Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 15: Bài hát đệ nhất thất tình

19/09/2014 00:34 GMT+7

Nếu nói về các ca khúc “thất tình” trước 1975 ở miền Nam, chắc chắn ai cũng biết bài Sang ngang của nhạc sĩ Đỗ Lễ, vì nó não tình, sướt mướt đến độ... không có bài hát nào có thể vượt qua được.

 
Nhạc sĩ Đỗ Lễ và ca sĩ Lệ Thanh - Ảnh: tư liệu

Cứ tưởng tượng rằng ngày mai người yêu lên xe hoa, đêm nay trong chếnh choáng hơi men, mình ôm cây đàn, hát cho em, tiễn em lần cuối bằng ca khúc Sang ngang với hợp âm mi thứ, điệu boston: “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi... Em hỡi đôi mình mộng nay đã tan, tình đã dở dang. Em khóc những chiều anh xót xa nhiều thương cho tình yêu. Nỗi buồn chua cay, khi lòng đổi thay thôi hết sum vầy...”. Sao mà lâm ly, thê thiết đến vậy! Cho nên, bảo rằng hầu như người dân miền Nam trước 1975, ai cũng biết, cũng hát Sang ngang là không hề cường điệu.

Lệ Thanh - giọng hát... không giống ai

Bài Sang ngang bắt nguồn từ giọng hát của một cô ca sĩ: Lệ Thanh. Sự nghiệp ca hát của cô tuy chỉ trong khoảng 10 năm (1955 - 1965), nhưng đã chinh phục trọn vẹn cảm tình của khán giả đương thời. Cô là “đệ tử” của nhạc sĩ Hùng Lân. Giọng không thanh mà như bị... nghẹt mũi. Cách trình bày bản nhạc cũng thật đặc biệt: không hát liên tục một câu mà thường chia câu hát ra làm hai đoạn để ngừng và láy ở giữa câu rồi mới tiếp tục hát cho đến hết câu. Cô còn láy qua láy lại tiếng cuối của câu hát, tạo nên cảm giác mới lạ cho nhạc phẩm được trình bày. Đã vậy cô ưa chẻ từng câu hát, chỗ không phải ngừng thì cô ngừng. Chơi ngẫu hứng như thế nên nhiều khi ý nhạc sai lệch hẳn đi. Các nhạc sĩ nhăn nhó, nhưng khán giả cứ vỗ tay rần rần... Dạo ấy, Lệ Thanh ưa hát những bản Tiễn em (thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy), Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ (Nguyễn Văn Đông), Gặp nhau, Tà áo cưới (Hoàng Thi Thơ), Tà áo xanh (Đoàn Chuẩn - Từ Linh)... Tuy nổi tiếng như cồn (cùng với ca sĩ Thanh Thúy), nhưng cuộc đời ca hát của Lệ Thanh lại rất ngoan hiền, không chút điều tiếng. Cô ăn mặc giản dị, tránh né đám đông tối đa, không thích chụp ảnh và ghét tuyên bố vung vít trên mặt báo. Tuy là ca sĩ, nhưng trong mắt khán giả, hình ảnh ca sĩ Lệ Thanh như một nữ sinh ngây thơ, khả ái...

Trong số các khán giả ái mộ Lệ Thanh, có một chàng nhạc sĩ trẻ, dáng dấp thư sinh. Đó là nhạc sĩ Đỗ Lễ. Chàng nghiện từ tiếng hát đến dáng vóc của ca sĩ Lệ Thanh và luôn là một “tín đồ” trung thành của nàng.

“Nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang”

Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh năm 1941, tại Hà Nội. Ông từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1953), Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1954), Đại học Khoa học Sài Gòn (1959), Đại học Luật khoa Sài Gòn (1963). Năm 1965, ông từng giành được huy chương vàng trong một cuộc thi Lực sĩ đẹp... Tóm lại, Đỗ Lễ là một con người đa tài, một “nghệ sĩ - trí thức” chính hiệu... Đỗ Lễ tự học nhạc năm 10 tuổi và tập tành sáng tác năm 15 tuổi. Tuy thế, đến thời điểm “trồng cây si” ca sĩ Lệ Thanh thì Đỗ Lễ vẫn chưa có nhạc phẩm nào thực sự nổi tiếng. Đêm đêm, hễ nàng hát ở phòng trà nào là hầu như Đỗ Lễ có mặt ở đó. Lệ Thanh đứng trên sân khấu, mỉm cười chung chung, vô định... Vậy mà, Đỗ Lễ thấy như nàng cười với riêng mình, nàng hát riêng cho mình nghe... Vậy rồi, nàng bỗng nhiên bỏ nghiệp ca hát để... lấy chồng (khoảng năm 1965), để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khách mộ điệu. Người hụt hẫng nhất chính là Đỗ Lễ. Dù ông yêu Lệ Thanh bằng mối tình đơn phương nhưng cũng đau đớn, vật vã lắm. Rồi Đỗ Lễ soạn ca khúc Sang ngang, tưởng tượng ra một đêm từ biệt với Lệ Thanh: “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi... Mai bước sang ngang, lòng thêm nát tan, tình đã dở dang... Thôi khóc làm gì, đã lỡ duyên thề, thương nhau làm chi. Nỗi buồn ai hay, khi mình chia tay. Xa cách nhau rồi...”. Bản nhạc ngay lập tức nổi tiếng và đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của các cô nữ sinh thời bấy giờ...

Thời gian tiếp theo, Đỗ Lễ cho ra hàng loạt những ca khúc mang hơi hướm thất tình nghe rất não lòng như Tình phụ, Tan vỡ, Tuyệt tình, Tàn phai, Dại khờ, Hận tình, Tình buồn, Oan trái, Dang dở, Chuyện buồn tình yêu, Mùa thương cũ, Rồi em cũng bỏ tôi đi...

Nhạc sĩ Đỗ Lễ kết hôn với ca sĩ Hoài Xuân (người trình bày nhạc phẩm Sang ngang lần đầu trong các phòng trà ở Sài Gòn), tuy nhiên cuộc tình này chỉ kéo dài 6 năm khi họ có với nhau ba mặt con. Đến năm 1994, Đỗ Lễ qua Mỹ định cư. Tuy nhiên, do không hòa nhập được với cuộc sống nơi quê người, ông bị trầm cảm nặng. Trong một dịp trở về VN, ông đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử với một liều thuốc cực độc vào ngày 24.3.1997.

Riêng ca sĩ Lệ Thanh hiện vẫn còn sống tại Canada.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét: “Đỗ Lễ là nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang” (24.13.1973). Ngoài ca khúc Sang ngang nổi tiếng, ca khúc Tình phụ đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những bản nhạc phim hay tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 70 và cũng là nhạc phẩm chính trong phim Sóng tình với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng.

Hà Đình Nguyên

>> Ánh Tuyết hội ngộ cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
>> Gần 250 triệu đồng giúp nhạc sĩ Vinh Sử
>> Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Phú Quang mới là người vi phạm hợp đồng
>> Ca sĩ Khánh Loan tri ân nhạc sĩ Phạm Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.