Những ca khúc để đời: Gọi người yêu dấu bao lần...

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
10/10/2018 09:20 GMT+7

Từ một lần 'lạc bước', nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã cho ra một tình khúc khiến bao người nhắc đến...

Ở miền Nam vào những năm đầu thập niên 1970, khi tình hình chiến sự đang dồn dập, căng thẳng, người yêu nhạc cũng bị vây quanh bởi những bản nhạc mang đậm hơi thở chiến tranh thì bất ngờ xuất hiện ca khúc Gọi người yêu dấu của một nhạc sĩ “lạ hoắc”, nhưng lại được trình bày bởi một giọng ca đang lên như diều gặp gió: nữ ca sĩ Thanh Lan. Bài hát với âm điệu chậm buồn, lời ca đong đầy yêu thương chất ngất, khơi đúng tâm trạng của những người đang yêu và đã yêu! Có lẽ với bất cứ người nào, dù nam hay nữ, dù già hay trẻ, miễn sao họ có được “một cái tên cho riêng mình”, thì trong những lúc nhớ nhung chất ngất, nghe chung quanh kỷ niệm ùa về, khó mà không buột miệng hát khe khẽ một mình: “Gọi người yêu dấu xa vời. Mà lòng lưu luyến bồi hồi. Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi, khi chiều nhẹ rơi...”.
Người em ruột của tác giả là ông Vũ Trung Hiền có kể về lý do ra đời bài hát này trong cuốn sách Vũ Đức Nghiêm anh tôi (xuất bản năm 1999). Theo đó, vào những năm cuối thập niên 1960, Vũ Đức Nghiêm là một viên chức được giao quản lý một số biệt thự, khách sạn ở Đà Lạt. Cùng thời gian này, một người quen của ông (không thân lắm) ở Sài Gòn, có cô “bồ nhí” 21 tuổi lỡ dính bầu 4 tháng. Ông ta năn nỉ Vũ Đức Nghiêm cho “cô em gái” được... lánh nạn một thời gian để chờ ngày khai hoa nở nhụy. Thông cảm cho hoàn cảnh oái oăm này, Vũ Đức Nghiêm đã đón cô gái về ở tại một ngôi biệt thự nằm trên ngọn đồi, nơi ít người qua lại. “Cô bé lỡ dại” này do không có kinh nghiệm nên chỉ ra đi với một cái... túi xách nhỏ xíu, Vũ Đức Nghiêm phải đích thân đi mua những vật dụng cần thiết cho chuyến “vượt cạn” của cô ấy từ cái khăn, chiếc tã... kể cả mang thức ăn cho cô hằng ngày.
“...Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa trẻ đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi-một-vợ-bảy-con, khóc như mưa như gió! Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố... Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội...” (Vũ Trung Hiền - sđd).
Và, người “lôi” Vũ Đức Nghiêm ra khỏi “cơn lốc tình ái” đó chính là vợ ông. Bà ập vào căn phòng khi chồng bà đang quỳ bên cạnh giường xỏ vớ vào chân cho người yêu (trời Đà Lạt rất lạnh). Không ồn ào ầm ĩ, bà chỉ nhỏ nhẹ nói với chồng: “Anh ơi! Sếp gọi anh...”. Ông luống cuống đứng dậy, tần ngần rồi... ra khỏi nơi đó cùng với bà.
Những ca khúc để đời: Gọi người yêu dấu bao lần...1
Do đâu mà người vợ của Vũ Đức Nghiêm “bản lĩnh” như thế, có lẽ vì bà là con gái út của ông bà mục sư Dương Tự Ấp và là một phụ nữ học thức. Khi Vũ Đức Nghiêm và cô Dương Thị Năng mới tuổi thiếu niên thì “người lớn” đã sắp xếp, hứa hôn với nhau... Đến đầu năm 1954, “đoạn kết” mới xảy ra khi gia đình Vũ Đức Nghiêm có mặt tại nhà người chú ruột ở Hà Nội.
Ông Vũ Trung Hiền nhớ lại: “Tôi gặp chị dâu tương lai của tôi ở đây, ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Chị tôi là nữ sinh Trưng Vương, và là một trong những thiếu nữ đẹp nhất trường hồi ấy. Nước da trên khuôn mặt chị trắng hồng. Chị ôm lấy và hôn lên má tôi. Tôi cảm thấy thoang thoảng mùi trứng gà. Về sau, tôi mới biết thời ấy, các thiếu nữ Hà Nội bảo nhau dùng lòng trắng trứng gà bôi lên, cho da mặt được mịn màng. Cũng tại ngôi nhà này (số 7 ngõ Phan Huy Chú), ngày 28.7, Vũ Đức Nghiêm lập gia đình...” (sđd).
Chàng nghệ sĩ sau những ngày tháng xao lòng đã trở về với bổn phận làm chồng, làm cha, còn “người ấy” sau khi “mẹ tròn, con vuông” cũng đã bồng con đi về... nơi xa lắm. Mọi sự tưởng đã yên nhưng mỗi lần chàng lái xe ngang qua ngôi biệt thự màu hồng trên ngọn đồi quen thuộc ở Đà Lạt, những kỷ niệm xưa cũ lại ùa về khiến chàng nhớ khôn nguôi dáng dấp của nàng... Thế là Gọi người yêu dấu ra đời trong chất ngất nỗi nhớ thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.