Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21

16/06/2016 14:55 GMT+7

Chuyên trang điện ảnh Playlist vừa chọn ra 50 bộ phim nói tiếng nước ngoài (không phải tiếng Anh) xuất sắc nhất từ năm 2000 đến nay. Cùng điểm lại những tác phẩm đến từ châu Á vinh dự lọt vào danh sách này.

Hạng 50 - Monsoon Wedding (2001)
Monsoon Wedding là một trong những bộ phim hiếm hoi lấy đề tài cưới xin thành công về mặt nghệ thuật trong lịch sử điện ảnh thế giới. Bản tình ca ngọt ngào về lứa đôi này chính là chủ nhân của tượng Sư tử vàng 2001. Đây là giải thưởng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nữ đạo diễn Mira Nair cũng như đối với nền điện ảnh Ấn Độ vì lần đầu tiên có một phim Ấn Độ đăng quang ngôi vị cao nhất trong một kỳ liên hoan phim uy tín.
Đạo diễn Mira Nair đã mô tả Monsoon Wedding như một bản tình ca dành cho Delhi - thành phố nơi bà từng học tập. Không đình đám, hài hước như các bộ phim cùng chủ đề của Hollywood, tác phẩm này thích hợp cho những ai yêu thích một bộ phim nhiều màu sắc, nhưng đó đều là những mảng màu sặc sỡ, tươi tắn của hạnh phúc và niềm tin. Ngoài ra, ca nhạc và vũ đạo trong phim, “đặc sản” của Bollywood cũng là điểm cộng lớn của tác phẩm.
Hạng 46 - Wadjda (2012)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 1
Cô bé Wadjida luôn muốn có một chiếc xe đạp bởi vì người lớn nói bé gái ngoan thì không đi…xe đạp.
Bộ phim nhựa của nữ đạo diễn Haifaa Al-Mansour lần đầu tiên được trình chiếu tại Liên hoan phim Venice 2012 ngay lập tức đã gây được sự chú ý. Đây được biết tới như tác phẩm đầu tiên thực hiện hoàn toàn tại Ả-rập Xê-út, một đất nước “tẩy chay” điện ảnh bởi những điều luật ngặt nghèo áp đặt lên văn hóa vùng đất Trung Á này. Wadjda, một bé gái bị xem là cá biệt bởi sở thích bỏ nạng che mặt, không thiết tha học hành và luôn khao khát làm những việc mà người lớn bảo không được làm, ví dụ như một bé gái ngoan sẽ không bao giờ…đi xe đạp.
Wadjda hay chính là khao khát của đạo diễn Haifaa Al-Mansour với mong muốn xóa bỏ nạn phân biệt giới tính tại Ả-rập cũng như hy vọng điện ảnh không lâu nữa cũng sẽ được mở cửa và nhận được cái nhìn thiện cảm hơn từ các nhà quản lý và người dân. Phim dành được một đề cử với hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại BAFTA 2014.
Hạng 43 - I Wish (2011)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 2
I Wish là ước mơ đoàn tụ của hai anh em trong một gia đình bị chia cắt vì sự vô tâm của bố mẹ.
Hirokazu Koreeda là một trong những tên tuổi lớn của nghệ thật điện ảnh đương đại tại Nhật Bản. Có lẽ hơi bất ngờ vì danh sách này lựa chọn I Wish thay vì những bộ phim nổi tiếng khác của ông như After Life hay Nobody Knows. I Wish với cốt truyện đơn giản về hai đứa trẻ luôn ước mơ về một “phép màu” giúp gia đình được đoàn tụ sau thời gian dài bố mẹ ly dị, thật sự là phim dễ xem nhất so với những phim khác của cùng đạo diễn.
Tuy “dễ nuốt” nhưng phải thừa nhận một điều tính nhân văn, sự xuất sắc của dàn diễn viên nhí trong phim, nét duyên ngầm của những diễn viên người lớn, cảnh sắc tuyệt vời với những góc quay mới lạ của Hirokazu Koreeda chính là điều khiến I Wish không hề kém cạnh những tác phẩm nổi tiếng khác của Nhật Bản.
Hạng 42 - Ngọa hổ tàng long (2000)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 3
Cảnh đấu kiếm kinh điển trong rừng trúc của Ngọa hổ tàng long
Ra mắt vào năm 2000, Ngọa hổ tàng long đã trở thành hiện tượng của điện ảnh thế giới khi lần đầu tiên thể loại phim võ thuật xuất phát từ Trung Hoa đã được đông đảo khán giả và giới phê bình toàn cầu đón nhận. Đã gần 20 năm trôi qua nhưng tác phẩm kinh điển vẫn vững vàng ở vị trí số một danh sách các phim nước ngoài có doanh thu nhiều nhất tại Mỹ với 213,5 triệu USD. Không chỉ thắng lớn ở các phòng vé, phim còn gây bất ngờ khi được đề cử tới 10 giải Oscar và sau đó chiến thắng ở 4 hạng mục, gồm cả giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Ngọa hổ tàng long chính là bệ phóng cho đạo diễn Lý An, diễn viên Dương Tử Quỳnh, Châu Nhuận Phát và đặc biệt là gương mặt trẻ lúc bấy giờ là Chương Tử Di tấn công vào thị trường điện ảnh Hollywood.
Hạng 36 - Millennium Mambo (2001)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 4
Millennium Mambo là bộ phim giúp Thư Kỳ “rũ bùn” đứng dậy sau bao năm bị gán mác diễn viên khiêu dâm
Millennium Mambo (Thiên hy mạn ba) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền chính là bộ phim “rũ bùn” cho Thư Kỳ, giúp cô thoát khỏi mác diễn viên khiêu dâm và chiến thắng tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc của giải Kim Tượng năm 2001. Bên cạnh thành công vang dội tại các giải thưởng điện ảnh châu Á, bộ phim cũng đi chinh chiến tại các sự kiện nước ngoài và được đề cử giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes danh giá. Tuy trượt giải lớn nhưng Thiên hy mạn ba cũng không ra về tay trắng khi “ẵm” giải Hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất.
Hạng 28 - Syndromes And A Century (2006)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 5
Syndromes And A Century là một mốc son rạng rỡ của điện ảnh Đông Nam Á trên trường quốc tế.
Syndromes And A Century là một sự tưởng nhớ đến cha mẹ của đạo diễn Apichatpong Weerasethaku và là một tác phẩm chuẩn mực trong cách làm phim tài liệu của tài năng xứ chùa vàng. Bộ phim đã giành Bông sen vàng của Liên hoan phim châu Á tổ chức tại Deauville, Pháp năm 2007 và được giới thiệu tại LHP Venice lần thứ 63. Năm 2008, phim được CNN bình chọn là một trong những bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Ngoài ra, tác phẩm còn được chiếu ra mắt tại rất nhiều liên hoan phim như Venice (Ý), Vienne (Áo) hay Toronto (Canada).
Hạng 25 - Oldboy (2003)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 6
Oldboy là một bộ phim nhuốm màu bạo lực của đạo diễn Park Chan Wook
Park Chan Wook được mệnh danh là “ông vua” của phim báo thù bởi những tác phẩm có liên quan tới đề tài máu me, bạo lực, giải quyết ân oán, trả thù đều mang đến thành công không tưởng cho tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn Quốc. Dựa trên cuốn truyện tranh cùng tên của Nhật Bản, Oldboy nằm trong bộ ba phim báo thù nổi tiếng của đạo diễn Park Chan Wook bên cạnh Sympathy for Mr. VengeanceSympathy for Lady Vengeance cũng gặt hái được tiếng vang nhất định.
Ngay từ khi ra mắt, Oldboy gây “sốc” không chỉ tại Hàn Quốc mà còn cả các nước phương Tây bởi nó vượt qua mọi khuôn khổ truyền thống của văn hóa và thuần phong mỹ tục. Phim được cộng đồng quốc tế công nhận như là một trong những tác phẩm điện ảnh châu Á hay nhất mọi thời và về nhì tại Liên hoan phim Cannes với giải thưởng lớn (Grand Prix).
Hạng 22 - What Time Is It There? (2001)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 7
Một cảnh trong phim What Time Is It There?
Thái Minh Lượng của What Time Is It There? là đạo diễn cùng thời với những bậc kỳ tài như Hầu Hiếu Hiền, Dương Đức Xương (đã mất) của điện ảnh Đài Loan vào những năm 1980, 1990. Phim có sự góp mặt của tài tử gạo cội nước Pháp Jean-Pierre Leáud bên cạnh những tên tuổi lớn của Đài Loan như Lý Tiểu Khang, Trần Tương Kỳ. Vẫn xuất sắc ở khả năng khắc hoạ sự chậm chạp của cuộc sống thường nhật nhưng không mang tới sự nhàm chán, What Time Is It There? chất chồng những trăn trở trong nội tâm một người vợ mất chồng, người con mất cha. Bộ phim trở thành biểu tượng của phong cách làm phim “độc nhất” của Thái Minh Lượng.
Hạng 15 - Pulse (2001)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 8
Phim kinh dị liên quan tới khoa học công nghệ Pulse
Lọt top những bộ phim kinh dị đáng sợ nhất của châu Á chính là đại diện Pulse đến từ Nhật Bản. Pulse ám ảnh vào tận trong tiềm thức người xem bởi câu chuyện về sự cô đơn và cô lập của con người trong xã hội hiện đại vốn bị điều khiển bởi công nghệ. Cũng giống như nhiều bộ phim kinh dị khác của xứ sở hoa anh đào, phim không có nhiều cảnh máu me và giật gân. Trong bầu không khí u ám, bộ phim đã chỉ cho chúng ta thấy sự cô đơn của con người giữa cuộc sống hiện đại và chỉ biết tìm sự đồng cảm với những người bạn ảo trên thế giới mạng chính là cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong xã hội hiện nay. Đây cũng là bộ phim từng được các đạo diễn ở Hollywood làm lại nhưng bị chê tơi tả vì giá trị đặc sắc thấm nhuần sự sợ hãi vào tư tưởng người xem đã bị điện ảnh phương Tây che mờ bằng những cảnh máu me rùng rợn nhưng đôi phần “rẻ tiền”.
Hạng 14 - Poetry (2010)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 9
Poetry mang thông điệp về sự quý giá của tâm hồn dù cho có rơi vào hoàn cảnh éo le như thế nào đi chăng nữa
Poetry là một “áng thơ” xúc động về một người phụ nữ tên Yang Mi Ja (nữ diễn viên gạo cội Yoon Jung Hee thủ vai) khi bà phải chống chọi với căn bệnh mất trí nhớ của tuổi già và một đứa cháu ương bướng, ngỗ ngược để tìm tới niềm vui với những vần thơ bay bổng. Bộ phim là thông điệp đầy tính nhân văn của đạo diễn Lee Chang Dong với dụng ý đưa thơ vào điện ảnh để nói rằng dù cuộc sống của bạn có phải chống chọi với bệnh tật, với ngưỡng tuổi “gần đất xa trời”, với cơm áo gạo tiền hay hỉ nộ ái ố thì đâu đó vẫn còn có một chút gì cao đẹp, quý phái trong tâm hồn.
Hạng 11 - Yi Yi: A One And A Two (2000)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 10
Yi Yi: A One and A Two là sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu của đạo diễn Dương Đức Xương
Đây là một phim khá tiêu biểu cho phong cách làm phim của đạo diễn quá cố người Đài Loan Dương Đức Xương với mạch phim chậm chạp. Yi Yi: A One and a Two với thời lượng tới 3 tiếng đồng hồ kể về cuộc sống một gia đình tầng lớp trung lưu qua ba thế hệ với những câu chuyện thường nhật mà bất cứ gia đình nào cũng có thể thấy mình trong đấy. Bằng sự quan sát tinh tế cuộc sống hằng ngày, Dương Đức Xương đã thổi vào phim hơi thở của các mối quan hệ giữa các thành viên, cảm xúc của họ và tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về cuộc sống của một gia đình đặc trưng tại Đài Loan.
Từ khi mới ra mắt, Yi Yi: A One And A Two đã nhận được phản ứng tích cực từ phía công chúng và mang về cho Dương Đức Xương vô số giải thưởng danh tiếng bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2000, tờ USA Today, New York Times, Newsweek và Hiệp hội Phê bình phim đồng loạt gọi tên tác phẩm trong danh sách những bộ phim hay nhất 2001. Năm 2002, tạp chí Sight and Sound của Hiệp hội điện ảnh Anh quốc còn bình chọn đây là một trong những bộ phim đáng xem nhất trong vòng 25 năm qua.
Hạng 5 - In The Mood For Love (2000)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 11
Tình yêu vụng trộm của Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc trong In The Mood For Love luôn khiến khán giả bồi hồi
Đã hơn 15 năm trôi qua, câu chuyện tình vụng trộm của Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) và Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) có lẽ vẫn khiến khán giả thổn thức, xúc động day dứt với một thứ tình yêu tội lỗi nhưng đầy đam mê, ghen tuông xen lẫn những nuối tiếc của bộ phim In the mood for love (Hoa dạng niên huê). Vẫn là Vương Gia Vệ với đặc trưng của phim ít thoại, nhiều màu sắc, nhịp phim từ tốn như một lời tâm tình, có lẽ đối với những người chưa thấm thì đây là một tác phẩm có phần nhẹ nhàng, êm đềm nhưng phải nghiền ngẫm mới thấy được thứ tình cảm giằng xé trong tâm hồn nam và nữ chính khi yêu phải người không nên yêu, đến không được và buông cũng không đành.
Giới mộ điệu đã dành quá nhiều mỹ từ cho In The Mood For Love nhưng giải Nam chính xuất sắc trong cả Liên hoan phim Cannes và Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông của Lương Triều Vỹ và Nữ chính xuất sắc tại giải Kim Mã của Trương Mạn Ngọc mới chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hoàn hảo của tác phẩm này.
Hạng 3 - Memories Of Murder (2003)
Những bộ phim châu Á hay nhất thế kỷ 21 13
Memories of Murder là bộ phim làm từ câu chuyện có thật của Hàn Quốc
Cuối cùng và cũng là phim châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này là tác phẩm lấy cảm hứng từ vụ án giết người hàng loạt tại Hàn Quốc xảy ra vào năm 1986. Hung thủ chưa bao giờ sa lưới và vụ án đã gây nhức nhối cho dư luận lúc bấy giờ. Bộ phim không đi sâu vào việc xác định hung thủ mà tập trung vào việc xây dựng nỗi ám ảnh. Nỗi sợ hãi của người dân khi lần đầu tiên đối mặt với một kẻ giết người hàng loạt, sự yếu kém trong công tác điều tra của cảnh sát, và diễn biến tâm lý của các nhân vật, tạo nên một không gian đen tối khó quên, thậm chí ám ảnh khán giả khi bài hát Sad Letter trong phim từ từ vang lên.
Điều đáng nói đây mới chỉ là bộ phim thứ hai của đạo diễn Bong Joon Ho. Nhà làm phim người Hàn Quốc đã chứng tỏ một cái tôi làm phim rất riêng, một góc nhìn sáng tạo, làm phim trinh thám nhưng tiết chế những cảnh đánh đấm, bạo lực, tập trung đào sâu vào những mâu thuẫn, bạc nhược của bộ máy chính quyền. Phim gây được tiếng vang lớn, chiến thắng ở nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ tại Hàn Quốc và là bàn đạp để Bong Joon Ho gây chú ý với các siêu phẩm sau này như The Host và Snowpiercer.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.