầu tiên trong loạt Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ

Ảnh: T.L

Hokusai tròn 60 tuổi vào năm 1820, có thể nói từ năm 1820 đến giữa những năm 1830 là thời kỳ huy hoàng nhất trong đời sáng tác của ông với các kiệt tác như loạt tranh đỉnh cao Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ mà sau này họa sĩ lừng danh Hiroshige nhận xét là: “Ông [Hokusai] đã biến đổi núi Phú Sĩ và thiên nhiên để tạo ra thế giới của riêng mình”, các tranh vẽ cảnh thác nước và những cây cầu theo quan niệm Thần đạo, các tác phẩm nổi tiếng về các loài hoa và chim tái hiện xuất sắc “linh hồn” cây cỏ và động vật, đặc biệt là tác phẩm gây ra cơn địa chấn trong giới nghệ sĩ châu Âu trong suốt một thời gian rất dài: Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa.
Bức Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của Hokusai đã phác họa về một thế giới phù hoa tuyệt vời mà ở đó thời gian dường như ngừng trôi, một ví dụ kinh điển khi nói về nghệ thuật ukiyo-e. Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa cho thấy một nền văn minh Nhật Bản, ở đó có cả ba yếu tố căn bản - một thế giới hòa hợp: biển, đất và lửa; cho thấy sự nhỏ bé của con người trước mẹ thiên nhiên hùng vĩ. Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa cũng thể hiện cái nhìn tiên tri của ông (mất năm 1849) về một nước Nhật già nua lạc hậu trước họa Tây xâm năm 1853 dẫn đến cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868.
Giai đoạn 1830-1840 là thời kỳ khó khăn của Hokusai, kinh tế khó khăn dẫn đến nhiều hệ lụy, có thời điểm ông tìm kế mưu sinh bằng việc bán tranh của mình trên các đường phố. Từ năm 1840, ông dừng làm tranh in khắc gỗ, chuyển sang việc vẽ. Giai đoạn 1842-1844, ông vẽ khoảng 220 bản ký họa con sư tử karashishi, một ẩn dụ về một người đàn ông (Hokusai) đầy năng lượng và sức sống nhưng đã bắt đầu thấy mệt mỏi.

Cuốn sách tiết lộ cuộc đời Hokusai (Phạm Lê Huy dịch, Omega+ và NXB Dân Trí) của Johann Protais và Éloi Rousseau vừa ấn hành

Ảnh: Omega

Hokusai mất năm 1849 trong sự thiếu thốn, tro cốt ông được gửi ở Edo, nơi ông nếm trải tất cả vinh quang và cay đắng cuộc đời.
Cuốn sách Hokusai (Phạm Lê Huy dịch, Omega+ và NXB Dân Trí) của Johann Protais và Éloi Rousseau vừa ấn hành, mang đến cho độc giả nhiều thông tin quý giá về họa sĩ bậc thầy Hokusai, về khu vườn văn hóa Nhật Bản và một cái nhìn mới về các tác phẩm của danh họa thông qua việc giải thích kỹ thuật và cung cấp chìa khóa để người đọc hiểu từng bản in, tranh khắc liên quan. Xen kẽ là số lượng phong phú (khoảng 100) tác phẩm, được in màu đẹp và chỉn chu, dọc theo hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa Hokusai.
Một cuốn sách cần thiết để hiểu hơn về nước Nhật qua hình ảnh và thế giới Hokusai.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.